Gốm Việt Nam trải dài hơn 4.000 năm lịch sử với nhiều thăng trầm nhưng
cũng không thiếu thành tựu rực rỡ, trong đó phải kể tới gốm thời Lý -
Trần. Thế nhưng hiện nay, việc bảo tồn, phát triển tinh hoa gốm Việt còn
thiếu chiến lược.
Thời hoàng kim
Hai tác giả Joh Guy và Joh Stevenson đã viết trong cuốn sách nổi tiếng Gốm Việt Nam - Một truyền thống riêng biệt
rằng: “Gốm Việt Nam phát triển theo một chiều hướng riêng biệt, khác
hoàn toàn với mọi cường quốc gốm sứ khác, kể cả Trung Quốc - nơi được
mệnh danh là siêu cường về gốm sứ”. Trong đó, gốm Lý - Trần được đánh
giá như đỉnh cao của nghệ thuật gốm Việt. Thời kỳ này, nghề gốm mới thực
sự phát triển và đánh dấu giai đoạn hoàng kim. Nhiều làng gốm chất
lượng, đạt giá trị thẩm mỹ được hình thành như: Bát Tràng (Hà Nội), Phù
Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc)... Nhiều mẫu gốm mới, kỹ thuật
chế tác điêu luyện được sáng tạo và trở thành bí quyết cho thế hệ sau.
Nổi bật phải kể đến gốm men trắng thời Lý, được đánh giá độc nhất chỉ có
tại Việt Nam, hay gốm men xanh, gốm men nâu thời Trần đều mang đến giá
trị văn hóa, nghệ thuật cũng như Phật giáo thời Lý - Trần.
Ngày
nay, những người làm nghề hay nhà nghiên cứu đều đánh giá cao giá trị
của gốm sứ thời Lý - Trần. Một số nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, hay lò
gốm tại Biên Hòa đã tạo sản phẩm gốm mang mẫu mã hoa văn thời kỳ này để
phục vụ khách du lịch. Theo nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Việt Nam Phạm Quốc Quân: “Hiểu một cách thực dụng có thể cho rằng đây là
sự sao chép, nhưng ở khía cạnh tích cực có thể hiểu như một cách bảo
tồn giá trị nghệ thuật gốm truyền thống”.
Tuy
nhiên, việc khôi phục, phát huy giá trị, hoa văn gốm thời Lý - Trần vẫn
chỉ dừng lại ở sự tự phát của một số nghệ nhân và làng gốm truyền
thống. Đội ngũ nghiên cứu về gốm sứ còn tản mát cũng là một trở ngại.
Hiện nay, Đông Nam Á có Hiệp hội Nghiên cứu gốm sứ, có tạp chí chuyên
ngành gốm sứ, nhưng ở Việt Nam chưa có tổ chức như vậy, nên tiếng nói
trong cộng đồng chưa mạnh mẽ để thúc đẩy nghiên cứu, phục hồi, phát huy
bản sắc của gốm sứ Việt. PGS.TS. Phạm Quốc Quân cho rằng: “Định hướng rõ
ràng sẽ tạo ra tiền đề vật chất và tinh thần, từ đó có thể bảo tồn giá
trị gốm truyền thống, mặc dù đã có nhiều người tâm huyết, như nghệ nhân
Trần Độ, Vũ Đức Thắng... tại làng gốm Bát Tràng đang làm rất tốt việc
khôi phục, phát huy và truyền dạy cho thế hệ sau”.
Tạo thêm sự tương tác
Hiện
nay, việc phát triển, đưa mẫu mã hoa văn gốm thời Lý - Trần vào cuộc
sống còn thiếu chiến lược. Trong khi đó, với sự phát triển của xã hội
cộng thêm cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, vật liệu mới, nghề làm
gốm trở nên công nghiệp hóa, kỹ thuật chế tác và các mẫu hoa văn cổ mai
một dần. Mặt khác, sự xuất hiện tràn lan của gốm sứ Trung Quốc lấn át cả
về mặt thị trường, công nghệ trong sản xuất của các làng nghề truyền
thống. Theo các nhà nghiên cứu, để phát huy được sự khác biệt của gốm sứ
Việt Nam cần có sự nghiên cứu, tổ chức sản xuất để cho ra sản phẩm đúng
với tinh thần gốm sứ Việt từ xưa tới nay và tạo được thị trường xuất
khẩu, thị trường cho những người sưu tầm gốm Việt.
Bên
cạnh đó, việc quảng bá giá trị gốm Việt trong đời sống đương đại cũng
quan trọng. Người trẻ ngày nay dù muốn cũng có quá ít cơ hội để tiếp cận
với nền văn hóa đặc sắc xưa, trong đó có gốm Lý - Trần. Những nghiên
cứu, hiện vật khảo cổ, giá trị văn hóa của gốm Lý - Trần đã được đưa vào
bảo tàng, nhưng để những hiện vật, tài liệu ấy đến với công chúng ngày
nay cần có sự tương tác mạnh mẽ hơn. Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Việt Nam tổ chức chuyến tham quan Bảo tàng kết hợp với talkshow Nghe gốm kể chuyện
đã cung cấp nhiều kiến thức lý thú về gốm Lý - Trần. Qua đó, người tham
dự ở mọi lứa tuổi có cái nhìn bao quát hơn về tiến trình lịch sử của
các loại gốm cũng như có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật giá
trị, lưu giữ trong nó cả đời sống sinh hoạt và những bước tiến văn minh
của con người. Tuy nhiên, Bảo tàng vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để có
thể tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề làm gốm. Trong khi đó, thời gian
qua, làng gốm Bát Tràng triển khai tốt việc thu hút người xem tham gia
các công đoạn làm gốm, từ chuẩn bị nguyên liệu đến tạo hình với bàn
xoay, nung... Vì thế, bảo tàng và làng nghề nói chung, làng nghề gốm nói
riêng cần sáng tạo, phát huy những mô hình phối hợp, liên kết để tạo sự
tương tác tại chính không gian bảo tàng... hoặc những triển lãm chuyên
đề gốm sứ đi kèm với hội thảo để đưa đến người xem những phát hiện mới.
PGS.TS.
Phạm Quốc Quân chia sẻ: “Để phát huy được sự cạnh tranh của gốm sứ Việt
là nhiệm vụ chung của Nhà nước, cộng đồng, nghệ nhân, nhà nghiên cứu...
Như vậy mới tạo ra sự khác biệt. Đã có thời kỳ gốm sứ Việt cạnh tranh
tốt với gốm sứ Trung Quốc thì không lý do gì mà ngày nay không làm được
điều đó”.
(Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân)