Thứ Ba, 5/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 20/7/2017 21:33'(GMT+7)

Số người tử vong vì AIDS tại Việt Nam thấp nhất kể từ năm 2014

Nhân viên y tế tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Nhân viên y tế tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trong khi đó, đến cuối năm 2016 một nửa tổng số người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được điều trị kháng HIV và ước tính số người tử vong do AIDS đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2014. Số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam cũng giảm dần trong những năm gần đây.

Theo UNAIDS, đến cuối năm 2016, đã có 19,5 triệu người nhiễm HIV được điều trị. Số người tử vong do AIDS đã giảm từ 1,9 triệu năm 2005 xuống còn 1 triệu vào năm 2016. Nếu tiếp tục duy trì được tiến độ này thì thế giới sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2020 về tăng tốc trong điều trị HIV.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính đến cuối năm 2016 có hơn 2/3 tổng số người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm của bản thân và đã tiếp cận được điều trị. Đặc biệt, cứ 5 người tham gia điều trị thì có 4 người đã đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. 

Việc mở rộng điều trị kháng HIV đã giúp giảm gần một phần ba số người tử vong do AIDS trong khu vực kể từ năm 2010. Trong thành công này, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể.

Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS Việt Nam cho biết, những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV đã tạo ra những tác động rất rõ ràng trong việc khống chế dịch.

Việt Nam và toàn thế giới đã có những bước tiến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90, nhưng công việc phía trước vẫn còn nhiều, dịch AIDS vẫn chưa kết thúc. Đó là tình trạng số người nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng giảm chưa đủ nhanh.

Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy trên toàn thế giới số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng nếu với tốc độ này thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới. 

Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016. 

Vì vậy, Việt Nam sẽ cần mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng đã chứng minh có hiệu quả cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng, bao gồm cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao su, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV./.

Thuỳ Giang/VietNam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất