Thứ Năm, 5/12/2024
Khoa giáo
Thứ Sáu, 19/8/2022 9:56'(GMT+7)

An Giang triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Trường Giang)

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Trường Giang)

Ngày 18-8, Đoàn công tác Trung ương có các đồng chí: đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; các Viện có liên quan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Đề án - Trưởng đoàn đã đến làm việc tại An Giang, khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đồng chí Trần Anh Thư, Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Thái Thúy Xuân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp đoàn và đồng chủ trì buổi làm việc; đến dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

NHIỀU KẾT QUẢ QUAN TRỌNG

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Tầng Phú An, TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nêu rõ: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, hoạt động KH&CN của tỉnh An Giang thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước góp phần phần quyết định vào việc nâng cao tốc độ tăng trưởng, ổn định kinh tế, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà tỉnh đặt ra hằng năm. Các luận cứ khoa học đã đảm bảo cho việc hoạch định các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh. Đầu tư, ứng dụng KH&CN, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, rau màu…). Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống được chú trọng đã góp phần tăng năng suất, tạo sản phẩm có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao và tăng cường tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập ở các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; chọn tạo được các bộ giống có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp cho vùng trồng tránh lũ; giống có khả năng chịu ngập, chịu hạn, chống chịu được sâu bệnh hại chính và có phẩm chất tốt; giống lúa thơm; giống chống chịu rầy nâu; chịu thâm canh... góp phần làm đa dạng bộ giống lúa có năng suất, chất lượng tốt, giải quyết được vấn đề thoái hóa giống và phục vụ phát triển lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa giống trên địa bàn Tỉnh; nghiên cứu thành công và chuyển giao các quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lăng, cá linh ống, cá leo, cá heo, chạch lấu, cá trèn bầu, lươn đồng, cá rô biển... đã góp phần đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản của địa phương và phát triển kinh tế - xã hội.

CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC THAM MƯU QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT

Phát biểu tại buồi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Thúy Xuân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt  Nghị quyết và và các văn bản có liên quan cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; định hướng, chỉ đạo Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đăng, phát các tin, bài về tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong các doanh nghiệp về vai trò động lực then chốt của khoa học và công nghệ, nhằm nâng cao sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; phối hợp các đơn vị chức năng và địa phương tổ chức tập huấn ở 11 huyện, thị, thành phố cho gần 3.200 đại biểu tham dự; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy…

Đoàn công tác đi khảo sát hoạt động sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Trang trại hữu cơ Bảy Núi (Tổ 4, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên)

Đoàn công tác đi khảo sát hoạt động sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Trang trại hữu cơ Bảy Núi (Tổ 4, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên)

NHỮNG KINH NGHIỆM QUÝ

Trên cơ sở đó, tỉnh đã đưa ra một số bài học, kinh nghiệm:

Một là, để KH&CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển KT-XH thì cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh; thật sự coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quyết sách hàng đầu, trở thành động lực chính để nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản chủ lực và nâng cao thu nhập cho nông dân An Giang;

Hai là, cần tạo sự đồng bộ về thể chế giữa chủ trương, pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH&CN; tăng cường rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản pháp luật lĩnh vực KH&CN còn bất cập, chóng chéo gây cản trở cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển triển công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Ba là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới, hợp lý hóa cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý và hoạt động; tăng cường tiềm lực KH&CN, đặc biệt là nguồn nhân lực và tài lực của tỉnh nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới;

Bốn là, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách với những cơ chế đặc thù để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Anh Thư chia sẻ, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm của hoạt động KHCN trong thời gian qua, phân tích, làm rõ những khó khăn, thách thức, những vấn đề đặt ra của địa phương. Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Đoàn báo cáo với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  đề xuất với Chính phủ có cơ chế, chính sách tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho An Giang nói riêng, các tỉnh, thành trong cả nước nói chung; định hướng các tập đoàn lớn đi vào đầu tư từng lĩnh vực cụ thể; đảm bảo luật pháp cho sở hữu trí tuệ…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho rằng, qua khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh cho thấy, An Giang triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đồng chí cho rằng, trong 10 năm qua, mặc dù tỉnh khó khăn về điều kiện ngân sách, nhưng lãnh đạo tỉnh chú trọng và có sự quan tâm đầu tư, dành nguồn ngân sách cho hoạt động KHCN trên 1%, phù hợp theo khả năng điều kiện của tỉnh. Đồng chí đánh giá cao tính sáng tạo của lãnh đạo tỉnh trong việc lựa chọn hướng đi linh hoạt trong cách lựa chọn đầu tư các lĩnh vực mang tính động lực, có thế mạnh như cây lúa, cá tra, vật liệu xây dựng…để đầu tư mang lại hiệu quả tích cực; tranh thủ các doanh nghiệp có qui mô lớn để đầu tư trên lĩnh vực KHCN…

Buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác đi khảo sát hoạt động sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Trang trại hữu cơ Bảy Núi (Tổ 4, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên); Khảo sát hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Nhà máy - Công ty TNHH Tân Kỷ (Đường Điện Biên Phủ, xã An Tức, huyện Tri Tôn) có ứng dụng khoa học kỹ thuật./.

Trường Giang

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất