Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đang xem xét công nhận các yêu sách của làn sóng
biểu tình ngày 30/6 vừa qua cũng như xin lỗi về các "sai lầm" của Tổng thống bị
lật đổ Mohamed Morsi.
Truyền thông Ai Cập ngày 27/8 cho biết những vấn đề trên đã và đang được MB thảo
luận như một phần trong nỗ lực hòa giải với quân đội và Chính phủ lâm thời Ai
Cập, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay thông qua
đàm phán.
Tuy nhiên, ông Mohamed Ali Beshr, cựu Bộ trưởng Phát triển địa
phương và là thành viên của Văn phòng Hướng dẫn - cơ quan điều hành cao nhất của
MB - từ chối nói rõ về sáng kiến trên do không muốn cản trở các nỗ lực đang được
phong trào này xúc tiến.
Trong khi đó, nhật báo Almasry Alyoum dẫn lời
ông Magdy Salem, thủ lĩnh của Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) -
lực lượng do MB dẫn đầu và quy tụ 33 chính đảng, phong trào Hồi giáo ủng hộ Tổng
thống Morsi - tiết lộ sáng kiến trên đã được các nhân vật độc lập "đáng tin cậy,
yêu nước và trung thực" đề xuất và được tất cả các thành viên của NASL ủng
hộ.
Ông Salem cũng cho biết sáng kiến này có đề cập đến các nhà lãnh đạo
quân đội, đồng thời đề xuất ngăn chặn tình trạng đổ máu nhằm chấm dứt các cuộc
biểu tình của NASL, tiếp đó là thỏa thuận về các bước giải quyết cuộc khủng
hoảng chính trị.
Theo ông Salem, người đồng thời là Phó Chủ tịch Đảng Hồi
giáo - nhánh chính trị của phong trào Thánh chiến Hồi giáo - sáng kiến sẽ không
thể được thực thi nếu máu vẫn tiếp tục đổ trên các đường phố, đồng thời chỉ
trích chính quyền tiếp tục bắt giữ các nhà lãnh đạo của MB cũng như những người
biểu tình phản đối cuộc "đảo chính quân sự" trên khắp cả nước.
Nhân vật
này cũng tiết lộ hiện NASL đã nhận được các "bảo đảm" của chính quyền để triển
khai sáng kiến này.
Cùng với thỏa thuận đình chiến giữa quân đội và MB
được tổ chức Al-Gamaa Al-Islamiya và phong trào Thánh chiến Hồi giáo đề xuất
ngày 26/8, cũng như thông tin về các cuộc đàm phán bí mật hiện nay giữa MB với
Chính phủ lâm thời Ai Cập, động thái nói trên là nỗ lực hòa giải mới nhất của
phe Hồi giáo trong bối cảnh hàng trăm thủ lĩnh và thành viên của MB đã bị bắt
giữ hoặc đang bị truy nã, đồng thời các cuộc biểu tình phản đối cuộc "đảo chính
quân sự" diễn ra trong tuần qua không thu hút được số người tham gia như mong
đợi.
Liên quan đến MB, kết quả một cuộc điều tra do Trung tâm nghiên cứu
dư luận Ai Cập (Baseera) công bố ngày 27/8 cho thấy 69% người dân Ai Cập phản
đối tổ chức này tiếp tục tham gia vào lĩnh vực chính trị và chỉ có 6% ý kiến ủng
hộ việc này.
Trong khi đó, 13% số người được hỏi ủng hộ việc cho phép MB
tồn tại với "một số điều kiện," như rời xa lĩnh vực chính trị và chỉ tập trung
vào việc giảng đạo. Ngoài ra, 63% phản đối Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính
trị của MB - tham gia vào cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Cuộc thăm dò dư
luận này được tiến hành từ ngày 19-21/8 trên khắp cả nước với tổng cộng 1.395
người tham gia. Các nhà điều tra cho biết tỷ lệ sai số nằm trong khoảng
3%.
Kết quả này một lần nữa cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Ai Cập
đối với MB đã xuống mức rất thấp sau làn sóng biểu tình rầm rộ ngày 30/6 dẫn tới
việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Mohamed Morsi sau đúng một năm cầm
quyền, đặc biệt là sau khi bùng phát các cuộc đụng độ bạo lực kinh hoàng khi
cảnh sát tiến hành giải tán hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ nhà
lãnh đạo Hồi giáo này tại Cairo và tỉnh Giza kế bên.
Trong một diễn biến
khác, ngày 27/8, quân đội và cảnh sát Ai Cập đã đột kích và bắt giữ 23 nghi phạm
liên quan đến vụ cướp phá và phóng hỏa một đồn cảnh sát tại tỉnh Fayoum ở phía
Nam Cairo. Lực lượng chức năng đã phát hiện một xưởng sản xuất vũ khí trái phép
tại nhà một nghi phạm, thu giữ ba khẩu súng và hàng nghìn viên đạn. Quân đội
cũng bắt giữ một thủ lĩnh của MB tại địa phương này với cáo buộc kích động bạo
lực và phá hoại.
Cũng trong ngày 27/8, hai người ủng hộ Tổng thống bị lật
đổ Mohamed Morsi đã bị bắn chết khi quân đội dùng vũ lực giải tán một cuộc tuần
hành của phe Hồi giáo tại tỉnh Beni Suef ở vùng Thượng Ai Cập.
Các nhân
chứng cho biết hàng trăm người ủng hộ ông Morsi đã tập trung diễu hành trước cửa
một nhà thờ Hồi giáo. Đụng độ bạo lực cũng khiến 6 người khác bị bắn trọng
thương và đang trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Ai Cập
thông báo 106 cảnh sát bị thiệt mạng, trong đó có 27 sĩ quan, và 915 người khác
bị thương trong các cuộc đụng độ bạo lực trên khắp cả nước kể từ ngày 14/8 -
thời điểm lực lượng an ninh tiến hành chiến dịch giải tán hai cuộc biểu tình
ngồi của phe Hồi giáo. Trong khi đó, đã có hơn 1.000 người biểu tình thiệt mạng
và vài nghìn người khác bị thương./.
(TTXVN)