Chủ Nhật, 22/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 4/12/2012 13:14'(GMT+7)

Ấn Độ: Băng thông rộng góp 87 tỷ USD vào GDP

Tăng vùng phủ sóng băng thông rộng ở nông thôn sẽ là cuộc cách mạng tiếp theo của ngành viễn thông Ấn Độ. Ảnh: Internet

Tăng vùng phủ sóng băng thông rộng ở nông thôn sẽ là cuộc cách mạng tiếp theo của ngành viễn thông Ấn Độ. Ảnh: Internet

Chính phủ hỗ trợ cho phát triển băng thông rộng nông thôn

Theo đề nghị của Cơ quan Quản lý Viễn thông của Ấn Độ (TRAI), Kế hoạch Băng thông Rộng quốc gia có khả năng góp thêm 87 tỷ USD vào GDP quốc gia trong giai đoạn 2012 – 2014. Nhận biết được thực tế là nếu có mức độ thâm nhập Internet đạt mức cao, các quốc gia đang phát triển có thể tăng trưởng mạnh hơn các quốc gia phát triển, Bộ Viễn thông Ấn Độ đang tiến hành các bước để tăng cường vùng phủ sóng băng thông rộng tới nông thôn.

Trong khi 70% dân số Ấn Độ sống ở nông thôn thì khu vực này chỉ tiếp cận được 5% kết nối băng thông rộng của cả nước. Nguyên nhân chính là thiếu phương tiện truyền dẫn tới bản làng, chi phí triển khai dịch vụ cao và thiếu mô hình kinh doanh khả thi. Với số lượng dân số nông thôn khổng lồ - 720 triệu dân tại 630.000 ngôi làng trên diện tích 3,2 triệu km vuông và nền kinh tế chiếm hơn 50% tổng GDP của Ấn Độ, khu vực nông thôn rõ ràng là cơ hội phát triển lớn cho các nhà mạng viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, cung cấp điện thoại và thiết bị.

Theo Kế hoạch Băng thông rộng Nông thôn nhằm mở rộng kết nối băng thông rộng hữu tuyến tới cấp bản làng, tổng số 224.631 kết nối băng thông rộng được cung cấp và 5674 ki- ốt đã được thiết lập tại các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Một trong những biện pháp mà Chính phủ Ấn Độ áp dụng để tăng mật độ băng thông rộng ở nông thôn là kế hoạch Bharat Nirman-II, kế hoạch dự kiến phủ sóng băng thông rộng cho tất cả 250.000 hội đồng làng bản tính tới hết năm 2012. Tính tới tháng 06/2011, đã có 133.712 trong số 247.864 hội đồng làng bản được phủ sóng. Kết nối băng thông rộng này được thành lập thông qua mạng cáp quang quốc gia. Để biến kế hoạch này trở thành hiện thực, vào tháng 10/2011, Chính phủ Ấn Độ đã tán thành để mạng cáp quang quốc gia cung cấp kết nối băng thông rộng cho tất cả các hội đồng làng bản với chi phí xấp xỉ 4 tỷ USD.

Chương trình phổ cập băng rộng quốc gia nhằm mục đích kết nối hàng triệu máy tính cá nhân và đưa băng thông rộng tới những thị trường chưa được khai thác thông qua Quỹ Universal Services Obligation Fund (USOF) do Bộ Viễn thông Ấn Độ (DoT) quản lý. Quỹ USOF đã trợ cấp cho Công ty viễn thông Bharat Sanchar Nigam Limited (BSNL) để cung cấp kết nối băng thông rộng hữu tuyến tại nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, với mỗi kết nối băng thông rộng mà BSNL cung cấp thông qua 27.789 tổng đài điện thoại tại nông thôn, USOF sẽ trợ cấp từ 90 -100 USD.

Các bước tăng mức độ tiếp cận băng thông rộng tại nông thôn

Ấn Độ xác định các bước cần thực hiện để tăng mức độ tiếp cận băng thông rộng như sau: Đầu tiên, cần thiết lập các trung tâm truy cập băng thông rộng, trung tâm viễn thông, ki-ốt và những điểm truy cập công cộng khác. Sau đó là cung cấp các dịch vụ Internet không dây để làm phương tiện truy cập băng thông rộng nông thôn. Có thể tận dụng cơ sở hạ tầng của các nhà khai thác tư nhân hoặc cơ sở hạ tầng của chính phủ để cung cấp dịch vụ băng thông rộng ở nông thôn.

Tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng cột phát sóng hiện có bằng cách cung cấp kết nối backhaul và last-mile ở khu vực này. Nên khuyến khích sử dụng băng thông rộng qua vệ tinh cho vùng sâu, vùng xa. Phương pháp truy cập hữu tuyến có thể sử dụng ở khu vực nông thôn để bao phủ diện tích tối đa 5 km và sử dụng cáp dây đồng cho phương pháp này. Trong khi đó, truy cập cáp quang có thể được sử dụng cho các cộng đồng dân cư sống cách xa nhau và xa tổng đài trung tâm, còn truy cập không dây có thể sử dụng ở những nơi có mật độ thuê bao từ thấp tới trung bình và có vị trí cách xa nhau và khó áp dụng mạng cục bộ./.

Theo ICTnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất