Thứ Sáu, 22/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 18/8/2022 22:19'(GMT+7)

Hài hoà phát triển kinh tế và BVMT hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác BVMT đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội.

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo vệ môi trường còn có những tồn tại, hạn chế.  Môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Nhân loại vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép” do đại dịch Covid, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay.

Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước. Nếu hành động chậm chễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo Trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân.

Bài học thành công từ phòng chống đại dịch vừa qua cho thấy, chúng ta chỉ có thể đảo ngược xu thế gia tăng ô nhiễm, suy giảm các hệ sinh thái khi có sự chung tay, đoàn kết, sẻ chia quốc tế dựa trên nguyên tắc công lý, công bằng giữa các quốc gia và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị; trong đó Nhà nước cần kiến tạo thể chế; doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân”.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề bảo vệ môi trường đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm; trong đó đã đề nhiều ra mục tiêu cần phải đạt được từ nay cho đến năm 2025 như bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đạt 2,7 triệu ha;… 

Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu bảo vệ môi trường trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay, trái phiếu chính phủ, ... để xây dựng, triển khai Chương trình/dự án về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần tiếp tục tập hợp, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng khác và cộng đồng dân cư tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương ban hành các văn bản triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai các nội dung của Luật vào thực tiễn địa phương, đặc biệt là những nội dung mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bảo đảm bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách của địa phương cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của tất cả mọi người. Vì thế mà chủ đề của hội nghị "Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững" như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường. Đồng thời ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá trong phát biểu chỉ đạo, 5 năm vừa qua, chúng ta thấy được đóng góp rất lớn của ngành TN&MT và các lĩnh vực về bảo vệ tài nguyên mà chúng ta đã thực hiện được. Hệ thống chính sách, pháp luật có bước phát triển đột phá với việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, làm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác bảo vệ môi trường. Đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp, nhất là trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Nhiều dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư. Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng.

Để phát triển đất nước theo hướng bền vững,  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững chúng ta đưa lên hàng đầu. Các địa phương, các ngành cần chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực. Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp

Bên cạnh đó, các địa phương từ trung ương đến địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn để thu hút, phát triển, giải quyết các vấn đề môi trường.

Môi trường đã có sự tiến bộ trong 30 năm qua nhưng vẫn còn những thách thức. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân./.

Lan Hương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất