Chủ Nhật, 24/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 11/5/2013 18:16'(GMT+7)

Tăng cường kiểm tra, quản lý đê điều trước mùa mưa bão

* Khu vực Bắc Bộ cuối tuần có mưa rải rác Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do một vùng mây dày di chuyển từ phía tây kết hợp rãnh mây dông từ phía bắc chuyển xuống, sẽ mở rộng vùng mưa ra toàn miền, nên hai ngày cuối tuần nhiệt độ ở Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội giảm dưới 310C. Vùng núi phía tây Bắc Bộ sang Quảng Ninh, xuống trung du là Thái Nguyên và Phú Thọ, nơi giao nhau của những luồng không khí, cho nên có thể xảy ra tố lốc và gió giật.

TP Hà Nội đã và đang thực hiện 28 dự án chống sạt lở trên các tuyến sông Ðà, sông Hồng, sông Ðuống, sông Ðáy với tổng mức đầu tư gần 1.305 tỷ đồng. Thành phố cũng tăng cường quản lý đê điều, chủ động bố trí nguồn lực chuẩn bị sẵn sàng hộ đê khi sự cố sạt lở xảy ra, bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão năm 2013. Chú trọng công tác tiêu thoát nước, xử lý hệ thống tiêu thoát nước sông Nhuệ là đường dẫn tiêu úng cho khu vực phía tây nội thành. Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện cho quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp tại Cần Thơ". Theo WB, TP Cần Thơ hiện là một trong những địa phương bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ðể ứng phó toàn diện với rủi ro lũ lụt, thành phố cần nâng cấp các tuyến đường chính và nhà ở ven đường; gắn công tác quan trắc môi trường với các trọng tâm, trọng điểm. Quy hoạch chung đô thị tầm nhìn đến năm 2030 trở về sau phải tính tới yếu tố biến đổi khí hậu để bảo đảm phát triển an toàn, bền vững.

Tính đến đầu tháng 5, tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2012-2013 với diện tích, năng suất và sản lượng tăng cao hơn so với các vụ trước, đạt 575 nghìn tấn, năng suất bình quân 7,1 tấn/ha. Ngoài ra, trong vụ đông xuân vừa qua, lần đầu ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện hai cánh đồng mẫu lớn thí điểm ở huyện Vị Thủy và Châu Thành A, tích cực hỗ trợ cho nông dân các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất, sản lượng lúa đạt cao. Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, tần suất sử dụng thuốc hóa học trong phòng trừ sâu hại trên lúa của các hộ dân hiện tăng gấp hai đến ba lần so với trước đây, cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân là do nông dân sản xuất bất chấp lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chức năng, tăng vụ chạy theo giá lúa thị trường, lợi dụng thuốc hóa học khiến chi phí tăng cao, có vụ cho năng suất đạt 6 - 7 tấn/ha, nhưng sau khi trừ chi phí thì hòa vốn. Các ngành chức năng đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con tập trung gieo cấy đúng thời vụ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ðồng Tháp phối hợp Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường (huyện Tam Nông) triển khai thực hiện dự án liên kết chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo trong vụ hè thu năm 2013 trên diện tích gần 400 ha. Dự án có sự tham gia của Công ty Lương thực Ðồng Tháp và Công ty Bayer Việt Nam. Phía Công ty Lương thực Ðồng Tháp cam kết thu mua lúa trên diện tích 200 ha với giá cao hơn thị trường là 200 đồng/kg. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cho nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Tại Nam Ðịnh, từ đầu tháng 5 đến nay, tại vùng nuôi trồng thủy sản xã Giao Phong, huyện Giao Thủy xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt với diện tích gần 12 ha (gần 30% tổng diện tích đã xuống giống). Chi cục Thú y, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã cử cán bộ xuống địa bàn lấy mẫu để xác định rõ bệnh và nguyên nhân tôm chết, đưa ra giải pháp khắc phục. Theo Chi cục Thú y tỉnh Ðác Nông, sau hơn hai tháng nỗ lực phòng, chống và dập dịch lợn tai xanh bùng phát trên địa bàn huyện Ðác R’lấp, đến nay dịch lợn tai xanh cơ bản đã được dập. Từ ngày 12-4 đến nay, trên địa bàn huyện không phát hiện thêm con lợn nào mắc bệnh mới. Tuy nhiên, hiện nay Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa nên nguy cơ tái phát dịch trên địa bàn là rất lớn, vẫn cần chủ động phòng, chống hiệu quả.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trực tiếp chỉ đạo chống hạn tại miền Trung

Ngày 10-5, Ðoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với tỉnh Quảng Nam và TP Ðà Nẵng để điều tiết công tác chống hạn trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Tỉnh Quảng Nam hiện có 20/74 hồ chứa thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất, khiến 5.000 ha lúa hè thu bị hạn. Nếu từ tháng 6 đến tháng 8-2013 thiếu mưa thì sẽ có khoảng hơn 11 nghìn ha lúa bị thiếu nước. Tại TP Ðà Nẵng, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất rất cao. Ðại diện hai địa phương đề nghị trong trường hợp nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn không bảo đảm cho sinh hoạt và sản xuất khu vực hạ du thì Bộ NN và PTNT cùng Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam chỉ đạo Nhà máy thủy điện Ðăk Mi 4 thực hiện xả nước qua cống xả sâu với lưu lượng và thời gian cụ thể. Trong lúc chờ ban hành quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa khô, cần có quy chế phối hợp xả nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho hàng chục nghìn ha và hơn một triệu dân vùng hạ du.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất