Thứ Ba, 24/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 17/1/2017 20:34'(GMT+7)

66 tác giả, tác phẩm đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2016

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải thưởng xuất sắc cho các tác giả đạt giải của 8 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải thưởng xuất sắc cho các tác giả đạt giải của 8 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương (Ảnh: Tuấn Anh)

Sáng 17/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Văn nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2016.

Năm 2016, 52/63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói gần như đầy đủ lực lượng sáng tạo Văn học nghệ thuật cả nước hưởng ứng tham dự giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Cùng với các tác phẩm có chất lượng cao nhất của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tham dự và nhận giải đã làm nên một diện mạo thực sự của Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – xứng đáng là một tổ chức đứng đầu nhằm tập hợp, đoàn kết, sáng tạo văn học nghệ thuật cả nước.

Tính đến ngày 30/10/2016, Ban tổ chức đã nhận được 08 tác phẩm đứng đầu của 08 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương; 349 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 52 Hội VHNT tỉnh, thành phố gửi xét giải thưởng.

Số tác giả, tác phẩm dự giải của 52 Hội VHNT tỉnh, thành phố được phân ra các chuyên ngành như sau: Thơ (49 tác phẩm), Văn xuôi (48 tác phẩm), Lý luận phê bình văn học (09 tác phẩm), Mỹ thuật (113 tác phẩm), Nhiếp ảnh (65 tác phẩm), Điện ảnh (04 tác phẩm), Âm nhạc (45 tác phẩm), Sân khấu (05 tác phẩm), Múa (05 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (06 tác phẩm).

Theo Quy chế (sửa đổi) Giải thưởng Liên hiệp năm 2011, mỗi Hội chuyên ngành Trung ương được gửi 01 tác phẩm trong những tác phẩm hàng đầu của Hội mình đề nghị Hội đồng Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải. Hết thời gian quy định, Ban tổ chức nhận được 08 tác phẩm của 08 Hội chuyên ngành Trung ương (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam). 08 tác phẩm này đã được Hội đồng giải thưởng Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trao giải thưởng chuyên ngành.

 
 Nhà văn Đỗ Kim Cuông trao thưởng cho các tác giả có tác phẩm đạt giải (Ảnh: Tuấn Anh)

Với 349 tác phẩm của 52 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố tham dự giải, kết quả có 31 Hội có giải. Có 58 tác phẩm đoạt giải (không có giải A, 10 giải B, 22 giải C, 20 giải Khuyến khích và 06 giải dành cho Tác giả Trẻ).

Như vậy, tổng hợp kết quả Giải thưởng VHNT năm 2016 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là 66 giải.

Giải thưởng phân bố trong các chuyên ngành như sau: Văn xuôi (09 tác phẩm), Thơ (11 tác phẩm), LLPB Văn học (04 tác phẩm), Mỹ thuật (11 tác phẩm), Âm nhạc (07 tác phẩm), Điện ảnh (03 tác phẩm), Nhiếp ảnh (09 tác phẩm), Múa (02 tác phẩm), Sân khấu (02 tác phẩm). Một số Hội VHNT tỉnh, thành phố có nhiều tác phẩm đoạt giải: Hội LH. VHNT Hà Nội (06 giải), LH. các Hội VHNT TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng (04 giải)...

Đánh giá về về chất lượng giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2016, nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết: Giải thưởng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các hội VHNT tỉnh, thành phố. Những tác phẩm này đã được xuất bản, tham gia triển lãm hoặc được công bố, trình diễn, được công chúng mến mộ và báo chí đề cập đến. Giải thưởng đã phản ánh khách quan các tác phẩm VHNT của các tác giả là hội viên của các Hội VHNT tỉnh, thành phố vẫn duy trì và đi theo khuynh hướng truyền thống, các tác giả trẻ trong thể hiện có tìm tòi, đổi mới nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lí của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo. Mỗi chuyên ngành VHNT có đặc thù riêng, chất lượng giải thưởng các chuyên ngành năm 2016 cũng thể hiện ít nhiều tính riêng biệt đó...

Về Văn xuôi, nói chung, tiểu thuyết năm nay không có trường hợp nổi bật, trong khi đó, truyện ngắn và tản văn, bút ký có những tác phẩm khá hơn. Những ưu điểm của văn xuôi thể hiện rõ nhất ở sự phong phú và đa dạng về đề tài. Có những tác phẩm viết về chiến tranh nhưng chủ yếu là viết về cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là những tác phẩm có tính chất hồi ức về một thời gian đã qua, trong chiến tranh, tuổi thơ và những mặt cón ít được nói đến trong cuộc sống hàng ngày. Chất liệu hiện thực được khai thác sâu sắc và đa diện hơn. Đọc các tác phẩm văn xuôi năm nay thấy rõ chất liệu cuộc sống được khai thác ký lưỡng. Một số tác phẩm đạt đến trình độ khám phá sâu sắc vào những ngõ ngách khuất lấp của cuộc sống với những trải nghiệm sâu xa trước những buồn vui ấm lạnh của cuộc sống. Đặc biệt là tình yêu trong gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, văn xuôi năm nay cũng bộc lộ những thiếu sót cần được khắc phục. Đó là căn bệnh sơ lược, dễ dãi còn thể hiện ở nhiều cuốn sách. Tiếp đó là những tìm tòi tuy rất đáng nể trọng nhưng vẫn chưa tạo được hiệu quả nghệ thuật, sự dụng công chưa đến nơi đến chốn. Ngoài ra, những câu chuyện còn thiếu tư tưởng thẩm mỹ. Một vài tác giả còn rơi vào tình trạng văn chương sáo rỗng, hoa mỹ.

Về Thơ: Dự giải thưởng năm 2016 có 49 tập thơ được các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố chọn gửi dự xét giải. Hầu hết các tác giả thơ từ các vùng miền đất nước vẫn lựa chọn phong cách sáng tác thơ truyền thống. Cá biệt có tác giả theo đuổi lối viết hậu hiện đại, tân hình thức như là thể nghiệm mang tính hình thức. Năm nay, chuyên ngành Thơ không có giải A. Các tác giả thơ năm nay mỗi người một vẻ, một lối viết, một sức cảm riêng đã làm nên một diện mạo thơ của các Hội VHNT trong cả nước; làm nên sự đa dạng vừa mang tính vùng miền vừa để lại dấu ấn thế hệ. 02 giải B là tác phẩm Khúc ru xanh của tác giả Đoàn Văn Thanh (Hà Nam) và Đỏ miền ký ức của tác giả Trần Ngọc Hòa (Kiên Giang). Tác giả Đoàn Văn Thanh viết nhiều về vùng quê nơi mình sinh ra, lớn lên và gắn bó. Thơ Đoàn Văn Thanh nghiêng về thể loại truyền thống, nhuần nhụy trong cách nhìn, cách biểu đạt. Tác giả Trần Ngọc Hòa lại có cách diễn đạt phóng khoáng, mới mẻ và ôm trùm được sự ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống.

Ngoài 02 giải B, Giải thưởng Thơ còn có 04 giải C và 03 giải Tác giả Trẻ. Nhìn chung, Giải thưởng Thơ năm nay chất lượng khá, đồng đều, hội tụ được lực lượng sáng tác ở nhiều vùng miền trong cả nước.

Về Lý luận phê bình Văn học: Trong số 9 tác giả gửi tác phẩm nghiên cứu lý luận, phê bình văn học dự xét giải có 3 tác giả trẻ hiện công tác tại các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh phía Bắc: Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình, còn lại là 6 tác giả thuộc các Hội Văn học nghệ thuật miền Trung từ Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Khánh Hòa đến Bình Định, Phú Yên. Phần lớn đây là các tập sách có độ dày từ 200 đến 300 trang in, tuyển chọn từ các bài viết ngắn đã đăng rải rác trong ba năm trên báo chí địa phương và Trung ương nay tập hợp và sắp xếp thành các tập tiểu luận phê bình; nghiên cứu phê bình; phê bình văn học; chân dung văn nghệ sỹ…

Về Mỹ thuật: Số lượng đề cử hàng năm khoảng trên 100 tác phẩm. Năm nay, số lượng gửi về dự giải thưởng chỉ có 113 tác phẩm/151 tác phẩm được lựa chọn từ Triển lãm khu vực, chiếm 75%. Chất lượng tác phẩm dự Giải thưởng 2016 khá đồng đều, tuy nhiên nhiếu những tác phẩm có tính đột phá. Vì vậy, không có tác phẩm để tặng giải A. Hội đồng chỉ xét tặng 01 giải B, 03 giải C, 04 giải Khuyến khích và 03 giải Tác giả Trẻ.

Về Âm nhạc: Chuyên ngành Âm nhạc có 42 tác phẩm xét giải. Nhìn chung, tác phẩm năm nay chủ yếu viết về quê hương, vùng miền, địa danh. Đề tài mở rộng, phong phú, bám vào cuộc sống. Đa số các tác phẩm phổ thơ nên không tránh khỏi về giai điệu thiếu sự sáng tạo, sự tìm tòi khai thác chưa cao, một số bài ảnh hưởng quá nhiều về dân ca vùng miền, nhạc theo lối mòn ngân nga, kể lể, tôc độ êm dịu, chậm đều, ít tiết tấu sôi nỏi, một số bài dàn dựng thiếu sự trau chuốt, chưa hiệu quả, ca từ thiếu tính văn học, âm nhạc sáo mòn. Tuy chất lượng tác phẩm khá đồng đều, không có tác phẩm nào thật yếu nhưng Hội đồng đều nhất trí không có giải A, trao 01 giải B, 03 giải C và 03 giải Khuyến khích. Tác phẩm Opera - nhạc kịch Lá đỏ của PGS.TS.Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân là tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nhạc sỹ Việt Nam đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải.

Về Văn nghệ dân gian, Ban tổ chức nhận được 06 tác phẩm của 06 tác giả gửi về, tuy nhiên, Hội đồng giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian xác định 03 tác phẩm của các tác giả là hội viên Hội Văn nghệ dân gian, 03 tác phẩm không thuộc phạm trù sưu tầm nghiên cứu văn hóa- văn nghệ dân gian nên năm 2016, chuyên ngành VNDG không có giải. Tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Văn nghệ dân gian đề nghị Liên hiệp trao giải là tác phẩm Phật viện Đồng Dương - một phong cách của nghệ thuật Champa của PGS.TS. Ngô Văn Doanh. Đây là công trình nghiên cứu xuất sắc, tiêu biểu về lĩnh vực nghệ thuật tạo hình dân gian của người Chăm...

Về Nhiếp ảnh: Các tác phẩm chuyên ngành Nhiếp ảnh năm 2016 phản ánh đa dạng, nhiều mặt của cuộc sống, đáp ứng cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện. Nhiều tác phẩm đã từng đoạt giải cao tại các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực, tỉnh, thành... Đây là những tác phẩm của các tác giả chưa phải là hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam nhưng chất lượng khá tốt, thể hiện sự tiến bộ của những ngườu yêu nhiếp ảnh hiện nay. 02 tác phẩm đoạt giải B xuất sắc ở cách thể hiện mặc dù đây là một đề tài khó thực hiện (bộ ảnh Vọcc Chà Vá chân nâu, từ sách đỏ đến thiên nhiên hay tác phẩm ảnh thể loại thể thao Người dẫn đường). 03 giải C có nội dung tốt và hình thức thể hiện nghệ thuật khá cao (khoảnh khắc, bố cục, đường nét, tạo hình tốt...). 09 tác phẩm đoạt giải đều đạt yêu cầu về nội dung và nghệ thuật thể hiện, có những tác phẩm thực sự tốt. Các tác giả có tác phẩm đoạt giải cũng đại diện cho nhiều vùng miền của Tổ quốc từ miền núi phía Bắc xa xôi đến đồng bằng Bắc bộ: miền Trung, Tây Nguyên cho đến tận mũi Cà Mau. Tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải là tác phẩm Độc đáo bờ biển Việt Nam của tác giả Nguyễn Minh Tân với số điểm tuyệt đối của Hội đồng nghệ thuật là 45/45.

Các chuyên ngành: Điện ảnh, Sân khấu, Múa: Thành tựu nghệ thuật của các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, múa trong những năm qua là khá ấn tượng với nhiều tác phẩm ra đời được quần chúng mến mộ và giới chuyên môn đánh giá cao. Do đặc thù nghề nghiệp, các chuyên ngành trên đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao, các tác giả hội viên chuyên ngành ở các Hội VHNT địa phương trình độ và năng lực sáng tạo còn hạn chế nên hàng năm có ít tác giả có tác phẩm dự xét giải, có Hội không tìm được tác phẩm xuất sắc nào để gửi xét giải hoặc có giải thưởng cũng chỉ mang tính động viên phong trào ở địa phương, tác phẩm dự xét giải ít nhiều còn chưa vượt khỏi tính nghiệp dư.

Năm nay, Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam giới thiệu tác phẩm Nước non cửa Phật của tác giả Văn Trọng Hùng, Đạo diễn – NSND Lê Tiến Thọ để Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng chuyên ngành. Trao giải C cho tác phẩm Nghĩa tình người lính (Kịch bản Cải lương) của tác giả Trương Huy Hoàng, giải Khuyến khích cho tác phẩm Trọn mối tơ duyên (kịch bản cải lương) của LH. các Hội VHNT TP. Cần Thơ).

Chuyên ngành Điện ảnh: Trong số 04 tác phẩm từ các tỉnh, thành phố gửi về, Hội đồng chầm giải chuyên ngành Điện ảnh trao giải B cho tác phẩm Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía của đạo diễn Nguyễn Minh Chung. Đây là tác phẩm tài liệu đồ sộ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Bằng ngôn ngữ điện ảnh chắt lọc, bộ phim khái quát một cách cô đọng toàn bộ cuộc chiến tranh qua cái nhìn từ hai phía: bên thắng cuộc và phe bại trận.

Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng tác phẩm chuyên ngành cho tác phẩm Mèo trắng và mèo mun – phim hoạt hình của đọa diễn Phạm Ngọc Tuấn. Đây cũng là bộ phim đã từng dành Giải Cánh diều vàng đạo diễn xuất sắc nhất thể loại phim hoạt hình của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2015-2016.

Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đề nghị trao giải xuất sắc chuyên ngành cho tác phẩm  Phát huy nghệ thuật múa trong hội làng người Việt vùng châu thổ sông Hồng của Ths.NGND Vũ Dương Dũng.

Riêng Kiến trúc, năm nay không có tác phẩm nào tham dự giải./.

Nhật Minh

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất