Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 23/12/2009 9:40'(GMT+7)

Ai Cập gây sức ép lên nhóm Hamas

Công trường bên phía biên giới Ai Cập với dải Gaza-địa điểm xây dựng bức tường ngầm bằng thép chống lại các đường hầm.

Công trường bên phía biên giới Ai Cập với dải Gaza-địa điểm xây dựng bức tường ngầm bằng thép chống lại các đường hầm.

 Những loạt đạn nhắm vào các thiết bị thi công tại Rafah, các cuộc giao tranh nhắm vào một chiếc xe của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) gần al-Arich, cách biên giới 70 km: bức tường ngầm mới bằng thép mà Ai Cập xây dựng, với sự giúp đỡ của Mỹ, dọc theo biên giới với dải Gaza đã gây nên căng thẳng tại phía Bắc bán đảo Sinaï. Có nguy cơ mất ổn định về mặt an ninh và tạo ra một hình ảnh xấu, đặc biệt trong thế giới Ảrập, nơi mà Ai Cập đã bị tố cáo là tham gia phong toả dải Gaza, việc xây dựng bức tường chống lại các đường hầm mang hai tính toán chiến lược: một mặt giữ cam kết trước Ixraen và cộng đồng quốc tế để chấm dứt cuộc chiến tại dải Gaza và mặt khác gây sức ép lên nhóm Hamas.

Chúng ta hãy nhìn lại quá khứ: cách đây một năm, cuộc chiến tại Gaza đã bị sa lầy và cuộc bút chiến về số thường dân thiệt mạng gia tăng. Tuy nhiên, Thủ tướng Ixraen Éhoud Olmert đã chấp nhận đình chiến trong giận giữ. Ông muốn đạt được một sự đảm bảo rằng Hamas sẽ không thể tái vũ trang nhờ vào các đường hầm ở Rafah, đặc biệt liên quan đến các tên lửa của Iran. Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak, đang lo ngại ảnh hưởng đang gia tăng của Téhéran trong khu vực, đã chia sẻ mối lo ngại trên song do dự cam kết với Ixraen. Phải cần tới nhiều chuyến công du của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từ Jérusalem đến Charm el-Cheikh để cuối cùng Ai Cập mới chấp nhận bàn về việc “đảm bảo an ninh” khu vực biên giới.

Những bức tường chống đường hầm

Từng được nhắc đến vào thời điểm Ixraen rút khỏi dải Gaza năm 2005, ý tưởng xây dựng một bức tường chống đường hầm có vẻ trở nên cụ thể vào đầu tháng 12, khi tờ báo Haaretz của Ixraen nhắc tới các công việc xây dựng một bức tường ngầm dài 10 km, gồm những tấm thép có thể nằm sâu trong lòng đất tới 20 mét.

Từ một năm nay, Ai Cập tăng cường các hoạt động ngoại giao để tái khởi động các cuộc đàm phán về việc thành lập một Nhà nước Palextin và lôi kéo Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tiến trình hoà bình. Chỉ có một giải pháp duy nhất: một sự hoà giải giữa Hamas và Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas, bị đuổi khỏi Gaza năm 2007, sẽ cho phép người Ixraen và cộng đồng quốc tế có được một phía đối thoại duy nhất. Được tiến hành đàm phán từ nhiều tháng qua tại Cairô và đã có nhiều lần thất vọng, tuy nhiên một thoả thuận vẫn chưa thể có.

Bằng cách đưa ra lời đe doạ xây dựng một hệ thống tường hoàn hảo bao quanh biên giới, Ai Cập hy vọng có thể gây sức ép để Hamas có những nhượng bộ. Theo những nguồn tin thân cận với hồ sơ trên, Ai Cập dự định sẽ thực hiện các bước chia cách bắt đầu nhắm vào các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Gaza-khá thực dụng, sẵn sàng thương lượng và ban lãnh đạo đang sống lưu vong tại Damas, cứng đầu hơn. Tính toán trên của Ai Cập cũng liên quan tới các cuộc thương lượng nhằm trả tự do cho binh sỹ Gilad Shalit của Ixraen đang bị Hamas giam giữ. Theo Cairô, các cuộc thương lượng trên đang bị phía Ixraen phong toả, trong khi nhà trung gian hoà giải người Đức đã cảnh báo rằng ông sẽ không tiếp tục nhiệm vụ khi năm 2009 kết thúc. Đến nay, phản ứng duy nhất của Hamas là “yêu cầu có sự giải thích” về việc xây dựng bức tường trên. Những tuần tới Ai Cập cần phải nói rõ nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc chơi.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất