Thứ Sáu, 8/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 21/1/2014 21:28'(GMT+7)

Ai Cập - khi bộ phim chưa có hồi kết

Bạo lực trên đường phố tại Ai Cập. (Ảnh: AP)

Bạo lực trên đường phố tại Ai Cập. (Ảnh: AP)

Khi hoàn tất tác phẩm điện ảnh “Quảng trường-The Square”- bộ phim tài liệu vừa được đề cử giải Oscar, sau một số lần phải chỉnh sửa để theo kịp diễn biến chóng mặt trên chính trường Ai Cập, hẳn các nhà làm phim cũng không mong sẽ lại phải tiếp tục cập nhật bộ phim thêm lần nữa. Nhưng e rằng, “The Square”, vốn lấy nguồn cảm hứng từ phong trào “Mùa xuân A-rập”, sẽ chưa thể hoàn chỉnh, chừng nào cuộc khủng hoảng chính trị Ai Cập vẫn còn những diễn biến khó lường.

Ai Cập vừa thông qua dự thảo Hiến pháp mới, bản Hiến pháp thứ hai hậu “Mùa xuân A-rập”. Sự kiện này đã tạo dấu mốc quan trọng cho tiến trình chuyển tiếp chính trị ở đất nước của các Pha-ra-ông, kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền Tổng thống M. Mo-xi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) hồi giữa năm ngoái. Bản Hiến pháp mới mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội trong vòng 6 tháng tới nếu theo đúng lộ trình đã định, từ đó, tạo tiền đề để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong suốt hơn hai năm qua ở Ai Cập, đồng thời, mở ra giai đoạn ổn định và phát triển cho đất nước này.

Liệu có phải là quá kỳ vọng đối với đất nước Ai Cập vừa trải qua những “cơn địa chấn” chính trị liên tiếp và đang chìm trong khủng hoảng, chia rẽ và bạo lực?

Người ta vẫn chưa quên bản Hiến pháp đầu tiên hậu “Mùa xuân A-rập” được thông qua dưới thời chính quyền dân sự của Tổng thống M. Mo-xi chính là nguyên nhân dẫn tới một loạt biến động trong xã hội và chính trường Ai Cập. Những tướng lĩnh từng chung sức lật đổ chính quyền Tổng thống H. Mu-ba-rắc đã làm chính biến loại bỏ ông M. Mo-xi vì không thể chấp nhận một bản hiến pháp nhằm mục đích củng cố quyền lực của Tổng thống và đề cao vai trò của lực lượng Hồi giáo. Đó là hệ quả khó tránh vì dự thảo Hiến pháp được thông qua một cách gượng ép, bất chấp những tranh cãi và bất đồng.

Vì thế, người ta không khỏi lo ngại cho tương lai của Ai Cập khi thấy rằng, chính quyền lâm thời do quân đội hậu thuẫn dường như đang có dấu hiệu đi vào “vết xe đổ” của chính quyền tiền nhiệm. Hiến pháp mới bị chỉ trích do vẫn giữ những đặc quyền của quân đội. Đặc biệt, bản hiến pháp này còn được cho là góp phần tuyệt đối hóa cơ hội giành chiến thắng của Bộ trưởng Quốc phòng Áp-đen Phát-ta En Xi-xi (Abdel-Fattah El-Sisi) trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Chính điều này có nguy cơ thổi bùng mâu thuẫn sâu sắc bấy lâu giữa các phe phái ở Ai Cập, vốn đã bị khoét một hố sâu sau khi MB bị loại ra khỏi hệ thống chính trị của đất nước và bị coi như một tổ chức khủng bố. Tham vọng quyền lực và niềm tự hào tôn giáo của những người Hồi giáo sẽ không cho phép họ cam chịu thất bại. MB là một lực lượng có tổ chức, được ủng hộ và hết sức trung thành nên tổ chức này sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền Ai Cập trong thời gian tới.

Một bản hiến pháp chưa thể dung hòa lợi ích của các bên và giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản thì dù có được thông qua cũng khó hy vọng sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự ổn định bền vững ở Ai Cập. Nó sẽ dẫn tới nguy cơ làm nảy sinh những bất ổn trong xã hội cũng như trên chính trường. Chính quyền bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực, không còn tâm trí để lo các vấn đề sát sườn là kinh tế và cơm áo của người dân. Ở Ai Cập, nơi hứng chịu “cơn bão” có thể coi là dữ dằn của phong trào “Mùa xuân A-rập”,  bài học này luôn còn nguyên giá trị.

Tuy nhiên, trong Hiến pháp mới của Ai Cập cũng có những quy định xoa dịu như tăng cường tính độc lập của quân đội, lược bỏ những luật bị ảnh hưởng bởi luật Hồi giáo, cấm các đảng được thành lập trên nền tảng một tổ chức tôn giáo tham gia chính trường, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của những nhóm thiểu số, bảo đảm công bằng xã hội… Đây có thể coi là những điều khoản được xây dựng dựa trên kinh nghiệm rút ra từ bản hiến pháp đã bị xóa bỏ dưới thời chính quyền của Tổng thống bị lật đổ M. Mo-xi.

Nhưng như thế cũng không có gì bảo đảm cho những quy định này sẽ được tuân thủ tuyệt đối. Kế thừa di sản rệu rã của chính quyền tiền nhiệm với đầy rẫy khó khăn cả về đối nội lẫn đối ngoại, việc duy trì ổn định chính trị để phát triển kinh tế sẽ là một thách thức không nhỏ đối với bất kỳ chính quyền nào lên nắm quyền ở Ai Cập. Sau 3 năm bất ổn, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ai Cập đã giảm mạnh từ mức gần 6% năm 2010 xuống còn 2,1% trong năm tài chính 2012-2013. Tỷ lệ nghèo đói đã vọt lên tới 26,5% so với mức 25,2% của năm trước. Tỷ lệ lạm phát ở mức hơn 11% trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,4%.

Hơn lúc nào hết, Ai Cập cần có một chính quyền đủ sức mạnh và uy tín để tập hợp được đông đảo các lực lượng ủng hộ nhằm mang lại ổn định cho đất nước. Việc theo đuổi một chính sách hòa giải dân tộc thông qua đối thoại, cùng kế hoạch cải tổ đất nước đang là những đòi hỏi cấp bách ở đất nước Kim tự tháp trong giai đoạn hiện nay. Nếu không, bộ phim Quảng trường sẽ còn phải tiếp tục cập nhật với những trường đoạn xung đột gay gắt và đâu đó, trên sa mạc nóng bức của đất nước Ai Cập, bên những Kim tự tháp nghìn năm, bức tượng Nhân sư sẽ có thêm những câu hỏi hóc búa không lời đáp./.

Mỹ Hạnh (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất