Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 18/6/2015 9:42'(GMT+7)

90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: TH)

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: TH)

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 17-6, Liên chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo” 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam truyền thống- bản lĩnh- trách nhiệm”.

Hội thảo là hoạt động thiết thực, nhằm nêu bật truyền thống, sứ mệnh lịch sử của báo chí cách mạng trong 90 năm hình thành, phát triển, đồng hành cùng dân tộc và rút ra các bài học kinh nghiệm phục vụ sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới; liên hệ với thực tiễn các đơn vị báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội của báo chí cách mạng và xác định phương hướng, nhiệm vụ trước yêu cầu mới hiện nay.

Nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo

Nêu bật Quá trình phát triển báo chí cách mạng qua từng giai đoạn lịch sử; quá trình phát triển của các đơn vị báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, nhà báo Nguyễn Thành Vinh (Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh, từ góc nhìn lịch sử và hoạt động báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện nay, các cơ quan báo chí thuộc Ban luôn kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững định hướng chính trị của Đảng và công tác chính trị, tư tưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ngoài công tác tuyên truyền, định hướng thông tin, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Thông tin đối ngoại, tạp chí Báo cáo viên, tạp chí Lý luận và phê bình văn học, nghệ thuật còn là kho tư liệu với nhiều thông tin hữu ích.

Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội thảo là làm sáng tỏ hơn những vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay; các nhân tố tác động và việc nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, nhất là đối với các nhà báo trẻ. Nhà báo Hữu Thọ đã tổng hợp 6 nhóm của những hành vi lạm dụng thế lực của một số nhà báo là: Ép, van nài, đe dọa các doanh nghiệp để xin quảng cáo; viết bài tang bốc theo lối quảng cáo để nhận thù lao; mang thư bạn đọc đi de dọa các đơn vị và người bị “tố cáo” để vòi tiền; Hùa nhau đánh thuê, đánh lên cao theo kiểu “Erostrat đốt đền”; Viết bài bảo vệ tội phạm theo kiểu “dùng chữ nghĩa, hình ảnh để bảo kê”; lợi dụng sự quen biết rộng rãi để tham gia đường dây “chạy” các thứ, kể cả chạy chức chạy quyền. Những người bị lợi dụng hay lạm dụng như đã nêu thực sự không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn không xứng đáng với đạo làm người, có trường hợp vi phạm pháp luật. Họ thực sự không còn giữ được sự trung thực, thẳng thắn – là cái cốt lõi trong đạo đức người cầm bút, gõ máy.

Nhà báo trẻ Phạm Đình Thức (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đề cập đến hai nguyên tắc rất quan trọng đối với nhà báo trẻ là sự nhạy bén và thận trọng trong nghề. Nhạy bén là nhạy bén chính trị và nhạy bén nghề nghiệp. Nhạy bén để nhà báo phát hiện đúng, trúng, phát hiện đúng bản chất vấn đề, chọn thời điểm và có cách thức thông tin phù hợp, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra của đời sống xã hội và của đối tượng bạn đọc. Thận trọng là để có cách tiếp cận, đánh giá đúng bản chất vấn đề, tránh những thiếu sót, sai sót, lệch lạc trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin.

Đề cập đến bản lĩnh nhà báo trẻ trước những thách thức, nhà báo Nguyễn Thị Vân (Hội nhà báo Việt Nam) cho rằng, bản thân người làm báo và cơ quan báo chí cần đủ bản lĩnh, nhạy cảm về chính trị, trình độ nhận thức về văn hóa, xã hội; tuân thủ đúng, chặt chẽ quy trình biên tập trong tình hình hiện nay. Đây chính là điều quan trọng bậc nhất để giúp các nhà báo “hòa nhập chứ không hòa tan” trong cơn lốc mạng xã hội.

Lãnh đạo, quản lý báo chí như thế nào để nâng cao hơn nữa nhận thức và bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, hiệu quả xã hội của báo chí, nhất là đối với báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam là một trong những nội dung được các đại biểu rất quan tâm tại hội thảo. Nhà báo Nguyễn Văn Hùng (Vụ Báo chí – Xuất bản) cho biết, với từ thực tiễn công việc là tham mưu cho Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác báo chí, xuất bản, thời gian qua, Vụ Báo chí xuất bản đã triển khai xây dựng tài liệu điểm báo ngày, theo dõi nội dung thông tin trên các loại hình báo chí, xây dựng tài liệu công tác báo chí trong tuần, báo cáo chuyên đề… Các phương thức triển khai cần chủ động, tích cực hơn với những cách thức chia sẻ thông tin hiện đại như hiện nay.

Đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Tham luận gửi tới hội thảo, nhà báo Hà Đăng khẳng định nhìn lại quá trình phát triển của báo chí cách mạng nước ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới, trên cả hai mặt rèn luyện bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, vừa có điều mừng và vừa có điều lo.

Mừng là lực lượng báo chí của ta ngày càng lớn mạnh hơn nhiều so với vài ba thập kỷ trước. Lớn mạnh cả về loại hình báo chí, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo. Bên cạnh những người làm báo đã về hưu, gần 18.000 người được cấp thẻ nhà báo hiện nay là một lực lượng không hề nhỏ. Họ đang hoạt động tích cực, phấn đấu học tập, nhất là kỹ năng nghiệp vụ làm báo.

Lo là việc rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, nhất là đối với lực lượng làm báo trẻ, vẫn còn nhiều hẫng hụt, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả báo chí cách mạng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong tình hình mới.

Nhà báo Hà Đăng cũng nhấn mạnh, đối với mỗi nhà báo, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp là chuyện không bao giờ cũ.

Theo Nhà báo Nguyễn Thị Minh Huế (Tạp chí Tuyên giáo), hơn ai hết, chính là những người cầm bút, đặc biệt là đội ngũ nhà báo trẻ, cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Việc nắm bắt nhu cầu công chúng, sàng lọc, kiểm chứng, xác minh độ tin cậy của thông tin cũng như mở rộng phân tích theo chủ đề là việc làm tối cần thiết đối với mỗi nhà báo. Chính họ sẽ là bộ lọc đầu tiên và cùng với bộ máy của tòa soạn trở thành người gác cổng thông tin.

Trong lời tâm sự tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 6-1962), Bác Hồ đã chỉ rõ: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?”. Thực tế 90 năm qua của báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng minh sự khái quát những nhân tố chính là yếu tố làm nên thành công của một bài báo – cũng là cốt lõi của phong cách làm báo Hồ Chí Minh. Phong cách đó bao gồm việc xác định cho rõ: đối tượng phục vụ báo chí; mục tiêu của người làm báo cách mạng; phương thức thể hiện một bài báo.  Nhà báo Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương) khẳng định những lời chỉ bảo của Bác Hồ vẫn còn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa thiết thực, rất bổ ích với người cầm bút hiện nay. Học tập và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh gắn với thực hiện hiệu quả quy định, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân nhà báo chính là nhân tố quan trọng để báo chí cách mạng luôn khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng.

Viết báo, làm báo hôm nay cần lắm sự say nghề, cần một chữ tâm sáng, một trí tuệ sắc sảo để nhìn nhận đánh giá mọi sự kiện, vấn đề trong đời sống một cách chính xác, toàn diện. Mỗi người làm báo, mỗi người cầm bút cần luôn tự nhắc nhở mình, đã làm được gì, đang làm gì và phấn đấu như thế nào để xứng đáng với danh hiệu mà xã hội đã ưu ái ban tặng người làm báo, cũng để thực sự xứng đáng với hai chữ NHÀ BÁO viết hoa!

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất