Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản quan trọng và quyết định của đời sống xã hội như: hình thức tổ chức nhà nước, cơ cấu và thẩm quyền của bộ máy nhà nước, trình tự hình thành các cơ quan nhà nước, chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân - những nguyên tắc chung nhất thể hiện mục đích, hướng vận động của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Các quy định của Hiến pháp là những quy định xác lập có giá trị xuất phát điểm, chúng điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất và đồng thời là cơ sở pháp luật cho tất cả các ngành luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật của nhà nước. Các văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Những văn bản trái với Hiến pháp bị xem là vi phạm Hiến pháp phải bị xóa bỏ (Từ điển Bách khoa Việt Nam).
Từ những nội hàm cơ bản trên, thì vấn đề cơ bản cốt lõi đầu tiên là chủ quyền của nhân dân trong việc lập hiến. Quyền lập hiến là quyền ban hành Hiến pháp, lập ra Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Ở tất cả các nước trên thế giới, quyền lập hiến thuộc về cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội, Nghị viện. Ở Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định tại Điều 83: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”. Và tại Điều 84 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội: “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp làm luật và sửa đổi luật, quyết định xây dựng chương trình luật, pháp lệnh”.
Ở Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Do đó, tháng 8 năm 2011, Quốc hội ra Nghị quyết về việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau khi xem xét tờ trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và ý kiến của các địa biểu Quốc hội, tháng 12-2012, Quốc hội đã ra Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm hai mục đích: Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tâm huyết của nhân dân tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Nghị quyết của Quốc hội đã xác định yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi dân chủ, khoa học, công khai, đảm bảo chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nội dung lấy ý kiến của nhân dân là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, Quốc hội ta, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trực tiếp xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tổ chức cho các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý sửa đổi Hiến pháp. Toàn bộ các ý kiến đóng góp của nhân dân được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, để Ủy ban nghiên cứu tiếp thu. Do đó chủ quyền của nhân dân trong việc lập hiến đã được thực hiện bằng các hoạt động lấy ý kiến được tiến hành rộng rãi, dân chủ khoa học, công khai và thông qua Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta; quyết định thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013).
Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất do đó trong Hiến pháp phải hiến định những vấn đề cơ bản quan trọng và quyết định của đời sống xã hội. Vì vậy, trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình bày kết cấu, bố cục Lời nói đầu và 11 chương là đầy đủ.
Nội dung từ Lời nói đầu đến 11 chương với 124 điều về cơ bản đã hiện thực hóa được Cương lĩnh 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và đường lối Đại hội XI của Đảng ta, nhất là hiến định hóa tư tưởng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với trách nhiệm của một cán bộ đảng viên và một công dân, tôi xin góp một số ý kiến sau:
- Trong Lời nói đầu, tôi đề nghị bỏ từ “mấy” trong câu: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử…”. Viết thế này hóa ra đến bây giờ chúng ta cũng chưa biết từ khi vua Hùng có công dựng nước đến nay là bao nhiêu năm? Chúng ta có Viện nghiên cứu lịch sử, Viện Khảo cổ với hàng trăm các nhà khoa học có uy tín cùng với các phương tiện khoa học phân tích niên đại của các hiện vật, các di tích lịch sử. Chúng ta không thể ghi một từ thiếu trách nhiệm với lịch sử dân tộc trong một văn bản có tính chính trị và pháp lý cao nhất.
- Điều 6: Đề nghị tách thành 2 khoản để bổ sung một ý vào Khoản 2, diễn đạt như sau: Khoản 1: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ đại diện thông qua…. Khoản 2: Nhân dân thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp (dân biết, dân bàn, dân kiểm tra) theo luật định. Vì quy chế dân chủ trực tiếp ở xã, phường, thị trấn ban hành từ năm 1998 đến nay nhưng thực hiện rất hạn chế, do đó cần phải có luật để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp.
- Khoản 2, Điều 7: Bổ sung 3 từ theo luật định sau câu: Cử tri bãi miễn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân theo luật định. Nghĩa là Quốc hội sẽ ban hành luật để cử tri thực hiện được quyền bãi miễn này.
- Khoản 2, Điều 9: Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức được bổ sung ý sau: theo quy định của pháp luật. Chúng tôi được biết Ban Dân vận Trung ương đã xây dựng dự thảo Quy chế giám sát phản biện của Mặt trận tổ quốc những chưa được ban hành, chúng tôi đề nghị giám sát phản biện của Mặt trận tổ quốc cần được điều chỉnh bằng một văn bản luật chứ không dừng ở mức quy chế.
* Chương II, Điều 5: Đề nghị bỏ hai từ “thừa nhận”, vì quyền con người là do tạo hóa sinh ra, cho nên nhà nước chỉ khẳng định tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo luật pháp. Còn nhà nước thừa nhận quyền công dân. Do đó Điều 15 nên tách thành 2 khoản để trình bày 2 vấn đề về quyền con người và quyền công dân.
- Điều 21: Đề nghị được bổ sung 2 ý cho đủ và đúng với Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945: Mọi người có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đây là mục tiêu lý tưởng của Đảng ta, là khát vọng của mọi con người, của cả dân tộc.
* Chương III, Điều 58, Khoản 3 tách thành 2 khoản, Khoản 3 dừng ở từ lợi ích công cộng. Thêm Khoản 4: Nhà nước trưng mua đất do tổ chức, cá nhân sử dụng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì nếu để cho nhà nước thu hồi có bồi thường theo quy định của pháp luật sẽ tạo kẽ hở cho “nhóm lợi ích” lợi dụng gây thiệt hại lớn cho cả nhà nước và các cá nhân các hộ nông dân sử dụng đất.
- Điều 64: Đề nghị bỏ sáu từ: nhân văn dân chủ tiến bộ vì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã giải thích rõ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như sau: Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ… nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam… Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý…thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ…
- Khoản 1 của Điều 64 bổ sung từ mục tiêu vào sau câu: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước.
- Điều 66, Khoản 3 bổ sung: Xây dựng xã hội học tập trong câu: Nhà nước và xã hội tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập, để phát triển tài năng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
* Chương VI. Cần bổ sung điều 93 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Cần bổ sung làm rõ một số nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước đối với cơ quan hành pháp, và tư pháp để Chủ tịch nước thực sự là nguyên thủ quốc gia, đảm bảo chủ tịch nước có quyền năng phù hợp với vị trí, vai trò của nguyên thủ quốc gia để có hiệu lực trong điều hoa, phối hợp và kiểm soát các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và thống lĩnh các lực lượng vũ trang./.
PGS,TS Đào Duy Quát