Chiều 16/1, diện mạo Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội giai đoạn 1884-1945
được Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám giới thiệu thông
qua một cuộc triển lãm nhằm đem đến công chúng cái nhìn về một giai
đoạn đầy thăng trầm của di tích.
Gần 100 hình ảnh, tài liệu, bản đồ khẳng định sự tồn tại và đứng vững
của di tích trong giai đoạn chiến tranh đầy khốc liệt một lần nữa minh
chứng cho sức mạnh tinh thần của những giá trị văn hóa truyền thống của
dân tộc luôn trường tồn. Trước tiên, với những hình ảnh Văn Miếu Hà Nội
bị biến đổi công năng sử dụng thông qua những công văn, bức điện của
người Pháp, những hình ảnh của Văn Miếu thời điểm 1884-1904 khiến người
xem không khỏi xót xa.
Di tích lúc thì biến thành trại lính khố đỏ, lúc thành trường lính kèn
của Quân đội Viễn chinh Pháp, khi thành bệnh xá của thành phố, mặt bằng
di tích bị chia cắt, chiếm dụng vào các mục đích dân sự… Nhưng sau đó
cũng thông qua các hình ảnh, tư liệu, người xem hiểu được trước sự phản
đối của dân chúng, sỹ phu Hà Nội, các trí thức Pháp tiến bộ ở Hà Nội,
người Pháp đã trả lại Văn Miếu-Hà Nội cho việc thờ cúng và xếp hạng di
tích (1904-1925).
Cụ thể, năm 1905 được xếp hạng là công trình cần được bảo vệ của thành
phố Hà Nội và năm 1925 được xếp hạng là công trình lịch sử cần được bảo
vệ của xứ Bắc Kỳ. Triển lãm cũng giới thiệu những công tác xếp hạng bảo
vệ di tích (1905-1925) của Toàn quyền Đông Dương và giới thiệu địa giới
Văn Miếu Hà Nội cũng như công tác tu sửa Văn Miếu Hà Nội (1884-1945).
Từ đó đến nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám từng bước được quản lý, bảo tồn và
phát huy giá trị, được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, 82 bia
tiến sỹ được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới.
Đây cũng là lần đầu tiên, Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu-Quốc Tử
Giám giới thiệu về lịch sử di tích thông qua tài liệu lưu trữ. Theo lãnh
đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đây là một hoạt động ý nghĩa của đơn
vị quản lý di tích để người dân và du khách hiểu hơn về Văn Miếu-Quốc
Tử Giám.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 16/3./.
(TTXVN)