Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 quy định: Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam. Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Lộ trình này nhằm giúp người lao động có thời gian thích nghi với chính sách mới và giảm thiểu những tác động bất lợi với người nghỉ hưu. Liên quan đến nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
PV: Thưa bà, Luật BHXH sửa đổi quy định cách tính lương hưu mới, vậy lộ trình thực hiện sẽ như thế nào?
Bà Trần Thị Thúy Nga: Cách tính lương hưu mới đối với khu vực Nhà nước để xử lý bất hợp lý của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Đó là chưa công bằng giữa khu vực trong và ngoài Nhà nước. Bởi trong Nhà nước vẫn tính bình quân một số năm cuối khi nghỉ hưu, nhưng ở khu vực dân doanh lại tính cả quá trình, từ năm bắt đầu vào đến năm bắt đầu nghỉ hưu. Đó là bất hợp lý giữa trong và ngoài Nhà nước của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hướng đến xử lý vấn đề đó. Ở chỗ là tất cả những gì cam kết của Luật năm 2006 vẫn giữ của năm 2006. Tức là tất cả những người tham gia trước Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn tính lương hưu bình quân một số năm cuối như là Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014 đi tiếp 3 bước nữa. Nếu những ai tham gia từ năm 2016 đến năm 2020, khi nghỉ hưu sẽ tính bình quân 15 năm và nhóm tiếp theo là nếu tham gia từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2024, khi nghỉ hưu sẽ tính bình quân 20 năm và tất cả những ai tham gia vào khu vực Nhà nước, từ 1/1/2025 trở đi thì khi nghỉ hưu mới tính bình quân cả quá trình. Lộ trình như vậy để giảm sốc cho người lao động ở khu vực Nhà nước.
PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều người sẽ lợi dụng chính sách, muốn nghỉ hưu trước tuổi theo lộ trình này để hưởng lợi, bà có ý kiến gì?
Bà Trần Thị Thúy Nga: Thực tế, tất cả những người nghỉ hưu hiện nay vẫn áp dụng theo Luật BHXH năm 2006. Cho nên, việc thay đổi cũng không nhiều. Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ bắt đầu áp dụng từ năm 2018, nhưng tăng dần. Ví dụ, như nam tăng dần đến năm 2018, khi nghỉ hưu sẽ là 31 năm sẽ được hưởng 75%.
Sau năm 2019, phải 32 năm mới được hưởng 75%. Tức là tỷ lệ giảm sút đối với những người có trên 30, 31, 32 năm là không có, vẫn đạt tỷ lệ tối đa. Nó chỉ có thay một chút là trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Ví dụ, năm đầu tiên, năm 2018, nếu như ai làm 31 năm sẽ bị giảm mất nửa tháng trợ cấp một lần, cho nên không giảm nhiều, nhưng để đạt được mục đích cuối cùng là 35 năm được hưởng 75%.
PV: Thưa bà, cách đóng BHXH theo thu nhập của người lao động sẽ được triển khai tại các doanh nghiệp thời gian tới như thế nào?
Bà Trần Thị Thúy Nga: Theo Bộ Luật lao động năm 2012, tiền lương tháng được hiểu gồm có mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi đang xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng của mình và giai đoạn này, các doanh nghiệp cũng đang rất là khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Quốc hội quyết định là tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cũng phải có bước đi để thích hợp với doanh nghiệp.
Chẳng hạn như: từ nay đến năm 2016, chúng ta vẫn thực hiện như hiện hành. Từ năm 2016 đến cuối năm 2017 sẽ đóng BHXH trên nền tiền lương gồm: Mức lương và các khoản phụ cấp. Còn lại, bắt đầu từ năm 2018 trở đi bắt đầu đóng theo Điều 90 của Bộ Luật Lao động. Tức là tiếp cận với thu nhập của người lao động sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và cho cả người lao động vì người lao động cũng đóng trên nền tiền lương đó.
PV: Cảm ơn bà!
- Luật BHXH được Quốc hội thông qua năm 2014 đã bổ sung những chính sách mới như: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia và cân bằng quỹ thông qua quy định điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình; Nâng cao chất lượng an sinh; Đảm bảo quản lý chặt chẽ chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ bảo hiểm xã hội; Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
- Đồng thời, đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo cân đối thời gian hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Sau khi Luật đã thông qua và có hiệu lực vào 1/1/2016 là tiếp tục có những giải pháp để mở rộng đối tượng. Quan trọng nhất hiện nay và có lẽ cũng là khó khăn nhất cũng là bảo hiểm xã hội từ hơn 11 triệu lao động lên mức 29 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020”. Theo bà Mai, lần này sửa đổi chính sách, chúng ta tiếp tục mở rộng đối tượng, tạo điều kiện cho cán bộ không chuyên trách tham gia với việc nhà nước hỗ trợ 14%. Hai là mở rộng đối tượng phi chính thức, thông qua việc hỗ trợ của Nhà nước.
- Tính đến hết năm 2014, cả nước có hơn 11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Nhìn chung, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới chiếm hơn 70% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Đáng lưu ý, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội này. Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu./.
Theo VOV