Thứ Sáu, 20/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 21/7/2017 16:43'(GMT+7)

An Giang: Thông tin chuyên đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”

Ngày 21/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Hội nghị đã mở đường truyền trực tuyến tới 11 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với số lượng trên 820 đại biểu tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông tin “Chuyên đề cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những tác động cuộc sống”, nội dung tập trung vào các vấn đề lớn đó là những đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; một số tác động của cuộc cách mạng này đến kinh tế - xã hội của nước ta…

Theo PGS, TS Hồ Thanh Phong: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (đang diễn ra từ những năm 2000, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tập trung vào số hóa, kết hợp hệ thống thực và hệ thống ảo khiến ranh giới giữa ngành dịch vụ với nông nghiệp và công nghiệp bị thu hẹp. Cuộc cách mạng có quy mô và tốc độ phát triển chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực tương tác thúc đẩy lẫn nhau như: công nghệ thông tin, công nghệ nano. Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại trên các lĩnh vực tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Cuộc cách mạng cũng đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới... Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể sẽ làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, ảnh hưởng tới môi trường và tạo ra bất bình đẳng xã hội.

Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động đến Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, từ trung đến dài hạn. Nếu đi đúng hướng và bắt đúng nhịp, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển nhưng nếu ngược lại, Việt Nam sẽ bị tụt lại xa hơn. Vì thế, Việt Nam cần thực hiện một chương trình nghị sự kép. Theo đó, Việt Nam tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội và môi trường còn tồn động từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây, nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt đề nghị cấp ủy các cấp, cán bộ chủ chốt của tỉnh và mỗi cán bộ, đảng viên, các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để hiểu sâu, nắm vững những nội dung, quan điểm trong Chuyên đề; từ đó liên hệ thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế. Xem đây là cơ hội mới, động lực mới để đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội dựa trên cách tiếp cận mới về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng ngành, từng địa phương. 

Đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân An Giang am hiểu đầy đủ hơn về những tác động đối với đời sống xã hội, những thách thức và thời cơ mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Các cấp, các ngành tập trung quán triệt, triển khai thực tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lồng ghép với triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Nghị định 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 36a của Chính phủ... nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất, tạo thêm nhiều sản phẩm có giá trị và có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển hạ tầng du lịch; thực hiện theo định hướng của Chính phủ về phát triển nền nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh. Triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Quốc Hùng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất