Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 26/9/2008 14:12'(GMT+7)

85% sinh viên CNTT có việc đúng chuyên ngành

Cơ sở đào tạo chủ động bắt tay doanh nghiệp

Thời gian vừa qua, một số trường đại học đã linh hoạt, chủ động hơn khi liên kết với các doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu.

TS Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hội tin học VN kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH FPT chia sẻ: "Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo không nên kêu ca và đổi lỗi cho nhau. Chúng ta cần ngồi lại với nhau để tạo ra một tiếng nói chung.

Mỗi doanh nghiệp có một môi trường làm việc riêng nên việc mất vài tháng đào tạo lại là điều tất yếu. Nếu sau thời gian đấy, các em có thể hội nhập và làm việc được là đạt yêu cầu". Cũng theo ông Tùng, hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo để nâng chất lượng đầu ra lên, đồng thời giảm gánh nặng về chi phí đào tạo lại cho doanh nghiệp.

Đã có ý kiến từ phía các cơ sở đào tạo là các doanh nghiệp không thể ngồi im để thụ hưởng thành quả đào tạo trong bốn-năm năm. Cả nhà tuyển dụng và đơn vị đào tạo cùng phải có nghĩa vụ phối hợp với nhau trong việc đào tạo nhân lực cho ngành CNTT.

Cung thừa, cầu vẫn thiếu!

Cũng tại hội thảo này, ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM cho biết: "Nguồn nhân lực CNTT của TP.HCM luôn là nguồn nhân lực trẻ và dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện đang gặp phải nhiều hạn chế để có thể vươn lên kịp với ngành CNTT của những nước tiên tiến trên thế giới..."

Mặc dù TP.HCM mỗi năm có khoảng 20.000 sinh viên CNTT ra trường và trong 5 năm (2001-2006) TP.HCM đã đào tạo được trên 200.000 lao động CNTT. Dự kiến, đến năm 2010, TP.HCM sẽ cung cấp cho thị trường gần 300.000 lao động CNTT. Thế nhưng theo ông Lê Mạnh Hà, đó chỉ nhiều về là số lượng mà chất lượng thì chưa đáp ứng được. Cụ thể, khu vực nhà nước vẫn còn thiếu trầm trọng nhân lực CNTT. Đồng lương thấp được xem là yếu tố trở ngại để thu hút nhân lực CNTT vào làm việc tại khu vực nhà nước.

Ông Ngô Đức Chi - Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ điều hành Global Cybersoft (GCS) cho biết: Hầu hết chất lượng nguồn nhân lực CNTT hiện nay đều không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của công ty. GCS đã phải đầu tư kinh phí khá lớn trong ngân sách hoạt động hằng năm để đào tạo lại các ứng viên sau khi đã tuyển dụng.

"Hầu hết những SV CNTT mới ra trường của VN đều có các kỹ năng như kỹ năng tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng ngoại ngữ là không tốt. Do đó, tỷ lệ ứng viên được nhận trên tổng số dự tuyển chỉ là 10%", ông Chi nhấn mạnh.

Đại diện cho khối các Ngân hàng TMCP, TS. Võ Văn Khang - Phó Tổng GĐ Ngân hàng TMCP Việt Á cho biết: Nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT trung bình chiếm từ 5-10% trong số nguồn nhân lực toàn ngành. Thế nhưng, số lượng ứng viên có thể đáp ứng làm việc ngay sau khi phỏng vấn cũng chỉ từ 5-15%.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty TMA Solution thừa nhận: “TMA cần từ 300-500 kỹ sư, tuy nhiên thách thức hiện nay là nhân lực thiếu kỹ năng thực hành lẫn giao tiếp. Với tốc độ tăng trưởng của ngành gia công phần mềm Việt Nam là hơn 50% mỗi năm thì sẽ cần ít nhất 5 - 10 ngàn kỹ sư/năm nhưng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp CNTT chưa kiếm được việc làm hoặc làm trái nghề do thiếu kỹ năng…”.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ TT-TT cho rằng: Nguồn nhân lực cho ngành CNTT đang là một bài toán hóc búa của ngành CNTT VN, nhất là ở những thành phố lớn như TP.HCM. Nếu không đảm bảo việc cung ứng đủ nhân lực cho thị trường CNTT thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế do thiếu nhân lực tốt. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp nên dự báo nhu cầu tuyển dụng từ sớm để các cơ sở đào tạo có thời gian chuẩn bị giáo trình, phương án thực hiện. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tiến hành đầu tư cụ thể vào các cơ sở đào tạo để chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao.

(Theo VTC)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất