Thứ Bảy, 2/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 25/10/2024 18:4'(GMT+7)

70 năm tập kết ra Bắc: Thuở ấy chúng tôi sống trong tình yêu thương

Ông Diệp Văn Sơn, Phó Trưởng ban kiêm Tổng Thư ký Ban liên lạc học sinh miền Nam thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Ông Diệp Văn Sơn, Phó Trưởng ban kiêm Tổng Thư ký Ban liên lạc học sinh miền Nam thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Tình yêu thương, đùm bọc của nhân dân miền Bắc giúp đồng bào miền Nam đi tập kết vơi đi nỗi nhớ gia đình, người thân, quê hương.

ẤM LÒNG NƠI ĐẤT KHÁCH

Trong 9 tháng, từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955, tỉnh Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Nhân dân Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp, chăm sóc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết.

Tại buổi Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”, ngày 2/10, ông Diệp Văn Sơn, Phó Trưởng ban kiêm Tổng Thư ký Ban liên lạc học sinh miền Nam TP Hồ Chí Minh bùi ngùi ôn lại những ký ức đẹp khi đặt chân lên đất Bắc lúc còn là cậu bé 9 tuổi. Giờ đây, ông Sơn đã 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ từng chi tiết được người dân Thanh Hóa đón tiếp, chăm nuôi như người con trong gia đình.

Ông Diệp Văn Sơn nhớ lại: Tháng 11/1954, cậu bé 9 tuổi là tôi, lần đầu tiên xa nhà đặt chân đến Sầm Sơn, Thanh Hóa, sau bao ngày lênh đênh trên tàu của nước bạn Liên Xô cũ, rồi tàu gặp bão, phải núp ở đảo Hòn Mê. Sau đấy được thuyền đánh cá của ngư dân đưa vào đất liền. Cảm nhận đầu tiên là cái rét rất xa lạ với những người miền Nam... Rồi cái lạnh, nỗi nhớ nhà của những đứa con lần đầu tiên xa nhà, xa quê cũng nguôi ngoai dần trước những tình cảm của người dân miền Bắc. Nhân dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đón tiếp như đón người thân, những đứa con đi xa trở về.

“Lên đến bờ, chúng tôi được phát áo bông, chăn bông. Đây là hai thứ lạ lẫm với những đứa con phương Nam. Bữa cơm đầu tiên nhớ mãi với món thịt kho với su hào. Đây là bữa cơm ngon nhất sau gần 10 ngày lênh đênh trên biển vì phải trú bão. Đêm đầu tiên ngủ trong lán trại nơi tiếp đón dù đắp chăn bông nhưng vẫn thấm thía với cái lạnh nơi đất Bắc. Buổi sáng chúng tôi ra một cái giếng duy nhất để súc miệng. Lúc này mới biết thế nào là lạnh. Cảm giác muốn rụng răng, sợ đến mức không dám rửa mặt. Mấy ngày này liên tục được các đoàn đại biểu phụ lão, phụ nữ, thanh niên đến thăm, thật ấm lòng vì sự quan tâm chăm sóc”, ông Sơn chia sẻ.

Ở chỗ đón tiếp chừng một tuần bắt đầu quen quen với cuộc sống mới, ông Sơn được chuyển về xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Ông Sơn cùng bốn học sinh khác được phân ở tại một gia đình có ba người con. Đứa lớn 10 tuổi, đứa bé nhất gần 2 tuổi.

Ông Sơn kể: Buổi sáng, anh chị chủ nhà ra đồng sớm, chúng tôi quan sát hình như gia đình không ăn cơm chiều. Chị về với một rổ khoai chưa kịp lớn và ít rau. Tối cả nhà quây quần bên nồi khoai luộc, để lại mấy củ cho bọn tôi sáng hôm sau. Trưa, chiều, chúng tôi lên bếp dã chiến đem cơm về ăn, nhìn mấy đứa nhỏ chắc lâu ngày chưa được ăn cơm thấy mà thương! Bọn tôi bàn nhau mỗi ngày để ra ba chén cho mấy bé. Nhìn chúng ăn ngấu nghiến, càng thương. Được mấy ngày, anh chồng nói với chúng tôi “các em xa cha mẹ ra đây được Bác Hồ, Đảng nuôi dạy không thể để sứt mẻ tiêu chuẩn, dù chỉ một chén cơm”.

Ông Diệp Văn Sơn ở Thanh Hóa vỏn vẹn chỉ 3 tháng, sau đấy chia lớp theo trình độ nên chuyển về Hưng Yên. “70 năm qua, tôi mang những kỷ niệm về những ngay đầu trên đất Bắc, trên đất Thanh Hóa, nơi thay mặt các địa phương đón tiếp những con em miền Nam tập kết, trên cuộc hành trình của một kiếp người nhiều gian khó nhưng lắm tự hào. Nhắc lại trước tiên để tri ân Bác Hồ, Đảng, Chính phủ, Nhân dân miền Bắc và thầy cô, những người thay mặt cha mẹ có công nuôi dạy chúng tôi nên người. Biết ơn đồng bào miền Bắc đã nhường cơm, sẻ áo cho chúng tôi ở một thời gian khổ nhưng hào hùng”, ông Sơn khẳng định.

TÌNH SÂU, NGHĨA NẶNG

Cũng tại buổi Hội thảo “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”, ông Đức Lượng, 82 tuổi, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, là cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có những chia sẻ sâu sắc về tình sâu, nghĩa nặng của Nhân dân Thanh Hóa.

Ông Lượng cho biết: Khi đặt chân lên đất Bắc, tôi tròn 12 tuổi. Từ một đứa bé học sinh, tôi trải qua nhiều trường lớp, trường đời, nhiều lĩnh vực công tác: Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Đảng ủy viên Khối Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Nói điều này, tôi không hề có ý muốn khoe chức tước, mà để nêu lên hai điều: Một là, tình sâu, nghĩa nặng với Thanh Hóa không phải là cảm nhận thoáng qua của tuổi ấu thơ, mà đó là ý thức, là hiểu biết đã lắng đọng và trải nghiệm đời người tôi. Hai là, muốn chứng minh, mình là thành quả kết tinh công ơn của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân, mở ra trong tôi, bắt đầu từ khi đặt chân lên Sầm Sơn, Thanh Hóa.

“Ấn tượng sâu nặng trong cuộc đời tôi đối với miền Bắc là khi đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn. Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên tàu, chúng tôi được những con thuyền bé nhỏ, thuyền thúng, thuyền nan từ bến ra nơi tàu đỗ đón chào; rất nhiều anh chị, cô bác đầm mình trong sóng biển từ bờ lội ra bồng bế, đỡ đần người già yếu, chúng tôi vừa xúc động, vừa yên tâm như được nằm trong lòng mẹ. Dù bị say sóng, nhưng nhìn hai hàng các bạn thiếu nhi vẫy cờ hoa chào đón, lòng chúng tôi lâng lâng khó tả. Các bạn phần lớn cũng gầy gò xanh xao, thiếu ấm như chúng tôi. Dù đã 70 năm trôi qua, giờ đã tuổi ông bà, những ấn tượng ấy, cử chỉ ấy cứ đeo đẳng mãi không nguôi. Mỗi khi nhớ lại, nước mắt lại trào ra”, ông Đức Lượng xúc động nhớ lại.

Ông Đức Lượng, 82 tuổi, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Ông Đức Lượng, 82 tuổi, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Ông Đức Lượng chia sẻ: Những ngày ở Sầm Sơn, đối với chúng tôi, như một cuộc đổi đời, nằm mơ cũng không gặp. Chúng tôi được sinh hoạt tập thể, quen thân bè bạn các miền, liên tục nhiều lần được khám bệnh, chữa bệnh, có thuốc, sữa lúc ốm đau. Không chỉ ăn no, ngày ba bữa, mà còn được cấp phát quần áo, giày dép, chăn màn mới. Các bạn gái khéo tay, nhanh trí, nhận những chiếc áo len rộng thùng thình về tháo ra đan lại dày dặn, đẹp hơn. Tối nào cũng được xem phim, xem các đoàn văn công biểu diễn,... Chúng tôi hiểu chế độ tốt đẹp, miền Bắc xã hội chủ nghĩa từ ngày ấy, từ tấm lòng người dân, từ bạn bè cùng trang lứa Thanh Hóa.

Lớp của ông Lượng gần 40 người được chuyển về Trường 9 ở xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Nhớ lại, ông Lượng cho hay: Từ cảm nhận ban đầu ở Sầm Sơn, về đây được sống với dân, và đã đi gần trọn cuộc đời, tôi mới hiểu hết sự hy sinh to lớn của người dân Thanh Hóa với đất nước để có ngày hôm nay. Với chúng tôi, người dân Thanh Hóa đã thật sự nhường cơm sẻ áo, đùm bọc thân thương. Nhà nào chúng tôi đến ở, bà con cũng dành cho những vị trí đẹp, mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông, nhường cả những ổ rơm ít ỏi để dành cho con trẻ của mình.

Theo ông Đức Lượng, ngày mới ra Bắc, đội ngũ học sinh miền Nam ốm yếu, ghẻ lở đầy người, phải có người chăm sóc từ tắm rửa, giặt giũ đến dỗ dành từng bữa ăn, giấc ngủ. Các cô bảo mẫu Thanh Hóa khi đó còn rất trẻ, phần lớn chưa có người yêu đã phải làm công việc của người mẹ, người chị. Không ít người đã gửi trọn tuổi thanh xuân, hạnh phúc gia đình cho sự nghiệp trưởng thành của học sinh miền Nam. Từ ơn nợ nghĩa tình với Thanh Hóa tuổi học trò, sau này được học hành, nghiên cứu, bản thân càng hiểu sâu sắc hơn những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đối với cả nước và đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất