Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái
Bình Dương (APEC) với chủ đề "Quan hệ đối tác chính sách về an ninh lương
thực" (PPFS) diễn ra trong hai ngày 25-26/1, tại thủ đô Jakarta
(Indonesia).
PPFS nằm trong khuôn khổ các hội nghị SOM-APEC và các hội nghị liên
quan do nước chủ nhà Indonesia tổ chức để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC, sẽ
được tổ chức vào tháng 10 năm nay tại Bali. PPFS có sự tham dự của các quan
chức nông nghiệp cấp cao 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đại diện nhiều tổ
chức khu vực và quốc tế liên quan.
Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo
luận các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực nhằm tìm kiếm, xây dựng các
chính sách và kế hoạch hành động cụ thể của mỗi nước thành viên nói riêng và
APEC nói chung, sẽ được thực hiện trong năm 2013 và đến năm 2020, với mục tiêu
đạt được an ninh lương thực trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình
Dương.
PPFS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự cung và tự chủ về lương
thực, cũng như các thách thức chung mà ngành nông nghiệp APEC nói riêng và thế
giới nói chung đang phải đối mặt như tình trạng Trái Đất nóng lên, thời tiết
ngày càng khắc nghiệt, tần suất và cường độ gây hại của thiên tai gia
tăng, tác động khó lường của biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên thiên nhiên
hạn chế và đang dần bị thu hẹp, giá cả trên thị trường thế giới tiếp tục biến
động ở mức cao cho tới năm 2020 theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông
nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), chi phí sản xuất tăng cao do quá trình công nghiệp
hóa thực phẩm...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia
Suswono đã nhấn mạnh đến đòi hỏi tăng cường tham gia của nông dân vào việc bảo
đảm an ninh lương thực, theo đó những nông dân sản xuất nhỏ cần tham gia và kết
nối cũng như cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tham gia và
kết nối vào chuỗi cung ứng thực phẩm, một mặt cho phép họ tăng thu nhập, được
hưởng lợi ích tài chính nhiều hơn từ sự phát triển liên tục của nền kinh tế, mặt
khác góp phần hiệu quả hơn vào bảo đảm an ninh lương thực.
Chia sẻ quan
điểm trên, các đại biểu tham dự Hội nghị PPFS cũng nhất trí cho rằng toàn cầu
hóa và những tiến bộ trong công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng
thời cũng là khó khăn, khi nó loại bỏ ranh giới giữa các quốc gia, tạo ra các cơ
hội thị trường cả trong nước và quốc tế, trong đó có cơ hội cho việc xuất khẩu
nhiều mặt hàng do các hộ nông dân nhỏ sản xuất.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa
và thương mại quốc tế đôi lúc lại ủng hộ các công ty lớn thay vì những nông hộ
nhỏ. Do vậy APEC cần xây dựng mối quan hệ đối tác chính sách nhằm tăng cường và
tạo điều kiện thuận lợi cho các nông hộ nhỏ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về
chủ quyền lương thực, tiếp cận đất đai, cung cấp các công nghệ tiên tiến và các
loại giống ưu việt hơn cho sản xuất, bởi họ chính là những nhà đầu tư lớn nhất
trong nông nghiệp và sản xuất lương thực.
Theo FAO, các nền kinh tế APEC
hiện là một trong những nhà xuất khẩu và nhập khẩu lương thực-thực phẩm lớn nhất
thế giới, chiếm tới 34% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp toàn cầu và 36% kim
ngạch nhập khẩu trong năm 2009. Về khía cạnh nguồn cung, ngành nông nghiệp tại
các nền kinh tế đang nổi ở châu Á-Thái Bình dương hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào
các nông hộ nhỏ, những nhà quản lý các diện tích canh tác nhỏ.
PPFS là
một diễn đàn tư vấn cấp cao, được thành lập năm 2011 nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho đầu tư, tự do hóa thương mại và hỗ trợ phát triển bền vững trong lĩnh
vực nông nghiệp, với mục đích tạo ra một hệ thống thực phẩm vào năm 2020 để bảo
đảm an ninh lương thực trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.
TG