THƯỜNG XUYÊN ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CHẤT LƯỢNG BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng; củng cố, kiện toàn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh để tổ chức hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu.
Phát huy vai trò của toàn Đảng, các cấp ủy và đảng viên trực tiếp làm công tác tuyên truyền miệng. Các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã chú trọng tập trung xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vừa có phẩm chất đạo đức, vừa có năng lực làm lực lượng nòng cốt thông qua các hội thi: Báo cáo viên giỏi, Bí thư chi bộ giỏi, Kể chuyện về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh… từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Hằng năm, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên đề, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ. Hằng tháng, đội ngũ này đều tham gia hội nghị do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ban tuyên giáo cấp huyện tổ chức. Một số kỳ hội nghị báo viên được thực hiện luân phiên giúp đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có điều kiện học tập kinh nghiệm và tham quan các mô hình thực tế của các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện hoạt động, thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình dư luận xã hội. Từ đó, Vĩnh Phúc đã kịp thời phát hiện những cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, có ý thức và tuân thủ kỷ luật phát ngôn, có năng lực tiếp thu, truyền đạt để khuyến khích, đào tạo bổ sung vào đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Song song với đó, các báo cáo viên được tạo điều kiện về chế độ, chính sách, cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đội ngũ báo cáo viên được lựa chọn là những cán bộ nắm giữ ở nhiều cương vị khác nhau, có kinh nghiệm công tác trên các lĩnh vực và trong việc truyền đạt nội dung. Đảng ủy các xã, phường, thị trấn thường xuyên tập trung rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng chất lượng hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên. Trong đó, xác định mỗi đồng chí cấp ủy, bí thư chi bộ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể cơ sở là một báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo các cấp thường xuyên đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Qua đó, không ngừng nâng cao trách nhiệm, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; phát huy được khả năng, vai trò, sự sáng tạo của mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên; nội dung, đối tượng tuyên truyền phong phú hơn, chất lượng hiệu quả hơn.
Vĩnh Phúc hiện có: 5 báo cáo viên Trung ương; 15 báo cáo viên cấp tỉnh: 248 báo cáo viên cấp huyện và 2.008 tuyên truyền viên cấp cơ sở.
|
Thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW của Ban Bí thư khoá X về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”, đến nay, hầu hết Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân, các ban, ngành quản lý nhà nước cùng cấp để triền khai, cụ thể hóa việc thực hiện sát với điều kiện thực tế của địa phương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã mời hàng trăm lượt cán bộ lãnh đạo của các ban, sở, ngành cấp tỉnh tới dự và trực tiếp thông tin tại hội nghị báo cáo viên. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin thời sự cho hội viên Câu lạc bộ hưu trí trên toàn tỉnh.
LUÔN ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG
Công tác tuyên truyền phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trước những yêu cầu mới, vai trò, chức năng và ưu thế của tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được sử dụng hiệu quả, kết hợp các kênh thông tin tuyên truyền khác để phát huy sức mạnh tổng hợp và hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng như: Lồng ghép với các lớp bồi dưỡng tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị; tăng cường đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền qua các hội thi sân khấu hoá, tuyên truyền bằng mô hình trực quan, thông qua đội chiếu bóng lưu động,...
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên Vĩnh Phúc được củng cố trên ba yếu tố cơ bản, đó là: số lượng, chất lượng và cơ cấu.
|
Phương thức hoạt động tuyên truyền miệng ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh được chú trọng thông qua việc kết hợp, lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các hội nghị chuyên đề, giao ban luân phiên theo cụm, đơn vị.
Phần lớn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, năng động, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền miệng. Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, những phương pháp tuyên truyền mới phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thông qua công tác tuyên truyền miệng, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các cơ chế chính sách của tỉnh..., được phổ biến sâu rộng, kịp thời, đầy đủ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
TUYÊN TRUYỀN MIỆNG LÀ NHIỆM VỤ CỦA MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy nhận thức đúng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ở đó công tác tuyên truyền miệng phát huy được hiệu quả. Chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng công tác tuyên truyền miệng. Xác định công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể và của mỗi cán bộ, đảng viên, Vĩnh Phúc xác định mục tiêu thực hiện toàn xã hội làm công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền miệng vẫn tiếp tục là hình thức tuyên truyền trực tiếp, quan trọng, có hiệu quả nhất trong quần chúng nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên truyền bá, giải thích, phân tích, nêu lên bản chất của những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những vấn đề thời sự quan trọng, những vấn đề mới đặt ra trong cuộc sống... Đồng thời, nắm bắt, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận về tư tưởng, nhận thức và hành động trong xã hội.
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, Vĩnh Phúc tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và kiểm tra nội dung tuyên truyền, tích cực xây dựng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cả về số lượng, chất lượng; quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động, giúp đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Hai là, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Căn cứ vào thực tiễn để xây dựng tiêu chuẩn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, chú trọng về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác phù hợp với yêu cầu hoạt động của từng cấp, từng địa phương, đơn vị. Trên cơ sở tiêu chuẩn, tiến hành quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Kiên quyết thay thế những báo cáo viên, tuyên truyền viên không đủ tiêu chuẩn, thiếu trách nhiệm, hạn chế năng lực.
Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về lý luận, pháp luật,… cho đội ngũ báo cáo viên, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở. Phấn đấu ở cấp nào, ngành nào, tổ chức nào cũng có báo cáo viên, tuyên truyền viên. Vận động và có chính sách phù hợp để động viên những cán bộ của Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu, cựu chiến binh, nhà giáo, những người hoạt động xã hội nhiệt tình, có năng lực và kinh nghiệm làm báo cáo viên, tuyên truyền viên; khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở.
Ba là, Ban Tuyên giáo các cấp tăng cường tham mưu, giúp cấp ủy tổ chức xây dựng đội ngũ, xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch tuyên truyền; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động; tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, bổ sung các quy định, chế độ chính sách đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên; cung cấp tài liệu, tư liệu, bản tin sinh hoạt chi bộ, các trang thiết bị... giúp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên có đầy đủ thông tin, tiếp cận nhanh với những ấn phẩm thông tin mới mang tính thời sự, đa dạng, phong phú, hấp dẫn.
Bốn là, tập trung xây dựng, định hướng nội dung tuyên truyền miệng toàn diện, đa dạng, phong phú đáp ứng được nhiệm vụ chính trị trong từng thời điểm; đồng thời mang tính giáo dục cao, toàn diện như: giáo dục về thế giới quan khoa học, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục lao động, giáo dục đạo đức và lối sống...
Năm là, chú trọng đổi mới về phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thông qua sinh hoạt định kỳ hằng tháng bằng tổ chức hội nghị báo cáo viên trực tuyến, tập trung, luân phiên ở các địa phương. Kết hợp thông báo tình hình với trao đổi kinh nghiệm, định hướng các nội dung tuyên truyền và nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội...
Đẩy mạnh thông tin hai chiều theo hướng dân chủ và tăng cường đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị với nhân dân. Kết hợp chặt chẽ hoạt động tuyên truyền miệng với hoạt động của các phương tiện công tác tư tưởng khác, lấy tuyên truyền miệng làm phương thức hoạt động chủ yếu. Tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi các cấp, kết hợp với tôn vinh, khen thưởng kịp thời những báo cáo viên, tuyên truyền viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền miệng.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, căn cứ đặc điểm, tâm lý, đối tượng thông tin để lựa chọn phương pháp, nội dung thông tin phù hợp. Đồng thời, tích cực đấu tranh, ngăn chặn các thông tin sai, xấu độc./.
Bảo Châu