Tối 16/1, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã bế mạc.
Dấu ấn đậm nét của Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông trong những ngày qua là sự hội tụ hoa văn thổ cẩm đa sắc màu của cộng đồng nhiều dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc và một số quốc gia có nét văn hóa tương đồng như Lào, Campuchia và Indonesia.
Không gian trưng bày tại khu Đảo nổi – hồ Gia Nghĩa, thổ cẩm được thể hiện với nhiều sắc thái, vừa mộc mạc vừa rực rỡ sắc màu đã thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham quan. Đặc biệt, thổ cẩm đã có dịp tỏa sáng trên sân khấu thời trang hiện đại, với sự tham gia của các hoa hậu, người mẫu chuyên nghiêp qua phần trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng có chủ đề "Giấc mơ thổ cẩm".
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, đã diễn ra Hội thảo “Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam”với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thiết kế và nghệ nhân các dân tộc trong cả nước, đưa ra các giải pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm.
Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2019 được tổ chức dịp này, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chiến lược bảo tồn phát triển văn hóa thổ cẩm trong tương lai, với những định hướng cụ thể.
Phát biểu bế mạc bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng ban tổ chức khẳng định, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I đã thành công tốt đẹp. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định dòng chảy của văn hóa Việt Nam không ngừng củng cố và phát triển; mối quan hệ giữa các dân tộc càng đi vào chiều sâu. Đó là tiền đề để các dân tộc giao lưu, trao đổi lẫn nhau cùng quan tâm, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống với lợi ích cộng đồng.
"Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân cả nước trong việc bảo tồn và phát huy hoa văn truyền thống của các dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số cả nước có cơ hội giao lưu học hỏi, học tập trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó. Đặc biệt Lễ hội là cầu nối để nghệ nhân gặp gỡ các nhà thiết kế trong và ngoài nước để tinh hoa văn hóa thổ cẩm với tâm tình gửi đất, gửi trời mang theo thông điệp về tình yêu cuộc sống mãi mãi trở thành một tài sản vô giá của dân tộc và nhân loại", bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nói./.
Theo vov.vn