1. Sả
Sả là gia vị có khả năng giúp tăng cường tiêu hóa, giảm đau dạ dày, ợ chua, đầy bụng và tiêu chảy sau những bữa nhậu triền miên của ngày Tết. Sả cũng giúp làm giảm các vấn đề về đầy hơi vì nó có khả năng làm dịu các cơ dạ dày.
Mặt khác, sả cũng được sử dụng như thuốc giải độc cho cơ thể. Lý do là sả giúp tăng cường số lượng và tần suất việc đi tiểu. Điều này giúp gan, đường tiêu hóa, thận, tuyến tụy và bàng quang luôn sạch sẽ và khỏe mạnh bằng cách hỗ trợ cơ thể loại bỏ những những độc tố không mong muốn và axít uric.
2. Nghệ
Sử dụng nghệ để nấu nướng ngày Tết rất có ích cho hệ tiêu hoá và gan, người Trung Quốc thường sử dụng nghệ kết hợp với các loại thảo dược khác để điều trị một số bệnh ở hệ tiêu hoá.
Ngoài ra nghệ được nấu chín với thức ăn để giúp cơ quan tiêu hoá chống khuẩn và hoạt động tốt hơn đồng thời làm giảm sự ợ chua. Nghệ kích thích sản xuất mật ở gan và kích thích bài tiết dịch mật qua túi mật. Điều này giúp cơ thể tiêu huỷ mỡ ở hệ tiêu hoá tốt hơn-góp phần ngăn chặn thừa cân cho bạn những ngày Tết ăn uống nhiều và vận động ít.
3. Thì là
Trong thì là có chứa thành phần kháng khuẩn, do vậy nó có thể được sử dụng để chống lại viêm nhiễm ở cả bên trong cơ thể lẫn ngoài da. Thì là cũng có thành phần giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa. Nó có thể kiểm soát dịch axít trong dạ dày để làm giảm sự cố hơi thở khó chịu và trào ngược axít. Loại gia vị này cũng làm dịu chứng rối loạn tiêu hóa, ngăn chặn tiêu chảy, và làm giảm lượng khí ga tạo ra trong thành ruột.
4. Húng quế
Ngày Tết ăn rau húng quế sẽ giúp bạn chống lại cảm cúm, ho và đau họng. Khi bị sốt, bạn lấy bột gia vị bạch đậu khấu với lá rau húng quế cho vào nồi, bỏ nửa lít nước vào sắc để uống. Có thể cho đường và sữa vào để dễ uống, cơn sốt sẽ hạ nhiệt tức thì. Nếu bạn bị ho, hãy cho ít gia vị quế vào món ăn hoặc ăn ghém với các món khác. Nó sẽ giúp nước mũi chảy ra và đánh tan đờm trong cổ họng. Chất tinh dầu và chất chống oxi hóa trong rau húng quế hỗ trợ hệ miễn dịch và có tác dụng chống khuẩn, trong đó có vi khuẩn gây ho, cảm cúm và bệnh mụn giộp.
5. Ớt và hạt tiêu
Hệ tuần hoàn trong cơ thể của chúng ta thường bị tắc do chế độ ăn nhiều mỡ và lối sống ít vận động, đặc biệt là vào ngày đầu năm. Nếu ăn nhiều thực phẩm có mỡ động vật sẽ dẫn đến máu ách tắc và gây huyết áp cao. Tuy nhiên, thường xuyên ăn ớt hoặc hạt tiêu sẽ giúp giải độc máu và làm giảm cholesterol.
Ớt cũng rất tốt cho hệ miễn dịch, chỉ cần ăn một ít ớt hoặc hạt tiêu cũng làm bạn đổ mồ hôi. Điều này giúp bạn làm sạch cơ thể và chống lại cảm cúm. Khi bạn bị cảm lạnh, sốt hoặc ngạt mũi khó thở, tăng thêm ít gia vị ớt vào món ăn là sẽ nhanh khỏi. Ngoài ra nó còn giúp bạn giảm tức ngực và chống lại các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp. Hơn nữa, nó còn giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, tạo cảm giác no, từ đó góp phần giảm cân hiệu quả.
6. Gừng
Gừng giúp hệ thống tiêu hóa làm việc tốt hơn nhờ khả năng kích thích tiết nước bọt, dịch mật, kích thích sự sinh trưởng các loại vi khuẩn có ích trong hệ tiêu hóa, có tác dụng chống rối loạn tiêu hóa do kháng sinh. Gừng cũng làm giảm bài tiết dịch vị, ức chế sự co bóp dạ dày, ức chế sự phát triển của các loại vi trùng gây bệnh dạ dày.
7. Quế
Các chuyên gia khuyên, khi nấu nướng, bạn nên cho thêm một chút quế vào món ăn. Điều này không những giúp món ăn trở nên thơm ngon hơn mà còn giúp tăng cường sức khoẻ hệ tiêu hoá. Gia vị này được ví như là “thuốc” cho chứng khó tiêu, buồn nôn, oẹ, đầy hơi, tiêu chảy... Nó cũng rất hữu ích trong việc loại bỏ sự đầy hơi khỏi dạ dày và thành ruột, ngoài ra còn giúp loại bỏ chất axít thừa và tiêu chảy.
8. Rau mùi
Ăn rau mùi sẽ giúp bạn tăng cường lượng máu lưu thông trong cơ thể, từ đó chống lại các bệnh như đau tim, đột quỵ. Lý do là trong rau mùi có chứa rất nhiều chất sắt.
Rau mùi cũng có khả năng phục hồi hệ tiêu hoá rất tốt. Nó giúp tăng cường tiêu hoá protein và chất béo, thúc đẩy hấp thụ chất dinh dưỡng của đường ruột. Mặt khác, nhờ có hàm lượng enzym cao nên rau mùi đẩy mạnh hoạt động tiêu hoá và sự bài tiết.
Uống nước trà rau mùi sẽ giúp chống bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, do giàu hàm lượng vitamin C, beta carotene, B12, chlorophyll và các axít béo tinh chất nên rau mùi được xếp vào danh mục thực phầm có khả năng tăng cường hệ miễn dịch phi thường. Các chuyên gia khuyên, khi mệt mỏi hoặc cảm cúm, bạn ăn cháo và cho thêm ít rau mùi vào là bệnh sẽ nhanh khỏi.
9. Hành hoa (hẹ)
Nhiều chất chống viêm trong hành có thể làm tính nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan đến chứng viêm như sưng tấy, đau đớn của bệnh viêm khớp, thấp khớp, viêm dị ứng của bệnh hen suyễn và sung huyết đường hô hấp. Cả hành và tỏi đều có chứa hợp chất ngăn chặn lipoxygenase và cyclooxygenase (các enzyme này gây ra chứng viêm) nhờ vậy mà làm giảm đáng kể chứng viêm.
Hiệu ứng chống viêm của hành không chỉ do chất vitamin C và quercitin mà còn bao gồm cả các chất có tên gọi là isothiocyanates. Các chất này làm dịu chứng viêm. Hơn nữa, quercitin và các chất flavonoids phát hiện trong hành hoạt động cùng với vitamin C để giết chết các vi khuẩn độc hại trong cơ thể.
(Theo VNN)