Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 7/2/2013 14:7'(GMT+7)

"Trung-Nhật khó có thể tìm được giải pháp lâu dài"

Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu ngư.

Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu ngư.

Tháng trước, Tokyo tuyên bố rằng, tuân theo luật pháp quốc tế, các phi công của họ có quyền bắn cảnh cáo những kẻ xâm lược không phận của Nhật Bản - hành động mà Nhật Bản mới chỉ một lần sử dụng đến kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Lo ngại rằng những cuộc chạm trán ngày càng tăng theo kiểu "mèo vờn chuột" giữa máy bay và các tàu tuần tra trên biển Hoa Đông sẽ dẫn tới các vụ đụng độ bất ngờ là động năng thúc đẩy những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng, trong đó bao gồm khả năng tổ chức một hội nghị thượng định giữa các nhà lãnh đạo của hai nước.

Tuy nhiên, những nghi kỵ sâu sắc, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng khu vực và chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao, cùng với đó là những ký ức cay đắng của Trung Quốc về sự xâm lược của Nhật Bản trước đây khiến cho khả năng nối lại quan hệ giữa hai nước là rất mong manh.

Andy Gilholm của Hãng tư vấn Kiểm soát Rủi ro nói: "Khả năng lớn là hai bên cuối cùng cũng sẽ tìm một giải pháp rút lui mà vẫn giữ thể diện. Song tôi cho rằng đó chỉ là sự rút lui về mặt hình thức. Có vẻ như hai bên sẽ không có khả năng đạt được một giải pháp lâu dài cho vấn đề này."

Sau làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải chịu đựng sự sụt giảm trong trao đổi thương mại với Trung Quốc, và các khoản đầu tư của Nhật vào Trung Quốc đang đứng trước nhiều rủi ro nếu mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên tiếp tục kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn. Do đó, sức ép nhằm tìm ra một giải pháp cho vấn đề tranh chấp giữa hai nước ngày càng lớn.

Đồng minh của Nhật là Mỹ - quốc gia đang chuyển trọng tâm chính sách hướng tới khu vực châu Á - đã phát đi thông điệp rằng Washington không muốn chứng kiến xung đột quân sự do tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - quần đảo mà Washington cho là nằm trong hiệp ước an ninh với Tokyo.

Một loạt chính trị gia của Nhật, trong đó có cả cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama - hiện là đối tác liên minh của Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Shinzo Abe - đã có chuyến thăm Bắc Kinh trong những tuần gần đây. Yoshihide Soeya, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á tại Đại học Keio ở Tokyo, nói: "Những chuyến thăm này được phía Trung Quốc đưa tin rất cặn kẽ. Trung Quốc nói với người dân của họ rằng đây là lúc thử nghiệm điều gì đó mới mẻ."

Ông Abe vừa trở lại cương vị người đứng đầu chính phủ Nhật Bản hồi tháng 12/2012 sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nói rằng ông sẵn sàng tham gia hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Phó chủ tịch đảng LDP Masahiko Komura có thể sẽ tới Trung Quốc để xây dựng nền tảng cho hội nghị này. Mặc dù vậy, sẽ không có buổi gặp gỡ nào diễn ra trước khi ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013.

Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên năm 2006, ông Abe đã nhanh chóng tìm cách cải thiện quan hệ Trung-Nhật. Nhiều quan chức trong Chính phủ Nhật Bản và một số chuyên gia cho rằng ông Abe có thể sẽ tiếp tục làm điều tương tự, và chuyến thăm Trung Quốc của ông sẽ giống như chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó nhằm bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ.

Dù vậy, để có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh như vậy sẽ cần có tài ngoại giao khéo léo. Một cựu phi công Nhật Bản và hiện là một chuyên gia về các vấn đề an ninh trong khu vực nói: "Cả hai bên đều muốn giảm căng thẳng, tuy nhiên họ lại không muốn bị coi là mềm mỏng trong con mắt của người dân trong nước."

Ngay cả khi các nhà lãnh đạo của hai nước gặp gỡ để đối thoại thì một thỏa hiệp quan trọng mà trong đó Bắc Kinh đồng ý ngừng cử tàu và máy bay tới khu vực tranh chấp, hoặc Tokyo chấp nhận rằng chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một vấn đề gây bất đồng, có vẻ như sẽ khó đạt được.

Các nhà ngoại giao cho biết tranh cãi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế trong nhiều năm qua, trong khi đó, những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản và việc Nhật Bản quyết định đáp trả đã đẩy những rủi ro lên một mức cao hơn.

Các máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã cất cánh tới 160 lần kể từ tháng 4 đến tháng 10/2012, nhiều hơn tổng số lần cất cánh trong 12 tháng trước đó (tính tới tháng 3/2012); trong khi đó, chỉ tính riêng từ ngày 13/12/2012, khi một máy bay của Trung Quốc vào khu vực mà Nhật coi là không phận của họ, máy bay Nhật đã cất cánh ít nhất 8 lần.

Tháng 1/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố rằng Nhật Bản có thể bắn pháo sáng để cảnh cáo những kẻ xâm lược - động thái mà lực lượng không quân của nước này chỉ sử dụng 1 lần duy nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi một máy bay ném bom của Liên Xô xâm phạm không phận của Nhật ở tỉnh Okinawa. Vụ việc này kết thúc khi Mátxcơva đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên, nếu lần này điều tương tự xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc, sự việc khó có thể được giải quyết dễ dàng như vậy.

Một rủi ro khác có nhiều khả năng xảy ra là va chạm xảy ra khi tàu tuần tra biển của hai nước đi lại tại khu vực tranh chấp, hay khi tàu của các nhà hoạt động Trung Quốc cố gắng đi tới một trong số những hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật Bản cho rằng căng thẳng vẫn tiếp tục tồn tại, do đó Bộ Quốc phòng nước này đang xem xét việc triển khai các máy bay chiến đấu F-15 và cử các máy bay tuần tra tới một chuỗi đảo khác gần quần đảo tranh chấp để có thể nhanh chóng phản ứng khi xảy ra biến động.

Cựu nhà ngoại giao Nhật Bản Hitoshi Tanaka, người đứng đầu Viện Chiến lược Quốc tế tại Tokyo, nói: "Ít nhất hai bên đã có những nỗ lực nhằm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu"./.

Theo TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất