Thứ Bảy, 21/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 3/4/2013 11:2'(GMT+7)

Âm nhạc Việt Nam : Phát triển theo Giải thưởng và các cuộc thi .

Không cần nói xa xôi chỉ cần nhìn lại khoảng 5 -7 năm trước đây, thị trường nhạc Việt không thể có sự sôi động với số lượng ca sĩ, nhạc sĩ đông đảo, các chương trình âm nhạc, dự án âm nhạc cũng không được đầu tư lớn như hiện nay. Những giải thưởng âm nhạc lớn như giải Âm nhạc cống hiến, Làn sóng xanh, Bài hát yêu thích mặc dù đều có số tuổi trung bình từ 5 -10 năm, nhưng phải chờ đến 2 năm trở lại đây mới thực sự tỏa sáng. Số lượng ca sĩ, nhạc sĩ cũng chưa bao giờ đông đảo và đa dạng như thời điểm hiện tại. Ca sĩ nghiệp dư, chuyên nghiệp, ca sĩ thị trường, ca sĩ đẳng cấp cao đều có đủ…nhạc sĩ cũng theo số lượng ca sĩ tăng mà tăng theo đáng kể. Mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức nhưng chỉ cần nhìn vào thị trường âm nhạc của Việt Nam sẽ không khó để nhận thấy điều này.

Sở dĩ thị trường âm nhạc Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh cùng với sự đa dạng ngày một rõ nét là bởi sự xuất hiện của vô số các chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi tìm kiếm tài năng, giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ được diễn ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm.

Nếu như cách đây chừng 5 - 7 năm các chương trình truyền hình về âm nhạc chỉ có Sao Mai ( tiền thân là giải Tiếng hát truyền hình) được tổ chức lần đầu năm 1997, giải Sao Mai Điển hẹn lần đầu được tổ chức năm 2004.; Giải thưởng Làn sóng xanh được tổ chức lần đầu năm 1997 do cơ quan chủ quản là Đài FM 99.9 MHz của Đài tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Giải Âm nhạc Cống hiến được tổ chức lần đầu năm 2005 thì đến nay danh sách các chương trình, các giải thưởng đã nối dài thêm rất nhiều. Trong đó không thể không kể đến những chương trình và giải thưởng lớn đã và đang góp phần làm thay đổi cục diện thị trường âm nhạc Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến chương trình truyền thực tế - cuộc thi Thần tượng Việt Nam ( Việt Nam Idol). Được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2007, đây vốn là một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng của Anh do Simon Fuller sáng lập. Ngay từ lần đầu tiên lên sóng truyền hình Việt Nam, Việt Nam Idol thực sự tạo nên một sự đột phá so với các chương trình âm nhạc vào cùng thời điểm. Sự đột phá đến ngay từ khâu dàn dựng, tạo hình cho ca sĩ, cho sân khấu cũng như quy mô tổ chức. Đã quá quen thuộc với cuộc thi Sao Mai mặc dù được tổ chức bài bản, chất lượng thí sinh tốt song lại không đánh trúng vào tâm lý, sở thích của giới trẻ và sau nhiều năm tổ chức không thay đổi cách dàn dựng khiến chương trình trở nên cũ kỹ. Vậy nên ngay khi Việt Nam Idol xuất hiện thì một làn sóng âm nhạc mới cũng được hình thành, với phong cách trẻ trung hơn, sáng tạo hơn.

Tiếp đến là chương trình Việt Nam Got Talent – Tìm kiếm Tài năng Việt. Mặc dù không phải là một chương trình chuyên về âm nhạc mà có đầy đủ các loại hình nghệ thuật khác nhau song "Tìm kiếm Tài năng Việt" cũng đã giúp tìm ra khá nhiều các ca sĩ, nhạc sĩ tài hoa. Chương trình Got Talen đầu tiên ra mắt và lên sóng tại Mỹ với tên gọi America’s Got Talent vào tháng 6 năm 2006 và nhanh chóng trở thành chương trình truyền hình giải trí số 1 của đài truyền hình NBC. Phiên bản Got Talen được săn lùng và bán chạy một cách đáng ngạc nhiên trên 45 nước trên toàn thế giới và được phát sóng toàn cầu. Hiện tượng Susan Boyle đã tạo nên một sức hút lớn và trở thành giấc mơ của nhiều người có khả năng ca hát. Việt Nam Got Talent lần đầu tiên lên sóng truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 12 năm 2011, ngay từ mùa đầu tiên đã thu hút tới hơn 12.000 người tham gia dự thi và cũng trong mùa đầu tiên này nhiều ca sĩ và nhạc sỹ triển vọng đã xuất hiện.

Đáng kể và tạo nên một sức hút lớn chưa từng có phải kể đến The Voice – chương trình truyền hình thực tế - Cuộc thi Giọng hát Việt. Ngay mùa đầu tiên diễn ra, The Voice đã thu hút một lượng thí sinh tham gia dự thi kỷ lục lên đến hơn 10.000 người. Bên cạnh đó việc được đầu tư lớn về mọi mặt sự tham gia của những ngôi sao hàng đầu của show biz Việt đã khiến cho Giọng hát Việt trở thành chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất của năm. Như vậy có nghĩa là sự ảnh hưởng mà chương trình đem lại cho âm nhạc Việt Nam trong năm vừa qua cũng đáng kể nhất.

Ngoài các chương trình truyền hình thực tế thì không thể không nói đến sự đóng góp của các giải thưởng âm nhạc. Nếu những năm đầu xuất hiện các giải thưởng chưa thực sự được chú ý bởi cách thức tổ chức chưa được quy mô và chuyên nghiệp như bây giờ. Bên cạnh đó sự thiếu uy tín, thiếu chuyên nghiệp trong các lựa chọn đề cử, những dị nghị về việc cơ cấu mua giải, kinh doanh tin nhắn cũng khiến cho các giải thưởng âm nhạc không thực sự bộc lộ được hết các ưu điểm vốn có thì hai năm nay, mọi việc đã thay đổi. Các giải thưởng âm nhạc không những cho công chúng thấy sự nghiêm minh trong việc bình chọn, cách thức tổ chức chuyên nghiệp mà còn cho thấy rõ những đóng góp của mình đối với nền âm nhạc Việt Nam. Trong số đó có hai giải thưởng âm nhạc đặc biệt được chú ý đó là giải Cống hiến và Bài hát yêu thích.

Giải âm nhạc Cống hiến là giải thưởng do báo Thể thao & Văn hóa ( Thông tấn xã Việt Nam ) tổ chức với sự tham gia bình chọn của các phòng viên văn hóa của các đài, báo trên toàn quốc. Giải thưởng được xây dựng với mục đích để giới báo chí tích cực tham gia vào sự nghiệp phát triển âm nhạc Việt Nam, đồng thời động viên, khuyến khích và thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo âm nhạc đại chúng và góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của công chúng. Sau bảy năm tổ chức với những thành công nhất định, Giải thưởng âm nhạc cống hiến lần thứ 8 chuẩn bị diễn ra đã có những thay đổi đó là bên cạnh 04 hạng mục cũ, Giải cống hiến năm nay sẽ có thêm 02 hạng mục mới là là Bài hát của năm Nghệ sỹ mới của năm. Sở dĩ có sự thay đổi này là bởi Ban tổ chức muốn có cơ hội mới mở ra cho các nghệ sỹ trẻ góp phần tôn vinh những gương mặt mới có đóng góp cho đời sống âm nhạc. Hai hạng mục mới sẽ được bình chọn theo các tiêu chí: “ Có khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng”. Trong lần trao giải gần đây nhất năm 2012, không khó để nhận thấy rằng dù là nghệ sĩ gạo cội hay những ngôi sao mới nổi, tất cả đều thực sự háo hức khi lắng nghe phần công bố giải thưởng và bất kỳ nghệ sĩ nào dù đã già hay còn rất trẻ thì đều vô cùng tự hào khi có tên trong danh sách đề cử cũng như được nhận giải thưởng. Chính điều này là một động lực vô cùng lớn đối với các nhạc sĩ, nghệ sĩ và các nhà tổ chức trong việc tích cực tham gia góp phần phát triển nền âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng thứ hai phải kể đến đó là Bài hát yêu thích. Tuy mới xuất hiện nhưng sân chơi này đã tạo được sự chú ý của dư luận nhờ giá trị tiền thưởng rất lớn và bởi quy định bình chọn rất khắt khe. Trong đó giải thưởng Bài hát của năm có giá trị 1 tỉ đồng dành cho ca sĩ thể hiện và 300 triệu đồng dành cho nhạc sĩ sáng tác. Ngoài công tác đề cử hết sức phức tạp và tốn kém, ban tổ chức giải cũng vô cùng mạnh tay với các tin nhắn “rác” trong phần bình chọn. Theo đó, một bài hát có lượng tin nhắn bình chọn vượt quá 20% tổng bình chọn, ban tổ chức sẽ kiểm tra bình chọn của 10 bài hát đứng đầu. Nếu thấy “có vấn đề”, ban tổ chức giải sẽ không ngần ngại hủy các tin nhắn “rác” bình chọn. Với cách tổ chức rất chuyên nghiệp cùng với số tiền giải thưởng quá lớn của Bài hát yêu thích vậy nên giải thưởng này nhanh chóng trở thành một trong những giải thưởng được chú ý nhất, danh giá nhất hiện nay. Điều đáng nói đó là nhờ có sân chơi Bài hát yêu thích mà vô số các ca sĩ trẻ được phát hiện, không chỉ có vậy nhờ có Bài hát yêu thích mà bao nhiêu tài năng sáng tác trẻ có một nơi để thể hiện khả năng, bản lĩnh của mình.

Nếu phải kể tên tất cả các ca sĩ, nhạc sĩ được tìm thấy hay tỏa sáng nhờ các chương trình truyền hình thực tế và các giải thưởng sẽ là việc khá vất vả bởi số lượng những nghệ sĩ này không hề nhỏ. Nhưng có những cái tên nổi bật đến từ các cuộc thi, các giải thưởng như: Phương Vy, Thảo Trang, Trà My, Uyên Linh, Văn Mai Hương…đến từ Việt Nam Idol. Việt Nam Got Talent có Vũ Trọng Phúc, ca nương trẻ Kiều Anh…Những hiện tượng âm nhạc nổi đình đám làm say lòng người hâm mộ âm nhạc như Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương, Nguyễn Trúc Nhân…đến từ The Voice. Những chương trình âm nhạc có tên trong danh sách đề cử giải Chương trình của năm như: Hòa nhạc Luala; Giai điệu trẻ. Hay nhiều những nhạc sĩ mới xuất hiện nhờ có Bài hát yêu thích như: Lê Cát Trọng Lỹ, Lưu Thiên Hương, Lưu Hà Anh…đã và đang đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng của âm nhạc Việt Nam.

Mặc dù vẫn còn có những mặt chưa thực sự tích cực như việc xuất hiện vài thảm họa âm nhạc do việc xuất hiện quá nhiều cuộc thi, nhiều sân chơi cũng khiến cho nhiều người ảo tưởng, huyễn hoặc về khả năng âm nhạc của mình. Vậy nhưng đấy chỉ là con số rất nhỏ, trên thực tế phải nhìn nhận rằng nhờ có những chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, nhờ có thêm những sân chơi mới và những giải thưởng danh giá mà nền âm nhạc nói chung của Việt Nam đang được đa dạng hóa và phát triển với một tốc độ khá nhanh so với quốc tế. Đây là tín hiệu vui không chỉ cho các ca sĩ, nhạc sỹ những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc mà còn là điểm cộng cho nền âm nhạc Việt Nam.

Nguyễn Hương (Cổng TTĐT Bộ Văn hóa, Thẻ thao.và Du lịch)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất