Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và các nước đồng minh chuẩn bị
phát động một chiến dịch can thiệp quân sự đầy mạo hiểm nhằm vào Syria.
Tiếng trống trận đang rộn rã khắp khu vực Trung Đông trong bối cảnh ngày càng có
nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và các nước đồng minh chuẩn bị phát động một chiến
dịch can thiệp quân sự đầy mạo hiểm nhằm vào Syria với cáo buộc quân đội của
Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 tại
một địa điểm ở ngoại ô Damascus gây thương vong lớn cho hàng nghìn dân
thường.
Khi đoàn thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên hợp quốc chỉ mới bắt đầu cuộc
điều tra hiện trường về vụ tấn công được cho là có sử dụng vũ khí hóa học nói
trên, các quan chức Mỹ và châu Âu đã công khai bàn thảo kế hoạch tấn công nhằm
vào quốc gia có chủ quyền này.
Trong khi đó, lãnh đạo một số nước khu
vực gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh cũng đang lớn tiếng hô hào quốc tế can
thiệp vào Syria. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ rằng câu chuyện vũ
khí hóa học ở Syria sẽ tái hiện kịch bản "vũ khí hủy diệt hàng loạt (NMD)" tại
Iraq cách đây một thập kỷ.
Nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra song không
khó tìm ra lời giải đáp về động cơ thực sự của lực lượng đứng sau dàn dựng vở
kịch "NMD phiên bản Syria" này. Trước hết, vụ việc trên được dấy lên trong bối
cảnh quân chính phủ đã và đang giành được những chiến thắng quan trọng. Sau hơn
hai năm đối mặt với lực lượng chống đối được các thế lực bên ngoài hậu thuẫn,
chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không chỉ trụ vững trong thế
trận lòng dân mà còn giành được thế thượng phong trên chiến trường.
Về phần mình,
phe đối lập vũ trang với thành phần ô hợp, trong đó không ít nhóm Hồi giáo cực
đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, lại ngày càng bị suy
yếu, chia rẽ do đấu đá, tranh giành nội bộ và có nguy cơ tan rã nếu không được
"hà hơi, tiếp sức" kịp thời.
Theo các nhà phân tích, lực lượng quân đội
trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad hoàn toàn không có động cơ chiến
thuật, chiến lược và chính trị để tiến hành một cuộc tấn công như vậy, ít nhất
là vào thời điểm này. Như trên đã nói, quân chính phủ đang xác lập vị thế của
mình trên chiến trường bằng việc giành lại các khu vực chiến lược và họ sẽ không
dại dột sử dụng vũ khí hóa học (nếu có) để tạo cớ cho các thế lực bên ngoài can
thiệp vào Syria. Một hành động như vậy sẽ là "tự sát" khi đoàn thanh sát viên vũ
khí hóa học của Liên hợp quốc đang có mặt ở Damascus để tiến hành điều tra về
các vụ việc trước đó.
Do vậy, hoàn toàn có lý do để nghi ngờ rằng quân
chống đối Syria đã cố ý tạo ra thảm kịch nhân đạo ngày 21/8 khiến hơn 350 người
thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.
Nhiều khả năng lực lượng này đã có hành động khiêu khích này nhằm bao
che cho những tổn thất gần đây, đồng thời tạo ra một vụ việc thật "sốc" để thu
hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng
thống al-Assad.
Quả vậy, phe đối lập sẽ có lợi nếu lôi kéo được Mỹ và
các nước đồng minh can thiệp quân sự, trong đó mục đích đầu tiên nhằm vực dậy
tinh thần rệu rã của các chiến binh và chấm dứt ưu thế hiện nay của quân chính
phủ. Mặt khác, một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế từ bên ngoài vào Syria
sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sự chú ý của dư luận trong nước, trong khi đảm
bảo rằng vấn đề ly khai của người Kurd vẫn nằm trong tầm kiểm soát của
mình.
Về phần mình, các nước vùng Vịnh -
vốn ủng hộ mạnh mẽ chính quyền lâm thời hiện nay ở Ai Cập - cũng có lợi khi cuộc
khủng hoảng Syria được hâm nóng trở lại, giúp tạo ra một khoảng lặng cần thiết
cho chính quyền Cairo để xúc tiến lộ trình chuyển tiếp chính trị đang dang dở
sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi và
chiến dịch trấn áp đẫm máu hôm 14/8 đối với hai cuộc biểu tình ngồi của những
người ủng hộ nhà lãnh đạo dân bầu đầu tiên trong lịch sử 5.000 năm này của xứ sở
các Kim Tự Tháp.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền
Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học tấn công quân chống đối và thảm sát dân
thường, dù rằng đã có không ít lần các phiến quân bị bắt giữ ở các nước láng
giềng vì hành vi tuồn các chất cấm vào quốc gia này. Vào trung tuần tháng Sáu,
các cơ quan tình báo Mỹ đã công bố kết luận khẳng định các lực lượng của Tổng
thống Bashar al-Assad đã "nhiều lần" sử dụng vũ khí hóa học ở quy mô nhỏ chống
lại các tay súng của lực lượng đối lập.
Tuy nhiên, Washington đã không
hành động ngay khi giới chức hữu quan nước này có "kết luận chính thức" về việc
chính quyền Syria đã vượt qua "giới hạn đỏ" do chính Tổng thống Mỹ Barack Obama
vạch ra.
Thái độ do dự và thận trọng trên xuất phát từ việc chính quyền
Obama không muốn sa lầy vào một cuộc chiến mới không có hồi kết trong bối cảnh
quân đội nước này đang căng sức sau hơn một thập kỷ tham chiến tại Afghanistan
và Iraq. Syria không phải là mục tiêu "hấp dẫn" như Iraq hay Libya, cũng không
phải là một mục tiêu dễ dàng bị hạ gục. Việc can thiệp quân sự vào quốc gia
Trung Đông này có thể sẽ buộc Mỹ phải đối đầu trực tiếp với Iran và các lực
lượng thuộc "trục kháng cự."
Mặt khác, cuộc khủng hoảng Syria rất phức
tạp với nhiều mối quan hệ và mâu thuẫn bè phái, sắc tộc và tôn giáo chằng chịt,
đan xen. Đây không chỉ là cuộc xung đột nội bộ mà là một cuộc xung đột trên cấp
độ khu vực với sự can dự trực tiếp của các lực lượng đến từ các nước láng giềng
cũng như các nhóm Hồi giáo cực đoan, các mạng lưới thánh chiến và khủng bố toàn
cầu.
Cuộc xung đột tại Syria càng mở rộng thì càng gây biến động, ảnh
hưởng tới các nước láng giềng như Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, thậm chí
có thể kéo theo những tác động toàn cầu. Ngay cả khi chính quyền của Tổng thống
Bashar al-Assad bị sụp đổ, tình hình sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn và vượt quá
tầm kiểm soát của Mỹ.
Không có gì đảm bảo rằng sau khi giành chiến thắng
ban đầu về mặt quân sự, chính quyền thân phương Tây được dựng lên ở Syria có khả
năng trụ vững và kiểm soát tốt đất nước. Một kịch bản theo đó quốc gia Trung
Đông này trở thành vùng đất màu mỡ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan và các mạng
lưới khủng bố quốc tế như Somalia, Afghanistan không còn là điều xa
vời./.
Hữu Chiến
(TTXVN)