Cụ thể, 54 người chết gồm: Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Hòa Bình 17người, Thanh Hóa: 14 người, Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người. 39 người mất tích gồm: Sơn La 2 người, Yên Bái 16 người, Hòa Bình: 15 người, Thanh Hóa 5 người, Quảng Trị 1 người.
Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 19 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình: Tỉnh đã huy động trên 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn. Đến chiều ngày 12/11, đã tìm được 9 thi thể nạn nhân bị vùi lấp. Còn 10 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Đợt mưa lũ lịch sử cũng làm 189 ngôi nhà bị sập; ngập 30.827 nhà; 1.948 nhàphải di dời khẩn cấp.
Lũ lớn, một số sông vượt đỉnh lũ lịch sử, đã xảy ra trên 60 sự cố trên các tuyến đê ở Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định.
Về nông, lâm nghiệp, lúa bị ngập thiệt hại 22.926ha; ngô, hoa màu, rau màubị thiệt hại 29.192ha; cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung16.303ha.
Về chăn nuôi, gia súc bị chết, cuốn trôi 5.747 con; gia cầm bị chết, cuốn trôi 174.793 con.
Nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến như, tại Yên Bái: TL174 Văn Chấn - Trạm Tấu còn nhiều điểm sạt lở chưa khắc phục xong; TL164 An Bình – Lâm Giang đã hót sụt được 35.000/100.000m3;
Tại Hòa Bình: Hiện tuyến đường 229 và 10 tuyến đường tỉnh (432, 432B, 433, 435B, 438, 438B, 450, 440, 448, 449) chưa thông tuyến.
Tại Sơn La: Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 02 mố); QL37, QL43 bị cuốn trôi 24 cầu, cống, sụt taluy dương 34.310m3.
Tại Thanh Hóa: Các tuyến QL (217B, 15, 15C, 16, 217, 47) bị sạt lở 45 điểm, hư hỏng mặt đường 04 điểm, ngập gây tắc cục bộ 31 điểm; các tuyến TL (521C, 521E, 519B, 516B, 530, 522, 523C, 523B, 518B, 519, 527B, 527C, 514, 520B, 523) bị sạt lở 55 điểm, ngập 29 điểm; tuyến đường tuần tra biên giới sạt taluy dương tại nhiều điểm gây ách tắc giao thông.
Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại, tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông.
Các xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; các xã vùng cao Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tiền Phong, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng huyện Đà Bắc và các xã Yên Bồng, Khoan Dụ, lạc Long, Cố Nghĩa, Hưng Thi, An Bình huyện Lạc Thủy hiện bị cô lập do giao thông chưa khắc phục được.
Về những công việc triển khai tiếp theo, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và cơn bão Khanun; cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tiếp tục tuần tra canh gác, kiểm tra, phát hiện và tập trung xử lý kịp thời các hư hỏng về đê điều, hồ đập, nhất là các trọng điểm xung yếu để chuẩn bị chocác đợt mưa lũ tiếp theo.
Tiến hành rà soát thống kê thiệt hại, khẩn trương khắc phục các sự cố, ổn định đời sống nhân dân tại các khu vực bị ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ.
Tiếp tục rà soát dân tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, hạ du các hồ chứa; các trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai việc di dời dân đến nơi đảm bảo an toàn.
Chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch; khẩn trương tiêu úng cho các diện tích lúa và hoa màu.
Các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.
Trực ban nghiêm túc, theo dõi nắm bắt diễn biến thiên tai, thông tin kịp thời để xử lý các tình huống có thể xảy ra.
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Công điện cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát tình hình ngập lụt, thiệt hại, thăm hỏi chính quyền và nhân dân vùng ngập lũ tại tỉnh Ninh Bình và khu vực sạt lở đất tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc tỉnh Hoà Bình. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ khó khăn của người dân và chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai vừa qua, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân những người bị nạn; biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, các cơ quan, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông và người dân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất.
Hiện nay, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta và có khả năng mạnh lên thành bão. Trong những ngày tới, lũ hạ lưu một số sông còn ở mức cao, thiên tai còn diễn biến phức tạp, tiếp theo Công điện số 1533/CĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2017, để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, hạn chế thiệt hại tiếp tục xảy ra, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo ứng phó với mọi tình huống, đề phòng xảy ra sạt lở đất sau nhiều ngày mưa lớn, đất bão hoà nước.
2. Uỷ ban nhân dân địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, nhất là các tỉnh: Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hoá tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích; chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Hỗ trợ mai táng người bị nạn và tổ chức chu đáo việc mai táng cho những người bị nạn không còn người thân thích; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. Bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các khu vực xung yếu. Tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
3. Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các Quân khu 2, 3, 4, Ban Chỉ huy quân sự các địa phương và các lực lượng đóng trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của các địa phương, nhất là tại các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hoá.
4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra khắc phục giao thông trên các tuyến Quốc lộ, đường sắt, hỗ trợ các địa phương kịp thời khắc phục các điểm bị sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trên các trục giao thông chính.
5. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút và tại các khu vực bị sạt lở, lũ quét, khôi phục cơ sở khám chữa bệnh bị thiệt hại.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, tập trung khắc phục nhanh các sự cố đê điều, hồ đập, tiêu úng bảo vệ sản xuất, có phương án chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất nông nghiệp sau lũ.
7. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan bảo đảm an toàn các hồ thủy điện, khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, sớm cấp điện trở lại phục vụ tiêu úng chống ngập và đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.
8. Các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.
9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục triển khai lực lượng bám sát tình hình, làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời về công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
10. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả theo quy định./.
Theo chinhphu.vn