Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 3/1/2020 21:19'(GMT+7)

An Giang: Truyền thông về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông

TS. Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT báo cáo chuyên đề tại Hội nghị.

TS. Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT báo cáo chuyên đề tại Hội nghị.

Đây cũng là dịp  giúp cho hệ thống chính trị và các lực lượng GD&ĐT, nhất là của đội ngũ quản lý, cốt cán của ngành nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc về Chương trình GDPT mới 2018, từ đó lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng trong tỉnh.  Chương trình GDPT mới  sẽ được triển khai vào năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1 và các năm học sau theo lộ trình quy định tại Thông tư số 32/2018 của Bộ GD&ĐT.

Tham dự hội nghị, có các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT; Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh; Thường trực UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo ban tuyên giáo; các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở giáo dục đào tạo; giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. TS. Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT báo cáo chuyên đề tại Hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm phát biểu tại Hội nghị

Những điểm mới, cốt lõi Chương trình gáo dục phổ thông  

Báo cáo chuyên đề nêu rõ, Chương trình GDPT ban hành kèm theo Thông tư số 32/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới. Đây ccũng là những điểm mới, cốt lõi trong Chương trình GDPT mới. Theo TS. Vũ Đình Chuẩn, Chương trình GDPT mới đã thể hiện khá chi tiết về cơ sở pháp lý, quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực; kế hoạch giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông…  

Vấn đề quan trọng là các cấp ủy, chính quyền cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp cận nhanh, chặt chẽ các điểm mới, cốt lõi trong Chương trình để vận dụng phù hợp vào tình hình thực tiễn của địa phương; tiếp tục phối hợp, chung sức cùng ngành GD&ĐT, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, TS. Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, thực hiện chủ trương đổi mới Chương trình GDPT, ngành đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và địa phương tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất các điều kiện, phù hợp khả năng về tài chính, nguồn lực …của tỉnh để thực hiện Chương trình GDPT năm học 2020-2021.

Theo đó, về cơ sở vật chất, tăng cường sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; có kế hoạch mua sắm, đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh, cảnh quan sư phạm nhà trường bằng nguồn ngân sách, xã hội hóa... 

Về lực lượng, hiện nay, toàn ngành có khoảng 27.000 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp. Riêng cấp tiểu học chuẩn bị triển khai đầu tiên chương trình GDPT mới cho năm học 2020 - 2021, hiện tại có 8.761 giáo viên tiểu học, tỷ lệ 1,34 GV/lớp, đảm bảo tỷ lệ giáo viên lớp 1 dạy 2 buổi/ngày. Các phòng GD&ĐT huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trung học đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung và bồi dưỡng đội ngũ.

Chuẩn bị các bước về chuyên môn

Ngành nghiêm túc triển khai đổi mới dạy học và công tác quản lý đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá. Triển khai đầy đủ các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý cốt cán và giáo viên về đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh và việc đổi mới công tác quản lý trong nhà trường. Tham gia thí điểm thực hiện mô hình trường học mới, đồng thời vận dụng các yếu tố tích cực của mô hình trường học mới trong chỉ đạo dạy học và kiểm tra đánh giá đối với chương trình hiện hành. Chỉ đạo giảng dạy tích hợp, lồng ghép giáo dục di sản, xây dựng các chuyên đề, giáo án điện tử, bài giảng e-leaning một cách sinh động và đa dạng. Môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân chú trọng đi thực địa các di sản tại địa phương và trong tỉnh, từ đó học sinh tự nghiên cứu, đồng thời viết thu hoạch sau mỗi chuyến đi mang lại những hiệu quả rất tích cực.

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện chương trình nhà trường theo hướng tự chủ; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn hỗ trợ chuyên môn cho các trường và giáo viên; việc đổi mới cần đi sâu, cụ thể từng bài, từng tiết học, không mang tính hình thức, đối phó.

Triển khai thực hiện tốt hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong việc lựa chọn sách giáo khoa, trước hết là đối với lớp 1.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Điễm bày tỏ mong muốn đội ngũ quản lý giáo dục An Giang sẽ có được những nhận thức đúng và đầy đủ về Chương trình GDPT năm 2018, làm tiền đề quan trọng cho việc triển khai các bước tiếp theo, đặc biệt là việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tới ở các cơ sở giáo dục.

Tin và ảnh: Trường Giang

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất