Bài 3. Ma-kê-đô-nhi-a: điểm nhấn của cuộc chiến tranh khí đốt giữa phương Tây và Nga
Từ thời Chiến tranh lạnh tới nay, khí đốt tự nhiên được ví như một thứ “vàng xanh” đối với các nước Châu Âu, là “tử huyệt” đối với nền công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày của các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới ở “lục địa già”. Các cơ sở cung ứng khí đốt của Liên Xô/Nga sang Châu Âu được thiết lập dựa trên các thỏa thuận từ những năm 1960, sau đó được mở rộng hơn nữa vào những năm 1970 và 1980 trên cơ sở “Chính sách hướng Đông”, còn được gọi là “Ostpolitik”, do Thủ tướng CHLB Đức Uy-li Bran-tơ (Willy Brandt) đề xuất vào cuối những năm 1960. Đức và I-ta-li-a là hai quốc gia khởi đầu sự liên kết về dầu mỏ và khí đốt giữa Liên Xô trước đây và Nga hiện nay với Châu Âu.
Đến thời điểm này, đa số các nước Châu Âu là bạn hàng khí đốt của Nga, trong đó tỷ lệ nhập khẩu “vàng xanh” từ Nga trong tổng nhu cầu năng lượng của mỗi nước vẫn rất lớn: Lat-vi-a (100%), Lit-va (100%), Ma-kê-đô-nhi-a (100%), E-xtô-ni-a (100%), Phần Lan (100%), Bê-la-rut (98%), Xlô-va-ki-a (98%), Bun-ga-ri(92%), Xec-bi-avà Môn-te-grô (87%), Cộng hòa Sec (77%), Hy Lạp (76%), U-crai-na (66%), Thổ Nhĩ Kỳ (64%), Thụy Sỹ (49%), Ba Lan (49%), Hung-ga-ri (60%), Xlô-ve-ni-a (52%), Áo (49%), Croa-ti-a (37%), Đức (36%), I-ta-li-a (27), Ru-ma-ni (27%), Lúc-xăm-bua (24%), Pháp (14%), Thụy Điển (12%), Bỉ (5%).
Hiện tại, cuộc chiến tranh khí đốt ở châu Âu xoay quanh nhiều tuyến đường ống dẫn khí đốt đã hoạt động và đang dự kiến xây dựng để chuyển khí đốt tới châu lục này, trong đó căng thẳng nhất là cuộc chiến giữa một bên là Mỹ với EU và bên kia là Nga.
Nga hiện đang kiểm soát tuyến khí đốt đi qua U-crai-na, tuyến “Dòng chảy phương Bắc”, tuyến “Dòng chảy Phương Nam” và tuyến “Dòng chảy xanh”
Tuyến từ Nga đi qua U-crai-na sang Châu Âu. Từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, toàn bộ khí đốt từ Nga chuyển đến châu Âu đều đi qua lãnh thổ U-crai-na. Trước đây, ngay cả trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô chưa bao giờ sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí đối với các nước Châu Âu và dòng “vàng xanh” vẫn luôn được cung cấp không ngừng nghỉ cho các bạn hàng trên châu lục này. Sau Chiến tranh lạnh, Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các nước Châu Âu và hiện có tới ¼ trong 80% nhu cầu nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga được vận chuyển qua Ukraina.
Vì thế, U-crai-na có thế độc quyền trong việc cho khí đốt Nga quá cảnh để sang Châu Âu. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng năm 2014, thế độc quyền này của U-crai-na đang bị suy giảm do các mâu thuẫn chính trị phát sinh với Nga và do khó khăn kinh tế. Trong điều kiện đó, EU đã phải vét hầu bao do khủng hoảng nợ để cung cấp cho U-crai-na một gói tín dụng nhằm tạo điều kiện cho Ki-ep thanh toán nợ khí đốt của Matxcơva.
Tuyến “Dòng chảy phương Bắc” (“Nord Stream”) còn được gọi là “Đường ống dẫn khí Bắc Âu” (“North Transgas”) hay “Đường ống dẫn khí Nga-Đức” có sự tham gia của Nga, Đức, Hà Lan và Pháp. Tuyến này do Công ty “Nord Stream AG” liên doanh với Tập đoàn “Gazprom” của Nga (51% cổ phần), các Công ty BASF và E.ON (mỗi công ty 20%) và Công ty N.V. Nederlandse Gasunie (9%) lắp đặt và vận hành. Tuyến này chạy từ Nga thị trấn Ba-ba-e-vô ở tỉnh Vô-lô-gđa tới Graay-ôn (Greifswald) ở Đức.
Tuyến “Dòng chảy Phương Nam” (“South Stream”) là tuyến đường ống dẫn khí đốt do Nga đề xuất hợp tác với các nước châu Âu, được khởi công xây dựng từ năm 2012, nhằm vận chuyển khí đốt từ Nga sang nhiều nước Trung-Đông Âu và Tây Âu, vòng tránh U-crai-na. Bốn chủ đầu tư chính của dự án "Dòng chảy Phương Nam" là Tập đoàn “Gazprom” của Nga (50% cổ phần), Tập đoàn dầu khí Italia ENI (20%) và Công ty “Wintershall”.
Theo thiết kế, "Dòng chảy Phương Nam" sẽ từ Nga đi qua thềm lục địa Biển Đen để tới cảng Vac-na của Bun-ga-ri, rồi từ đó chia thành bốn nhánh đến các nước Trung-Đông Âu và Tây Âu. Tuyến này có tổng chiều dài gần 2.500 km, trong đó 900 km đi qua Biển Đen ở độ sâu tới 2.250 mét, công suất 63 tỷ m3/năm và, theo dự kiến, sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2015.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng U-crai-na, Mỹ đã lôi kéo các nước châu Âu cô lập và cấm vận Nga, trong đó Mỹ đã gây sức ép và buộc Bun-ga-ri từ chối tham gia dự án “Dòng chảy Phương Nam”. Vì Bun-ga-ri là nơi tiếp nhận khí đốt của Nga để từ đó phân phối cho các nước châu Âu, nên một khi họ không tham gia thì dự án này không thể thực thi được. Cực chẳng đã, ngày 1-12-2014, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã phải đưa ra quyết định dừng dự án “Dòng chảy Phương Nam” và chuyển sang đầu tư cho tuyến đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyến “Dòng chảy xanh” (Blue Stream) đì từ bờ Biển Đen của Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ, có chiều dài 1213 km, gồm 3 đoạn. Đoạn 1 đi qua lãnh thổ Nga tới Biển Đen, dài 373km. Đoạn 2 đi qua đáy Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ, dài 396km. Đoạn 3 đi qua trên đất liền của Thổ Nhĩ Kỳ, dài 444 km. Dự án được xây dựng theo thỏa thuận ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1997. Đến năm 2010, tuyến đường ống này đã hoạt động với công suất 16 tỷ m3 /năm.
Theo quyết định của Tổng thống Nga V.Pu-tin, dự án “Dòng chảy xanh” sẽ được nâng cấp và phát triển thành “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sau khi dừng dự án “Dòng chảy Phương Nam”. Từ tháng 10-2014, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất tăng công suất tới 19 tỷ m3 /năm.
Mỹ và EU hiện kiểm soát tuyến “Nabuco”, tuyến ống dẫn khí xuyên biển At-ri-a-tic (Adriatic), riêng Mỹ còn có dự án của xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu.
Tuyến “Nabuco” do EU chủ trương và được Mỹ hậu thuẫn, được khởi công xây dựng từ năm 2009, có chiều dài 3.300 km, công suất 31 tỷ m3/năm, xuất phát từ bờ biển Ca-xpi ở Trung Á, vòng tránh lãnh thổ Nga và U-crai-na, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới 3 nước Châu Âu là Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri và dừng lại ở Áo. Dự án này được coi là "đối thủ" của dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy Phương Nam” do Nga đứng đầu
Mục tiêu của dự án “Nabucco” là hạn chế sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, tiến tới đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt ở châu Âu. Tuy nhiên, đến nay dự án “Nabuco” đã bị dừng lại do EU gặp khó khăn về kinh tế và chưa tiếp cận được với các nguồn khí đốt ở Trung Á do sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.
Để cứu dự án “Nabucco” khỏi bị phá sản, Mỹ đã quyết định “cài đặt lại” quan hệ với I-ran, theo đó chấp nhập cho Tê-hê-ran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình theo thỏa thuận khung của Nhóm P5+1 với I-ran vừa đạt được ngày 2-4-2015. Đổi lại, Mỹ sẽ lôi kéo I-ran tham gia dự án “Nabucco” để đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt ở châu Âu bởi I-ran sở hữu nguồn khí đốt lớn thứ 2 thế giới, sau Nga.
Tuyến ống dẫn khí xuyên biển At-ri-a-tich, gọi tắt là TAP (Trans-Adriatic Pipeline) được EU chủ trương xây dựng chuyển tải khí đốt từ Biển Ca-xpi và Trung Đông vào thị trường châu Âu, khởi đầu từ Hy Lạp, qua An-ba-ni và Biển At-ri-a-tich tới I-ta-li-a và các nước khác ở Tây Âu. TAP do 3 công ty EGL của Thụy Sỹ, Statoil của Norway và E.ON Ruhrgas của Đức xây dựng, dự kiến chuyển tải 10 tỷ m3 khí đốt/ năm và sẽ tăng lên tới 20 tỷ m3.
Tuyến “Dòng chảy trắng” (” White Stream) là đề án của U-crai-na nhằm chuyển tải khí đốt từ Gru-di-a, qua đáy Biển Đen tới U-crai-na và đi sang châu Âu, vòng tránh lãnh thổ Nga. Đề án này cạnh tranh với đề án “Nabucco” nhưng đã bị phá sản do tình hình bất ổn ở U-crai-na.
Dự án của Mỹ xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu. Mỹ theo đuổi tham vọng lớn kiểm soát toàn bộ thị trường khí đốt châu lục này bằng 3 nguồn. Một nguồn từ Mỹ. Nguồn thứ hai là phát triển công nghệ chế biến dầu và khí đốt từ các mỏ đá phiến của chính các nước châu Âu. Nguồn thứ ba là đưa khí đốt từ các nước Trung Đông do Mỹ kiểm soát tới châu Âu. Hiện nay, đã có 4 hoặc 5 dự án đã được phê duyệt. Trong chuyến thăm châu Âu năm 2014 khi cuộc khủng hoảng U-crai-na lên tới đỉnh điểm, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma từng cam kết với các nước châu Âu là Mỹ sẽ bảo đảm cung cấp khí đốt cho châu lục này, thay thế khí đốt của Nga.
Nghiên cứu các tuyến đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho các nước châu Âu, có thể thấy giữa Mỹ và EU với Nga đang diễn ra cuộc cạnh tranh khí đốt quyết liệt, trong đó U-crai-na là một tâm điểm bởi lãnh thổ nước này là nơi trung chuyển quan trọng nhất để tải khí đốt của Nga sang châu Âu.
Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ khi họ quyết định gây ra cuộc khủng hoảng U-crai-na là cắt đứt tuyến đường dẫn khí đốt của Nga đi qua U-crai-na tới châu Âu và làm phá sản đề án “Dòng chảy Phương Nam”-một đề án của Nga nhằm thay thế tuyến dẫn khí đốt qua U-crai-na.
Trước tình thế khó có thể đảo ngược này, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã đưa ra quyết định chịu mất gần 4 tỷ USD đã đầu tư, dừng vĩnh viễn dự án “Dòng chảy Phương Nam” và chuyển sang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt mới, tuyến “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ngày 7-4-2015, các nước Hy Lạp, Xec-bi, Ma-kê-đô-nhi-a, Hung-ga-ri Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tham gia dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Nhà thầu chính của dự án này là tập đoàn khí đốt “Gazprom”(Nga) và các đối tác đến từ nước ủng hộ dự án.
Ma-kê-đô-nhi-a là quốc gia không chỉ phản đối các biện pháp cấm vận Nga của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga mà điều quan trọng hơn là quyết định tham gia dự án tuyến “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Đây là lý do nặng ký khiến các tổ chức “phi chính phủ” của Mỹ lặp lại kịch bản Maidan ở Kiev để loại bỏ nội các đang cầm quyền ở Ma-kê-đô-nhi-a như họ đã từng loại bỏ chính thể của Tổng thống Yanukovych ở U-crai-na.
Vì sao Mỹ lại chọn Ma-kê-đô-nhi-a làm đột phá khẩu trong cuộc chiến nhằm vào tuyền “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”? Nhìn lên bản đồ Ma-kê-đô-nhi-a dễ dàng nhận thấy, quốc gia này tiếp giáp với Cô-xô-vô-đồng minh chiến lược và là tiền đồn của Mỹ ở Ban Căng-nơi có căn cứ quân sự lớn nhất thế giới của Mỹ. Từ đây, các tổ chức khủng bố và cực đoan dễ dàng thâm nhập Ma-kê-đô-nhi-a và hỗ trợ cho các lực lượng đối lập thực hiện kịch bản Mai-đa ở quốc gia này.
Trước tình hình này, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cáo buộc phương Tây tìm cách kích động một cuộc “cách mạng sắc màu” ở Ma-kê-đô-nhi-a. Trong tuyên bố về cuộc khủng hoảng Ma-kê-đô-nhi-a, Bộ Ngoại giao Nga đã viện dẫn tin truyền thông Xec-bi về vụ một công dân Môn-te-mô-rô bị bắt giữ tại Ma-kê-đô-nhi-a với cáo buộc tiếp tay cho "các phần tử cực đoan An-ba-ni" hoạt động ở Ma-kê-đô-nhi-a.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, đây là bằng chứng thuyết phục về âm mưu của các nhà tổ chức ở phương Tây muốn mượn tay người khác để thực hiện những kịch bản Mai-đam ở Ma-kê-đô-nhi-a. Từ năm 2014 tới nay, các tổ chức “phi chính phủ” của Mỹ, trước hết là “Quỹ xã hội mở” của nhà tỷ phú Mỹ Giooc-giơ Xô-rôt (George Soros), đã mở rộng hoạt động nhằm “thúc đẩy dân chủ” dười hình thức chiến dịch truyền thông lớn nhằm bôi xấu chính phủ Ma-kê-đô-nhi-a thông qua hoạt động tài trợ hàng trăm ngàn USD cho các hoạt động của đảng đối lập ở Ma-kê-đô-nhi-a.
Trong chuyến thăm Xec-bi ngày 15-5-2015, Ngoại trưởng Nga Xec-gây La-vrôp đưa ra nhận định: “Những sự kiện đang diễn ra ở Ma-kê-đô-nhi-a có liên quan đến việc chính phủ nước này từ chối tham gia kế hoạch chống lại Nga của phương Tây. Còn dư luận cũng như giới phân tích thì lo ngại, với kịch bản Mai-đan đang lặp lại ở Ma-kê-đô-nhi-a, quốc gia nhỏ bé vùng Ban-căng này lại đang trở thành chiến trường mới trong cuộc chiến địa-chính trị giữa Mỹ và Nga./.
Đại tá PGS-TS Đồng Xuân Thọ