Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 31/1/2018 9:27'(GMT+7)

Xuân Mậu Thân 1968 tạo đà cho mùa Xuân đại thắng 1975

1. Khát vọng độc lập, tự do và quá trình chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Độc lập, tự do, hoà bình và thống nhất đất nước luôn là khát vọng ngàn đời, cháy bỏng của nhân dân ta. Tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vùng lên Tổng khởi nghĩa vào mùa Thu, Tháng Tám năm 1945, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không chỉ quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam còn khẳng định quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải đễ giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” trong bản Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Song với dã tâm tái xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã tiếp tục gây hấn, mở rộng chiến tranh ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và chiến tranh đã lan nhanh trong cả nước.

Trân trọng giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do và không cam tâm làm nô lệ, với tinh thần và ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hưởng ứng lời hịch cứu nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[2], nhân dân Việt Nam đã vững vàng bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 9 năm gian lao đầy khó khăn, thử thách ấy, không chỉ đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước kiên trì kháng chiến và kiến quốc; từng bước giành thắng lợi và và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo tinh thần của Hiệp định, cuộc tổng tuyển cử tự do, thống nhất hai miền Nam - Bắc sẽ được thực hiện vào năm 1956. Tuy nhiên, thực hiện học thuyết Trurman; lo ngại sự sụp đổ dây chuyền của khu vực Đông Nam Á bởi cộng sản, Mỹ đã phá hoại hiệp định Giơnevơ, can thiệp vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Vậy là, không có một cuộc tổng tuyển cử như đã định; vậy là, khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất - non sông liền một dải cũng chưa thể trở thành hiện thực. Tiếp tục thực hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước, dân tộc Việt Nam bước vào một cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thực hiện mục tiêu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng đã tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền. Tiến hành chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ đã liên tục thay đổi các chiến lược chiến tranh ở miền Nam, âm mưu và tìm mọi cách chia rẽ hai miền Nam - Bắc; ngày càng mở rộng quy mô cuộc chiến tranh, tăng cường xây dựng chế độ ngụy quyền Sài Gòn, xây dựng quân đội ngụy và tăng cường đội quân của các nước chư hầu vào tham chiến; tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm hủy diệt cơ sở vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng một mặt, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ; tăng cường đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại; mặt khác, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ xây dựng hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, để miền Nam ruột thịt, với vị trí là tiền tuyến lớn, trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai luôn nhận được sự chi viện không ngừng nghỉ sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc.

Sau phong trào Đồng Khởi 1959-1960, cách mạng miền Nam ngày càng phát triển. Với các chiến thắng quân sự lớn ở Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Ba Gia (1965) và Đồng Xoài (1965),v.v.. quân dân ta đã lần lượt đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đơn phương” và “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, từ tháng 3/1965, Tổng thống Mỹ Johnson đã quyết định đưa các sư đoàn quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham chiến và chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Tình hình cách mạng miền Nam diễn biến hết sức phức tạp, chiến tranh lan rộng ra cả nước, vận mệnh dân tộc đứng trước thử thách thức nghiêm trọng, Đảng một mặt kiên định lập trường, lãnh đạo nhân dân kiên quyết kháng chiến để giành thắng lợi cuối cùng; mặt khác, từ những trận thắng phủ đầu quân Mỹ của quân dân miền Nam trên các chiến trường, Đảng đi đến kết luận quan trọng là chúng ta có thể đánh và đánh thắng Mỹ.

Cuộc kháng chiến diễn ra ngày càng quyết liệt, để khẳng định niềm tin và quyết tâm đánh thắng Mỹ, ngày 17/7/1966, trong Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa (…), song nhân dân việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và nêu cao tinh thần, thúc giục quân dân cả nước quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lúc này, trên toàn miền Nam, quân dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng sau gần hai năm trực tiếp đương đầu với quân Mỹ, quân đồng minh và quân đội Việt Nam cộng hòa. Tuy gặp nhiều tổn thất, song đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ chiến tranh xâm lược ở miền Nam, tiếp tục leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 11/1966 đã một lần nữa khẳng định quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng trong Hội nghị lần thứ 12 (1965) là tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam, nhằm “đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”[3]; đồng thời nêu rõ nhiệm vụ “phải động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến đến hòa bình thống nhất nước nhà”[4].

Đã bị sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam, song vì vẫn còn binh lực mạnh và chưa muốn xuống thang chiến tranh, nên đế quốc Mỹ càng điên cuồng muốn dốc toàn lực để phá thế bế tắc và kết thúc chiến tranh theo cách người Mỹ muốn. Tuy nhiên, thắng lợi của quân dân miền Nam trước hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 đã làm thất bại một bước quan trọng chương trình “bình định” của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa, khiến Mỹ “bị một đòn phủ đầu choáng váng hết sức bất ngờ”[5] và lâm vào thế bị động. Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng chủ trương quân và dân miền Nam càng cần phải tiếp tục tổ chức những cuộc tiến công quy mô lớn, giáng đòn mạnh hơn vào ý chí xâm lược của kẻ thù, kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, tạo điều kiện đấu tranh cho đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và rút quân khỏi miền Nam.

Thực hiện mục tiêu trên, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 4/1967 chủ trương tiếp tục phát huy thắng lợi thời gian qua và chuẩn bị mọi mặt để đưa cách mạng tiến lên giành thắng lợi mới. Tháng 6/1967, Bộ Chính trị tiếp tục thảo luận kỹ dự thảo kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967-1968 và nhận định: về phía ta “thế và lực đang có những tiến bộ, cho phép ta trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”[6]. Theo đó, Hội nghị dự kiến sẽ giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 theo phương hướng đánh lớn, phải tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân Mỹ, làm mất khả năng tiến công của chúng; đồng thời phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, khiến cho chúng không còn là lực lượng chiến lược trong tiến công và phòng ngự mà Mỹ dựa vào đó để tiến hành chiến tranh.

2. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Tình hình quốc tế và trong nước, nhất là tình hình và so sánh lực lượng trên trên chiến trường sau chiến thắng của quân ta trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967 đã có những thay đổi có lợi cho ta. Trên cơ sở nhận định đúng tình hình và phân tích thời cơ một cách khoa học, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Tháng 10/1967, Bộ Chính trị họp, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông Xuân Hè 1967-1968 làm cơ sở cho Bộ Chính trị bàn bạc và thảo luận; quyết định lựa chọn phương án tiến công mới, bất ngờ - đó là đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam. Sau Hội nghị này, tháng 12/1967, Bộ Chính trị đã họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta. Trong đó, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định bằng cách tạo một bước nhảy vọt thông qua cách chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới để giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Coi đây là nhiệm vụ trọng đại và cấp bách, Bộ Chính trị quyết định động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền  Nam - Bắc tập trung và nỗi lực đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất bằng “tổng công kích và tổng khởi nghĩa” để giành thắng lợi quyết định.

Đầu năm 1968, các điều kiện về chính trị, quân sự, ngoại giao để mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã hội đủ. Trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam ngày 18/1/1968, đồng chí Lê Duẩn viết: “Từ ba, bốn năm nay ta đã chuẩn bị lực lượng và thế trận cho trận quyết chiến chiến lược này. Song vì nhiều lý do, lực lượng ta chuẩn bị chưa đầy đủ. Tuy vậy, như Trung ương đã phân tích, khi có nhiều thời cơ thuận lợi, nếu chúng ta biết làm và làm đúng, có sự nỗ lực vượt bậc thì lực lượng ít cũng có thể tạo nên sức mạnh, bảo đảm giành thắng lợi rất to lớn, rất quan trọng”[7]. Tiếp đó, tháng 1/1968, để giữ bí mật ý đồ chiến lược, Trung ương Đảng họp ở Kim Bôi, Hòa Bình, thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967 về quyết định thực hiện “tổng công kích - tổng khởi nghĩa” để giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là quyết tâm đúng đắn, táo bạo và sáng tạo của Đảng, cho thấy cuộc kháng chiến của quân dân ta “đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn”[8]; đồng thời “cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”[9]. Theo đó, hướng tiến công chủ yếu là đô thị; trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế; mục tiêu tiến công là nhằm vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, các trung tâm chỉ huy, các hậu cứ, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa phá hủy phương tiện chiến tranh của chúng; phương châm tiến công là quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng; thời gian tiến công được dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và nêu cao tinh thần, ý chí cách mạng tiến công, đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), quân và dân miền Nam từ Trị Thiên đến Khu 5 và Nam Bộ đã đồng loạt tiến công và nổi dậy tại các thành phố, thị xã, nhất là tiến công các hang ổ của địch ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng lớn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên toàn miền, gây cho địch tổn thất lớn. Do bị bất ngờ, địch đã bị động, đối phó lúng túng ở tất cả các vùng chiến lược; nhiều nơi quân ta đã đánh chiếm và làm chủ địa bàn được nhiều ngày.

Trong đợt tiến công này, tại Sài Gòn - Gia Định, quân ta tiến công vào các mục tiêu quan trọng như: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất… Tại Thừa Thiên Huế, lực lượng vũ trang tiến công vào 40 mục tiêu trong nội, ngoại thành, giải phóng phần lớn thành phố với trên 90% số dân. Trong Mậu Thân 1968, “cuộc chiến đấu 26 ngày đêm ở Huế đã kéo dài và (…) gây một ấn tượng rất sâu sắc trong dân chúng Mỹ lúc bấy giờ”[10]. Quân dân ta đã đánh chiếm hầu hết các vị trí quân sự, đầu não của địch, các đồn bốt, căn cứ hậu cần (trừ căn cứ Phú Bài); tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội và chính quyền địch, đánh chiếm hai nhà lao và giải thoát trên hai ngàn chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước đang bị địch giam cầm; làm chủ gần hết thành phố Huế, giải phóng đại bộ phận nông thôn,v.v.. Tại thành phố Đà Nẵng, đêm ngày 29 rạng ngày 30/1/1968, lực lượng pháo binh, đặc công, bộ binh, biệt động đồng loạt đánh phá các sân bay, trận địa pháo, kho tàng; chiếm một số mục tiêu trong thành phố để hỗ trợ cho quần chúng từ bên ngoài kéo vào phối hợp với quần chúng bên trong nổi dậy giành chính quyền. Mặc dù, được chuẩn bị từ trước, nhưng cuộc tiến công và nổi dậy đã gặp khó khăn do việc nắm tình hình chưa chắc nên bị địch tập trung lực lượng chặn đánh quyết liệt. Phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân bên trong thành phố không thực hiện được theo kế hoạch,v.v.. Còn tại các đô thị khác, sự nổi dậy của  quần chúng phối hợp chặt chẽ với các cuộc tiến công, hỗ trợ cho các cuộc tiến công…

Kết thúc đợt 1 (từ ngày 30/1 đến ngày 25/2/1968), Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp ngày 24/4/1968 đã nhận định: Tổng tiến công và nổi dậy đã giành thắng lợi to lớn, toàn diện, tạo nên bước ngoặt mới trong cục diện chiến tranh hết sức có lợi cho ta, gây bất lợi cho địch; đế quốc Mỹ thất bại nặng nề, ý chí xâm lược đã bị lung lay[11]. Phân tích kết quả đợt 2 (từ ngày 5/5 đến ngày 15/6/1968) và đánh giá chung 2 đợt, Bộ Chính trị họp tháng 8/1968 nhận định: Chúng ta “đã giành thắng lợi to lớn, toàn diện chưa từng có”[12]...; và có thể nói, “cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân ở các thành thị lớn là mũi nhọn thọc vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ chiến trường và toàn cuộc chiến tranh”[13].

3. Mậu Thân 1968 trong hành trình đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Với Mậu Thân, lần đầu tiên, trên chiến trường, quân dân ta đã tiến công đồng loạt vào hậu cứ của địch tại các đô thị. Cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong nhiều tuần, nhiều tháng đã làm thương vong nặng nề cả quân số và phương tiện chiến tranh của địch; làm cho Mỹ - ngụy hoang mang, dao động, “làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ; buộc Chính phủ Mỹ phải thừa nhận rằng không thể dùng lực lượng quân đội viễn chinh Mỹ để thắng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của quân Mỹ, làm rung chuyển nước Mỹ và “sau Tết, niềm tin của công chúng (Mỹ) đối với sự lãnh đạo của Tổng thống Giônxơn bị xói mòn nghiêm trọng”[14].

Sự kiện Tết Mậu Thân cho thấy chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa không thể nhanh chóng đủ khả năng đứng vững một cách độc lập để “chống Cộng” như Mỹ - ngụy mong muốn. Mậu Thân 1968 là một “thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris; chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện, chủ trương “phi Mỹ hóa” chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh”[15].

Nhìn nhận về thắng lợi trong cuộc tiến công Mậu Thân, Jeff Stein và Marc Leepson nêu rõ: “Mặc dù Cộng sản bị thiệt hại về mặt quân sự và chịu tổn thất to lớn, nhưng đó là sự tuyên cáo của lịch sử là họ đã giành được thắng lợi chiến lược có ý nghĩa quyết định. Người Mỹ đã bị mất niềm tin vào những dự đoán tốt đẹp của chính quyền Giônxơn và đi đến kết cục là cuộc chiến sẽ phải kéo dài trong nhiều năm nữa”[16].

Với Mậu Thân, ta có thêm điều kiện để mở mặt trận tiến công ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”, buộc Mỹ chấp nhận họp Hội nghị bốn bên ở Paris để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam, tạo bước ngoặt quyết định trong  cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ngày 25/1/1969, Hội nghị Paris về Việt Nam với sự tham gia của bốn bên họp phiên đầu tiên, mở ra giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm” đúng như dự kiến của Trung ương Đảng. Tại Hội nghị bốn bên ở Paris, chủ trương của ta là ép Mỹ xuống thang chiến tranh, rút dần quân khỏi miền Nam Việt Nam; trong khi đó, Mỹ xúc tiến hoạt động ngoại giao xảo quyệt, cố tình phá hoại, trì hoãn giải pháp cho vấn đề hoà bình ở Việt Nam. Trước sau, Mỹ vẫn muốn giành thế mạnh trên chiến trường, ép ta nhận một giải pháp có lợi cho Mỹ…

Để đánh cho “Mỹ cút” rồi tiến tới đánh cho “ngụy nhào”, trên cơ sở phân tích tình hình, Bộ Chính trị chủ trương động viên nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cả hai miền, phát huy thắng lợi đã đạt được, tiếp tục đánh mạnh khiến Mỹ phải rút quân; đánh mạnh vào chính quyền và quân đội Sài Gòn khiến chúng không thể đảm đương vai trò mà Mỹ chuyển giao; đập tan ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải chấp nhận một giải pháp chính trị, là rút hết quân, kết thúc chiến tranh. Thực hiện chủ trương đó, các cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1971 đầu năm 1972 đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ. Đặc biệt, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã làm thất bại ý đồ “đàm phán trên thế mạnh” của Mỹ. Cuối cùng, sau nhiều trở ngại, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế khách sạn Hoàng gia, đường Klêbe, Paris (Pháp).

Để định ra phương hương chiến lược cho cách mạng miền Nam, ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng, khẳng định quyết tâm: Đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; kiên quyết đánh bại âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định Paris của địch; giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, chuẩn bị điều kiện đầy đủ nhất để có thể chủ động đối phó với địch trong mọi tình huống, sẵn sàng đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Thấu triệt và phát huy tư tưởng cách mạng tiến công, kiên định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ tình hình quốc tế và trong nước, nhất là so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, tháng 10/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trên các chiến trường họp, đã xác định “đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ… Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác”; đồng thời thống nhất kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong vòng hai năm 1975-1976 và dự kiến khả năng nếu thời cơ đến, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thực hiện kế hoạch này, hướng về miền Nam ruột thịt, ngay từ những tháng cuối năm 1974, quân và ta kiên quyết phản công địch, chủ động mở những cuộc tiến công mới, dồn sức mạnh vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện cho tiền tuyến miền Nam, mở ra thời kỳ phát triển nhảy vọt để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

Với ý nghĩa đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, với tinh thần và ý chí “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, với phương châm tiến công quân sự kết hợp địch vận, kết hợp tiến công với nổi dậy, nhưng tiến công quân sự phải đi trước một bước và giữ vai trò quyết định, và nhất là quyết tâm: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã hướng về miền Nam, vì miền Nam và làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, non sông liền một dải.

Nửa thế kỷ sau sự kiện tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, có thể khẳng định rằng: Đánh giá đúng tình hình thực tiễn, hiểu đúng về lịch sử chính là thiết thực nhân nguồn sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước; và đó cũng chính là góp phần phát huy thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. “Mỹ đã cút” theo tinh thần Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973 và “ngụy đã nhào” bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Đó là minh chứng hùng hồn đầy thuyết phục, rất sâu sắc cho một sự thật là: Trong 21 năm đầy gian nan và thử thách tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta, nhân dân ta đã biết tạo dựng thời cơ và nhạy bén nắm vững thời cơ; kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo; biết chọn thời điểm mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tấn công và nổi dậy, đè bẹp kẻ thù, kết thúc thắng lwoij cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giành thắng lợi cuối cùng trong mùa Xuân toàn thắng 1975; trong đó, tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một dấu ấn quan trọng, không thể phai mờ./.

TS. Văn Thị Thanh Mai
----------

[1] Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.47.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534.

[3] Hồ Khang: “Tết Mậu Thân” -  Một thành công trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ", Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 1/2003.

[4], [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.28, tr.502, 89.

[6], [11]Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.II, tr.384-385, 403.

[7] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.192.

[8] [9], [12], [13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.29, tr.47, 50, 393, 51

[10] Don Oberdoifer: Tết, Nxb. Tổng hợp An Giang, 1988, tr.96.

[14] Dẫn theo: Nhiều tác giả: The Lessons of Vietnam War, tr.22.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.34, tr.542-543.

[16] Jeff Stein - Marc Leepson: Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.80-81.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất