Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 24/5/2011 11:37'(GMT+7)

An toàn du lịch trên sông

Tàu Dìn Ký. (Nguồn: Dân Trí)

Tàu Dìn Ký. (Nguồn: Dân Trí)

Dư luận vẫn không khỏi xót xa về những thiệt hại vừa xảy ra và lo ngại cho những chuyến tàu du lịch trên sông nước.

Hiện nay, tại các tỉnh Nam Bộ có hàng trăm chiếc tàu, ghe chở khách du lịch trên sông. Nhưng thực tế, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết xem những phương tiện này có bảo đảm an toàn hay không. Trở lại với con tàu của Khu du lịch xanh Dìn Ký bị chìm trên sông Sài Gòn ngày 20-5. Sau khi vụ việc xảy ra, các đối tượng có liên quan đã bị tạm giữ để phục vụ cho công tác điều tra, nhưng trong số đó, không ai xuất trình được các giấy tờ hợp lệ để điều khiển con tàu và phục vụ trên tàu. Dìn Ký là một khu du lịch khá nổi tiếng ở tỉnh Bình Dương. Vào những ngày cuối tuần, nơi đây có hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, ngắm cảnh và ăn uống. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn cho du khách không được coi trọng. Trên những con tàu rất khó nhìn thấy các phao cứu sinh. Hành khách trước khi lên tàu không được phổ biến về công tác bảo đảm an toàn. Hơn thế nữa, việc ăn nhậu trên boong tàu cũng vô cùng nguy hiểm vì lan can thấp, nhiều vị khách quá chén, không làm chủ được hành vi.

Con tàu BD 0913 bị lật ở Khu du lịch xanh Dìn Ký đã hết hạn đăng kiểm vào tháng 2-2011, nhưng không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt theo quy định. Tàu này dài gần 28m, rộng 4m, cao khoảng 6m. Phần chìm dưới nước của nó chỉ hơn 1m, nhưng phần nhô lên khoảng 4,8m, có nhiều vách ngăn che chắn, rất dễ bị lật khi gặp sóng to, gió lớn.

Từ vụ chìm tàu BD 0913, nhiều người không khỏi lo lắng cho những con tàu du lịch khác đang hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Long Xuyên hay Cần Thơ... Tàu du lịch ở những nơi này cũng ngất nghểu, mong manh như con tàu đã chìm. Ngay sau khi vụ tai nạn tàu ở Khu du lịch xanh Dìn Ký, Cảng vụ đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh đã họp khẩn cấp để thông báo tình hình cho các phương tiện chở khách du lịch trên sông Sài Gòn. Ngành chức năng cũng ra quyết định kiểm tra tất cả các phương tiện nói trên trong vòng một tháng.

Được biết, ở Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ có nhiều tàu du lịch trọng tải lớn, có thể chở được từ 400 đến 900 hành khách, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 70% phao cứu sinh. Các thành phần lái tàu, phục vụ trên tàu đa số làm việc theo kinh nghiệm, chứ chưa được đào tạo cơ bản để có bằng cấp theo quy định. Do chưa xảy ra tai nạn, nên nhiều nơi còn chủ quan, xem thường công tác bảo đảm an toàn. Mặt khác, cơ quan đăng kiểm cũng chưa làm hết chức trách của mình, kiểm tra không chặt chẽ và thường xuyên.

Du lịch được ví như ngành "công nghiệp không khói". Nhưng dư luận cho rằng, dù các loại hình du lịch có hấp dẫn và mang lại lợi nhuận đến đâu, cũng phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Có như vậy kinh doanh mới bền vững, thu hút nhiều du khách và đạt hiệu quả kinh tế cao.

(Lê Phi Hùng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất