Ngày 23/7, Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS khai mạc tại thủ đô Paris của Pháp. Trong 4 ngày, hội nghị sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 6.000 chuyên gia y tế, chuyên gia miễn dịch học và di truyền học nghiên cứu về bệnh HIV/AIDS. Đây là dịp để tổng kết những tiến bộ khoa học từ chăm sóc, điều trị đến cơ hội cung cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo.
Ngay trước giờ khai mạc hội nghị, Ban tổ chức công bố "Tuyên bố Paris" bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ cắt giảm 2/3 ngân sách cho chương trình phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc, đồng thời cảnh báo "HIV sẽ không bao giờ bị diệt nếu không có nghiên cứu. Nghiên cứu sẽ không tiến triển nếu không có đầu tư lâu dài."
Kể từ khi virus HIV được phát hiện cách đây 34 năm, hy vọng tìm ra loại thuốc điều trị hiệu quả căn bệnh thế kỷ này vẫn còn xa vời. Trở ngại lớn nhất đối với các nhà khoa học là HIVcó khả năng ẩn náu trong một số tế bào và khi hết đợt điều trị, chúng lại tái xuất hiện. Hiện các nhà khoa học chỉ có thể duy trì tình trạng "yên nghỉ" của HIV càng lâu càng tốt và kiềm chế virus này tiến triển thành bệnh AIDS. Các nhà khoa học cũng sẽ thảo luận về các liệu pháp đơn giản và ít tốn kém cho bệnh nhân ở các nước nghèo.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, số ca tử vong do căn bệnh AIDS trong năm 2016 là 1 triệu người, giảm gần một nửa so với mức đỉnh điểm 1,9 triệu người tử vong hồi năm 2005. Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc ghi nhận quy mô của đại dịch HIV/AIDS đã được kiểm soát. Cũng theo báo cáo của Liên hợp quốc, trong năm 2016, 19,5 triệu người trên tổng số 36,7 triệu ca nhiễm HIV đã được điều trị bằng liệu pháp kháng retrovirus (ARV), đánh dấu việc lần đầu tiên hơn một nửa số người lây nhiễm được điều trị theo phương pháp trên.
Mỹ là quốc gia cung cấp 2/3 ngân sách phòng chống HIV/AIDS trên thế giới. Trong năm 2016, Mỹ đã đóng góp gần 5 tỷ USD cho chương trình này. Tuy nhiên, gần đây, Tổng thống Donald Trump yêu cầu giảm chi phí này trong dự luật ngân sách 2018 của Mỹ. AIDS là một căn bệnh mãn tính nguy hiểm do virus HIV gây ra.
HIV phá hủy các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ này. Những người nhiễm bệnh cho tới nay chỉ có thể kéo dài sự sống nhờ liệu pháp ARV để ngăn chặn sự lây lan của HIV./.
Theo TTXVN