Đến nay, trong tổng số 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đứng bên bờ vực phá sản đã có tới 7.000 DN công bố giải thế và hơn 3.000 DN khác đã phải ngừng sản xuất. Ngoài ra, tính mức trung bình chung cho cả khối DNNVV, mức suy giảm lên tới 30-50% so với trước đây.
Tại buổi gặp gỡ với các DNNVV, tổ chức ngày 18/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Huyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, con số này ông biết được qua thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo ông Huyến, mặc dù chiếm một số lượng rất lớn trong cộng đồng DN Việt Nam, nhưng DNNVV là đối tượng dễ bị "tổn thương" nhất khi kinh tế suy thoái do hạn chế về công nghệ, về năng lực quản lý, điều hành, thiếu vốn và thiếu khả năng tiếp cận với thị trường bên ngoài. Chính những hạn chế này đã đẩy các DNNVV rơi vào tình trạng khó khăn.
Con số 7.000 DN có thể gây bất ngờ cho một số người nhưng so với số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 349.309 DN có đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký lên đến 1.389.000 tỷ đồng (tương đương 84,1 tỷ USD). Trong số này, hơn 95% là các DNNVV. Nếu vậy, con số trên không phải là tỷ lệ lớn.
Thống kê của Hiệp hội DNNVV về tác động khủng hoảng kinh tế đối với các DN nhỏ và vừa cho thấy, trong tổng số DN, các DN khó khăn trung bình khoảng 70%, rất khó khăn chiếm khoảng 20%.
Nếu không được tiếp cận vốn và tình hình xấu đi, sẽ có khoảng 20% tổng số DN bị phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nhiều lần nhấn mạnh, gần 1/2 của 20% trên đây, tức 10% đã ngừng hoạt động hoặc họ có thể chuyển hướng, hoặc tương lai họ sẽ bị phá sản. 10% còn lại bị tác động lạm phát, nếu chính sách tốt lên họ sẽ cải thiện tình hình tốt hơn. Còn 10% ngừng hoạt động đã khó khăn từ trước rồi, nay lạm phát họ lại khó khăn thêm, chấp nhận phá sản.
Nếu so sánh với khảo sát trên đây, thì con số 7.000 DN phá sản không có gì là quá “khủng khiếp”, thậm chí có thể chưa phản ánh hết thực tế khó khăn của DN.
(theo VNN)