Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 6/6/2013 22:43'(GMT+7)

An Giang:Triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế học sinh bỏ học

Ngày 5/6, tại Hội trường UBND tỉnh An Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Biên Cương chủ trì hội nghị. Đến dự có các đồng chí: Lê Hồng Khâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; TS. Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương thường trú tại An Giang; tại đầu cầu 11 huyện, thị, thành phố có các đồng chí đại diện thường trực huyện, thị, thành ủy, thường trực UBND huyện, thị xã, thành phố, đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; đại diện Ban giám hiệu các trường THPT trên địa bàn, các tập thể, cá nhân được khen thưởng về dự.

          Trước thực trạng học sinh cấp trung học cơ sở và Trung học phổ thông bỏ học có xu hướng tăng cao trong nhiều năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành chỉ thị số 30-CT/TU về hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 15/KH-UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. 
         
        
5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, góp phần tạo sự thống nhất cao về những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, từ đó xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế tại từng địa phương, đơn vị, đồng thời phân công trách nhiệm cho từng ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế học sinh bỏ học. Qua đó, đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp uỷ đảng chính quyền, ban ngành, đoàn thể và người dân về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác chống bỏ học. Công tác tuyên truyền, triển khai chủ trương phát triển giáo dục – đào tạo, hạn chế học sinh bỏ học được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, bám sát địa bàn, đối tượng học sinh và gia đình học sinh. Nhiều hoạt động trong “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” đã góp phần cho công tác huy động học sinh đầu năm học đạt hiệu quả cao. Kết quả sau 5 năm tập trung thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU, đến nay đã cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng “ngồi nhầm lớp”, chỉ trừ cá biệt số ít trường hợp; tỷ lệ học sinh học tập yếu, kém giảm dần. Tình trạng học sinh bỏ học ở hầu hết các cấp học đã có nhiều cải thiện đáng kể và đang trong xu hướng giảm dần.
          
         So với năm đầu tiên triển khai thực hiện Chỉ thị (năm học 2007-2008), đến cuối năm 2011-2012, tỷ lệ huy động học sinh bậc tiểu học đến bậc Trung học phổ thông tăng dần theo từng năm, tỷ lệ học sinh bỏ học đang trong xu hướng giảm, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Điều đó khẳng định các giải pháp đã được nêu ra trong Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt.

          Kết quả huy động học sinh đến trường và hạn chế học sinh bỏ học so với năm đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 30- CT/TU (năm học 2007- 2008), đến cuối năm học 2011- 2012, tỷ lệ huy động học sinh các cấp tăng dần theo từng năm. Cụ thể, ở cập tiểu học và trẻ 6 tuổi qua 5 năm tỷ lệ huy động đều đạt 100%; cấp THCS năm học 2007- 2008 huy động 86,73%, đến năm học 2011- 2012 nâng lên 99,59%. Cấp THPT năm học 2007- 2008 huy động 90,03%, đến năm học 2011- 2012 nâng lên 95,80%. Về tỷ lệ học sinh bỏ học cũng đang trong xu hướng giảm dần. Cụ thể tỷ lệ học sinh bỏ học (cả năm) năm học 2007- 2008 ở cấp tiểu học là 2,45%, cấp THCS là 9,17%, cấp THPT là 7,12%, thì đến năm học 2011- 2012 tỷ lệ học sinh bỏ học (cả năm) ở cấp tiểu học còn 1,26%, cấp THCS là 5,61%, cấp THPT là 6,83%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế trong công tác hạn chế học sinh bỏ học như: Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp tuy có giảm nhưng vẫn còn khá cao, thiếu bền vững; tình trạng học sinh bậc trung học bỏ học do có hoàn cảnh khó khăn còn chiếm đa số. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện theo phong trào, chủ yếu ở dịp đầu năm học, chưa xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; chưa kịp thời sơ kết, rút kinh nghiệm, thậm chí có nơi “ khoán trắng” cho ngành Giáo dục, nhà trường, hội khuyến học… Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nắm chắc nội dung của Chỉ thị 30-CT/TU và Kế hoạch số 15/KH-UBND nên chưa năng động, sáng tạo trong công tác chống bỏ học. Sự phối hợp giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số nơi thiếu thường xuyên; hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế, trong khi tỷ lệ học sinh bỏ học ở vùng này luôn cao hơn vùng thuận lợi khác…

 Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học tập trung chủ yếu do một bộ phận cha mẹ học sinh và bản thân học sinh chưa có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lợi ích, ý nghĩa của việc học tập. Ngoài ra học sinh còn bỏ học do hoàn cảnh gia đình có kinh tế khó khăn phải nghỉ học đi lao động cùng gia đình và nhiều lý do khác… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan của ngành giáo dục, đó là nhiều nhà trường chưa quan tâm xây dựng trường học thân thiện, thiếu sân chơi lành mạnh và tổ chức những hoạt động hấp dẫn cho học sinh; học sinh học yếu, kém dẫn đến chán nản rồi bỏ học...

Hội nghị cũng lần lượt được nghe các tham luận của đại diện Huyện uỷ Chợ Mới, UBND TP Long Xuyên, Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (Tân Châu), Hội Khuyến học huyện Châu Thành, Đảng uỷ xã Khánh Hoà (Châu Phú; cùng ý kiến tham gia thảo luận của các huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Hội Khuyến học tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo xoay quanh đánh giá kết quả thực hiện việc triển khai, các giải pháp cụ thể trong thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU cùng các kiến nghị liên quan.

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lý Thanh Tú khẳng định: Ngành giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã chủ động và tích cực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, học sinh ngồi nhầm lớp như: Tháng hành động vì giáo dục; quà tiếp sức đến trường; thanh tra, kiểm tra định kỳ về công tác huy động học sinh đến trường, chống bỏ học; phát huy mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường và thực hiện yêu cầu “3 biết” (biết tình hình học tập. đạo đức của con em mình để phối hợp giáo dục; biết tình hình hoạt động và khó khăn của nhà trường để tham gia hỗ trợ; biết chủ trương, chính sách về công tác giáo dục và đào tạo để cùng thực hiện; hoạt động phối hợp không phải nói chung chung, phân định rất rõ công việc thuộc ngành nào nhưng đều có tương tác lẫn nhau. Đồng thời, cũng đề ra một số giải pháp trong thời gian tới nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học như: Hỗ trợ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, về lâu dài là chăm lo vấn đề an sinh xã hội; cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác phối hợp các ngành liên quan với ngành giáo dục, trong đó trọng tâm là mối quan hệ 03 môi trường giáo dục "Gia đình – Nhà trường và Xã hội"; vai trò tham mưu của hiệu trưởng nhà trường trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục; phối hợp với tỉnh bạn trong việc tạo điều kiện cho các em học sinh theo cha mẹ làm ăn xa được chuyển trường thuận lợi  để tiếp tục việc học; duy trì việc kiểm tra chất lượng đầu năm để ngăn ngừa tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp và tránh hiện tượng biến tướng tiêu cực…

Cũng tại Hội nghị, ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác bỏ học phải tập trung các giải pháp  ngăn chặn học sinh bỏ học đối với học sinh cấp THCS nhiều hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; chống bệnh thành tích; chủ động giảm tải để chương trình học tránh áp lực cho học sinh và giáo viên; tăng cường các hoạt động ngoại khóa giáo dục, trang bị cho học sinh biết ứng xử với xã hội, giáo dục kỹ năng sống; công tác tuyên truyền cần quan tâm đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp; tiếp tục phát huy hơn nữa công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và các sở, ngành liên quan, trong đó phát huy vai trò nồng cốt hội khuyến học các cấp để kịp thời giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường hạn chế tình trạng học sinh bỏ học nhất là vào dịp hè.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Biên Cương nhấn mạnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục triển khai  có hiệu quả Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 19/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức quá triệt sâu rộng và triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 28/02/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế"; các cấp uỷ, chính quyền tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể tiếp tục triển khai  thực hiện tốt Chỉ thị 30-CT/TU; định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, đề ra những giải pháp có hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tại địa phương, đơn vị. Đồng thời cũng lưu ý trách nhiệm chuyên môn của ngành giáo dục, các trường; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và nhân rộng các mô hình đang phát huy hiệu quả; Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức các cấp triển khai tốt phong trào khuyến học, khuyến tài...

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 15 cá nhân có nhiều đóng góp trong 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hạn chế tình trạng học sinh bỏ học./.    

         Trường Giang                                                
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất