* Từ ngày 25 đến 28/3, các thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý kiến về một số nội dung như: Đề nghị tăng thời gian sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 đến 50 năm trong phạm vi quy hoạch nhà nước trưng mua trưng dụng thì người sử dụng đất mới được mọi quyền lợi như những khu đất bình thường khác không gây xáo trộn; đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế thì nhà nước mua lại của dân sát giá thị trường, sau đó thực hiện hoặc bán lại lấy lời để phục vụ an sinh xã hội.
Đối với dự án phi lợi nhuận hoặc phục vụ cộng đồng có doanh thu thì nhà nước mua bằng 70-80% giá trị hiện tại thực của khu đất; đề nghị bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 173, bổ sung thêm quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở, nhằm để đảm bảo tốt các nhu cầu cho người dân và giảm thủ tục cho người. Điều 161, đề nghị bổ sung là hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất có tính pháp lý phải được xác nhận của cơ quan quản lý tài nguyên môi trường xác nhận; đất đai là tài nguyên của quốc gia cần hết sức cân nhắc khi thu hồi đất nông nghiệp và đất rừng phòng hộ nên khi lấy đất để quy hoạch hay làm khu công nghiệp ở mọi tỉnh, thành đều phải có ý kiến của Chính phủ, bắt buộc khi lấy đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp phải thông qua Thủ tướng Chính phủ để khỏi ảnh hưởng đến an ninh lương thực và bảo vệ rừng của quốc gia. Điều 60 về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Luật Đất đai nên tách việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia thành một mục riêng, lợi ích công cộng vào mục riêng, vì lợi ích công cộng không thể so sánh với lợi ích quốc gia, do đó sẽ dẫn đến việc thu hồi đất không có hiệu quả...
* UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh. Hội nghị đã nhận được hàng chục văn bản đóng góp và nhiều lượt ý kiến phát biểu trực tiếp, thẳng thắn, tâm huyết vào Dự thảo Luật. Các ý kiến đều nhất trí với quan điểm: Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.
Đại diện giới doanh nhân, ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương cho rằng, khi nhà nước giao đất cho doanh nghiệp phải công bằng; nếu doanh nghiệp phải ứng tiền giải phóng mặt bằng thì thôi không cần ký quỹ và ngược lại. Ông Hải cũng cho rằng không nên quy định các loại giá khác nhau cho đất nông nghiệp. Giá đất cũng không nên thả nổi theo giá thị trường bởi rất khó xác định mà nên theo bảng giá đất đã được tỉnh, thành qui định. Đối với đất nông nghiệp nên sửa đổi theo hướng mở rộng thời gian giao đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có quy định rõ ràng về đánh giá tiềm năng đất khi quy hoạch, nhất là đối với đất nông nghiệp. Đối với các hồ sơ sở hữu, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần có chứng thực, công chứng rõ ràng để tránh các nguy cơ rủi ro….
* Tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và cơ quan báo chí Trung ương… trên địa bàn tỉnh lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này về cơ bản đã giải quyết được một số vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003 gặp phải. Nội dung của Dự thảo cũng đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn các trường hợp nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội…
Tuy nhiên, để Luật đất đai có tính ổn định, lâu dài, hạn chế những vấn đề bất cập, tồn tại do thực tiễn cuộc sống phát sinh, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Tại điều 3, về giải thích từ ngữ, có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật giải thích rất nhiều từ ngữ liên quan đến đất đai, nhưng cụm từ “quyền sử dụng đất” không được giải thích. Vì đất đai được chuyển nhượng, cho, tặng, thế chấp, cho thuê, thừa kế… thì quyền sử dụng đất đã được thừa nhận là tài sản. Nên đề nghị bổ sung cụm từ “quyền sử dụng đất” trong điều 3 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó, đề nghị bổ sung các cụm từ như: hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất khai hoang, đất tự khai hoang, đất lấn chiếm. Vì hiện nay các địa phương vướng mắc khi phải xác định thế nào là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp nuôi trồng thủy sản, làm muối; phân biệt thế nào là đất khai hoang, đất tự khai hoang và đất lấn chiếm…Do đó Luật cần giải thích cụ thể, rõ ràng để dễ áp dụng và đảm bảo tính pháp lý cho người khai hoang./.
Theo TTXVN