(TG)- Đúng như dự báo của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) cả nước tháng 1/2013 đã tăng 1,25% so với tháng 12/2012, cao hơn mức
tăng 1% của tháng 1/2012.
Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng
1,74% của tháng 1/2011 và mức 1,36% của tháng 1/2010.
Số liệu được Tổng
cục Thống kê công bố ngày 24/1 cho thấy CPI tháng 1 tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ
hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03-7,4%; trong đó tăng cao nhất là nhóm thuốc
và dịch vụ y tế, tăng thấp nhất là nhóm giao thông. Riêng nhóm bưu chính viễn
thông giảm 0,05%.
Theo Vụ trưởng Vụ Giá Tổng cục thống kê Nguyễn Đức
Thắng, CPI tháng 1 tăng chủ yếu là do hàng chục tỉnh thành trong cả nước tiếp
tục tăng giá viện phí và dịch vụ y tế như lộ trình mà ngành y tế đã công bố
trong năm 2012 khiến cho giá dịch vụ y tế tăng tới 9,5%. Với việc điều chỉnh
đồng loạt này, nhóm y tế đã đóng góp 0,44% vào mức tăng CPI chung.
Tuy
nhiên, điều lo ngại nhất mà các chuyên gia kinh tế cảnh báo lại không xảy ra khi
nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong Rổ hàng hóa chung là hàng ăn và dịch vụ ăn
uống-nhóm hàng thiết yếu thường tăng giá rất mạnh trong tháng chuẩn bị Tết
Nguyên đán lại chỉ tăng 1,34%; trong đó, lương thực tăng 0,15%, thực phẩm tăng
1,96%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,6%.
Hiện nguồn cung về lương thực ổn
định nhưng chỉ số giá lương thực vẫn tăng là do nhu cầu của người dân cũng như
của các doanh nghiệp chế biến hàng Tết tăng, đặc biệt giá gạo tẻ ngon tăng mạnh.
Tháng 1 cũng là tháng giáp Tết Nguyên đán nên giá các loại thực phẩm đều
tăng mạnh. Cụ thể, thịt lợn tăng 2,42%, gia cầm tươi sống tăng 5,25%.
Trong năm 2012, giá giống gia cầm tăng và thức ăn chăn nuôi tăng trong
khi gà nhập lậu giá cực rẻ lại lũng đoạn thị trường khiến người chăn nuôi bỏ
đàn. Vì vậy, khi nguồn cung gà nuôi khan hiếm trong khi gà nhập lậu những tháng
gần đây đã bị lực lượng chức năng chặn đứng thì tất yếu giá gà phải tăng cao,
nhất là khi nhu cầu tiêu dùng loại thực phẩm này trong dịp giáp tết rất lớn, ông
Thắng cho biết.
Cũng trong tháng giáp Tết Nguyên đán này, giá thủy hải
sản đã tăng 1,55% do nhu cầu chế biến cuối năm tăng cùng với chi phí vận chuyển
tăng; giá rau xanh tăng 2,59% do trong tháng miền Bắc rét hại rét đậm, ảnh hưởng
đến sản lượng các loại rau nên giá rau tươi của các tỉnh miền Bắc tăng rất mạnh,
trong khi các tỉnh miền Nam giá rau xanh lại giảm nhẹ do sản lượng khá dồi
dào.
Các nhóm hàng hóa thường có sức tiêu dùng mạnh gồm may mặc, mũ nón
và giày dép chỉ tăng 1,3%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,42%; hàng hóa và dịch vụ
khác tăng 0,74%.
Một điểm đáng chú ý nữa là mặc dù giá điện đã được điều
chỉnh tăng từ ngày 22/12/2012 nhưng tác động của việc tăng giá điện là không lớn
bởi cả nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng chỉ tăng 0,36%.
Theo Tổng cục
Thống kê, để góp phần kiềm chế việc tăng giá tiêu dùng trong tháng 2 - tháng Tết
Nguyên đán, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần tiếp tục có các chính sách
hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương đảm bảo dự trữ lượng hàng thực phẩm cần
thiết, tránh hiện tượng cung không đáp ứng cầu gây sốt giá cục bộ.
Hiện
hai địa phương lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã triển khai
dự trữ lương thực, thực phẩm và những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm
của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ./.
KT