Báo điện tử hãng truyền thông Sóng Đức (Deutsche Welle) ngày 28/5 có bài
viết đáng chú ý về Đối thoại Shangri-La 2015 với tiêu đề "Tình hình an
ninh Đông Á và Đông Nam Á".
Theo bài viết, Đối thoại Shangri-la năm nay sẽ thảo luận những chủ đề
địa chính trị-an ninh đang rất cấp bách của khu vực, trong đó trọng tâm
là vấn đề Biển Đông và sự cạnh tranh Trung-Mỹ.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tham dự đối thoại năm
nay cũng cho thấy Đức ngày càng quan tâm tới tình hình khu vực có nhiều
diễn biến căng thẳng trên biển thời gian gần đây.
Bài viết đánh giá Trung Quốc đang có sự điều chỉnh chiến lược quân sự
trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho phép Trung Quốc chi
tiêu quốc phòng ngày càng lớn.
Tác giả dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm
(SIPRI) của Thụy Điển cho thấy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã
tăng tới 170% từ năm 2002-2013.
Theo bài báo, nội dung Sách Trắng quốc phòng mà Trung Quốc vừa công bố
ngày 26/5 cho thấy nước này đã đặt vấn đề an ninh biển là ưu tiên hàng
đầu trong chiến lược quốc phòng và tăng cường tiềm lực cho các lực lượng
chiến đấu trên biển gồm hải quân và không quân.
Cũng theo bài báo, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược biển đầy
tham vọng với việc triển khai đồng loạt các nội dung gồm hiện đại hóa
không ngừng lực lượng hải quân, phát triển các vũ khí mới như tên lửa
chống hạm Đông Phong 21D, thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ)
trên biển Hoa Đông tháng 11/2013 và gần đây là đẩy mạnh xây dựng các đảo
nhân tạo trên Biển Đông.
Về chiến lược "Trở lại châu Á" của Mỹ, tác giả cho rằng Mỹ đang thúc đẩy
chiến lược này bằng việc tăng cường hàng loạt các biện pháp cả về quân
sự, ngoại giao và kinh tế, nhất là với hai đồng minh Nhật Bản và
Philippines.
Tác giả dẫn nhận định của giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng
Australia cho rằng Mỹ sẽ ưu tiên lắp đặt và xây dựng các thiết bị quân
sự công nghệ cao nhằm đối phó với những năng lực quân sự mới của Trung
Quốc.
Mỹ cũng hối thúc Nhật Bản gia tăng các năng lực hậu cần, phòng thủ tên
lửa và do thám để sẵn sàng đối phó trong trường hợp xuất hiện xung đột
và leo thang căng thẳng.
Liên quan Việt Nam và Philippines, bài viết nhận định cũng giống như Mỹ,
Nhật Bản đang can dự mạnh mẽ hơn vào các diễn biến trên Biển Đông.
Bài viết cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo
trong thời gian vừa qua đã làm căng thẳng trên Biển Đông tăng cao và cả
Việt Nam lẫn Philippines đều phản đối quyết liệt kế hoạch mở rộng đảo
của Trung Quốc.
Tác giả dẫn nhận định của tiến sỹ Gerhard Will, Viện Khoa học và Chính
trị Đức (SWP) cho rằng sự gia tăng can dự của Mỹ ở khu vực và việc Việt
Nam, Philippines tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ là nhằm cân bằng với
sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc.
Về Indonesia, một chuyên gia Đông Nam Á khác của SWP là tiến sỹ Felix
Heiduk trong trả lời phỏng vấn DW cũng cho rằng vấn đề Biển Đông hiện có
vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống
Widodo, cũng như được Indonesia xem là vấn đề trọng tâm về địa chính
trị-an ninh ở khu vực hiện nay.
Tổng kết bài viết, tác giả dẫn đánh giá của tiến sỹ Will cho rằng những
chủ trương và hành động của các bên liên quan nhằm thích ứng với một môi
trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực vẫn là chưa đủ.
Theo tiến sỹ Will, một cấu trúc an ninh khu vực mới trên cơ sở thỏa hiệp
là điều cấp thiết bởi cấu trúc hiện nay thiếu ổn định, các bên đều tự
do hành động và điều này có thể làm cho tình hình trở nên nguy hiểm
trong dài hạn.
Tác giả bài viết đánh giá cuộc gặp của các bên tại Singapore năm nay có
thể đóng góp nhất định vào việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề an
ninh nóng của khu vực, tuy nhiên khả năng đạt được các giải pháp cụ thể
là không cao và đây là điều mà Đối thoại Shangri-La cần tính tới để hiệu
quả chương trình được nâng tầm hơn nữa trong tương lai./.
(Vietnam+)