Thứ Tư, 27/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 9/4/2015 21:24'(GMT+7)

Ảnh hưởng của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy xu hướng lão hóa dân số sẽ là “vật cản đường” đối với tiềm năng phát triển của các nền kinh tế tiên tiến, nếu những nền kinh tế này không tìm cách nâng cao năng suất bằng việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. 

Dân số già tăng có nghĩa là lực lượng lao động bị thu hẹp lại và GDP tiềm năng giảm, khiến tiêu chuẩn sống xuống thấp hơn. Hiện tượng tăng trưởng giảm không chỉ xảy ra ở một số nền kinh tế tiên tiến mà còn lan rộng đến các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc - nơi độ tuổi dân số trung bình đang tăng. 

Theo IMF, tại các nền kinh tế đã phát triển, nguồn cung vốn phục vụ đầu tư – một trong những yếu tố then chốt giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – đã được cải thiện, mặc dù mức tăng có thấp hơn so với dự kiến. Trong khi đó, lực lượng dân số tham gia thị trường lao động tăng còn chậm hơn, một phần do số người đã nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu nhiều hơn số người mới tham gia vào thị trường lao động. 

Đối với những nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng kinh tế tiềm năng đạt khoảng 2% thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng sau đó đã giảm xuống chỉ còn 1,3% trong những năm khủng hoảng và ước dừng ở mức 1,6% trong những năm còn lại của thập niên này. Còn đối với những nền kinh tế mới nổi, sức tăng trưởng tiềm năng có nguy cơ giảm từ mức 6,5% trong giai đoạn 2008-2014 xuống còn 5,2% trong năm 2020. 

Thực trạng này mang đến những thách thức mới cho các chính phủ do triển vọng tăng trưởng giảm sẽ gây khó trong việc cắt giảm tỷ nệ nợ công và tư tại các nền kinh tế tiên tiến và tạo ra những thách thức lớn hơn trong việc tái xây dựng vùng đệm tài chính đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi. 

IMF cho rằng để hạn chế tình trạng này, chính phủ các nước cần mở rộng đầu tư vào sản xuất. Ngoài ra, cải cách cơ cấu và tăng cường hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và phát triển là “chìa khóa” để tăng cường nguồn cung và đổi mới./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất