Bên cạnh
những quan ngại về khả năng phát triển của Hải quân Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều
lợi ích kinh tế và chiến lược trực tiếp ở Đông Nam Á. Ấn Độ phát triển các mối
quan hệ chiến lược với các nền kinh tế đang bùng nổ của Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á (ASEAN) với hy vọng tăng kim ngạch thương mại song phương lên mức 200
tỷ USD trong thập kỷ tới.
Là đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN, Ấn
Độ nhiều lần khẳng định cam kết tự do hàng hải trên Biển Đông và cảnh báo chống
lại các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh hàng hải.
Để đối phó
với hành động khiêu khích của Trung Quốc, trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh
ASEAN-Ấn Độ cuối năm 2012, nhiều nước Đông Nam Á đã tìm kiếm vai trò và can dự
lớn hơn của Ấn Độ nhằm đảm bảo ổn định và ngăn chặn hành động quyết đoán Trung
Quốc ở Biển Đông. Thực tế, cả Ấn Độ cũng như ASEAN ngày càng quan ngại trước sự
quyết đoán và khả năng của Hải quân Trung Quốc.
Tháng
11/2012 đánh dấu một bước ngoặt trong quan điểm của Ấn Độ đối với các tranh chấp
ở Biển Đông sau khi các tàu hải giám của Trung Quốc quấy rối tàu khảo sát địa
chấn Bình Minh 02 của Việt Nam ở các lô khí đốt do Công ty Khí đốt Tự nhiên của
nhà nước Ấn Độ (ONGC) trực tiếp đầu tư.
Sau khi xảy ra sự kiện, Đô đốc
Hải quân Ấn Độ DK Joshi lên tiếng cảnh báo hành động khiêu khích của Trung Quốc:
“Khi tình hình đòi hỏi, chúng tôi sẽ đến và sẵn sàng có mặt thường xuyên trong
khu vực này.” Tuyên bố của Đô đốc Hải quân Joshi được đưa ra cùng lúc Ấn Độ và
Trung Quốc đang bắt đầu vòng đàm phán mới về tranh chấp biên giới giữa hai nước
từng gây ra cuộc chiến tranh năm 1962 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan
hệ song phương kể từ đó.
Những năm gần đây khu vực chứng kiến các tranh
chấp lãnh hải leo thang giữa Trung Quốc - nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn
bộ Biển Đông và tiếp tục theo đuổi cơ chế giải quyết tranh chấp song phương -
với một số nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam.
Năm 2012 đánh
dấu tình hình an ninh khu vực ngày càng xấu đi khi ASEAN không thống nhất quan
điểm chung về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) bắt buộc để giải quyết các tranh chấp lãnh
hải. Nhưng tình hình càng trở nên tồi tệ khi các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc
tiến hành một loạt hành động khiêu khích, từ phát hành loại hộ chiếu mới trong
đó mô tả đầy đủ các tuyên bố chủ quyền khắp châu Á của Bắc Kinh đến loan báo các
quy định gần đây của chính quyền Hải Nam cho phép cảnh sát biển lục soát và ngăn
chặn các tàu thuyền nước ngoài xuất hiện trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên
bố chủ quyền và loại bản đồ chính thức mới của Trung Quốc mô tả các vùng lãnh
thổ trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).
Theo truyền
thống, Hải quân Ấn Độ (IN) thường tập trung tuần tra và bảo vệ các lợi ích quốc
gia ở các vùng biển kéo dài từ eo biển Hormuz thuộc Vùng Vịnh đến Ấn Độ Dương và
eo biển Malacca. Sự phát triển nhanh chóng trở thành một cường quốc hải quân khu
vực của Trung Quốc đã thôi thúc Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa Hải quân và phát
triển khả năng viễn chinh.
Từ năm 2000-2012, chi phí quân sự hàng năm
của Hải quân Ấn Độ tăng từ 15% lên 19%, đồng thời Hải quân Ấn Độ thường xuyên
tham gia các cuộc diễn tập chung với các nước đồng minh trong khu vực, đặc biệt
là với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Ngoài ra, theo kế hoạch, Hải quân Ấn
Độ sẽ tiếp tục mua sắm các vũ khí trang thiết bị hiện đại trong những năm tới
như tàu sân bay mới, các tàu ngầm hiện đại của Pháp, tàu ngầm hạt nhân sản xuất
trong nước và nhiều máy bay chiến đấu hiện đại.
Mặc dù chính sách "trở
lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ đã được thể hiện bằng những cam kết
quân sự và chiến lược mới với các đối tác khu vực, song Philippines và Việt Nam
vẫn tìm kiếm sức mạnh của Ấn Độ để ngăn chặn Trung Quốc.
Trong lịch sử,
Ấn Độ đã dũng cảm chống lại Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ cũng như
vấn đề Tây Tạng, nhưng ngoài cam kết của Ấn Độ trong việc bảo vệ các khoản đầu
tư năng lượng ở các vùng biển tranh chấp và thách thức ý đồ phát hành hộ chiếu
mới của Bắc Kinh, thì Ấn Độ lại có giọng điệu ôn hòa trong một số tuyên bố chính
thức.
Hơn nữa, Ấn Độ không phải là một bên trực tiếp liên quan đến các
tranh chấp Biển Đông và còn rất nhiều lợi ích chiến lược của nước này ở Ấn Độ
Dương, thương mại song phương của Ấn Độ với Trung Quốc đang phát triển và đạt 70
tỷ USD/năm, điều đó có nghĩa Ấn Độ không muốn thay mặt ASEAN để mạo hiểm đối đầu
trực tiếp với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Kurshid từng
tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ năm 2012: “Nhiều vấn đề cơ bản ở
Biển Đông không đòi hỏi sự can thiệp của Ấn Độ. Các bất đồng cần được giải quyết
giữa các bên liên quan”./.
Theo Vietnam+