Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN."
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN, góp phần tăng cường gắn kết và hợp tác chặt chẽ trên các mặt giữa các quốc gia thành viên cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato'Azmil Mohd Zabidi. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
-Xin Đại sứ cho biết, Malaysia đã tham gia vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN như thế nào?
Đại sứ Dato ' Azmil Mohd Zabidi: Tại Hội nghị cấp cao năm 2000, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khởi xướng Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN (IAI) với mục tiêu kép là thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN trong khu vực. Vai trò của sáng kiến này càng trở lên quan trọng hơn với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.
AEC sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể trong khu vực thông qua việc thiết lập một thị trường tự do hơn, loại bỏ thuế nhập khẩu, nới lỏng các quy định trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư cũng như giảm các chi phí thương mại… Tất cả những điều đó sẽ khiến cho ASEAN trở thành một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các sáng kiến hội nhập khu vực như chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong (GMS), Khu vực phát triển Đông ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines (BIMP-EAGA) và Tam giác phát triển Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT)… cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế ASEAN ngày càng kết nối và phát triển hơn.
Sự tham gia Malyasia trong IAI, BIMP-EAGA và IMT-GT đã cùng với các thành viên khác của ASEAN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các tiểu vùng thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh tế khác, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của ASEAN.
-Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN?
Đại sứ Dato ' Azmil Mohd Zabidi: Quan hệ song phương Malaysia-Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua một loạt các hoạt động sôi động trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, quốc phòng, an ninh và giao lưu nhân dân…
Malaysia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/3/1973. Năm 2013 vừa qua, hai nước đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên nền tảng của quan hệ chính trị truyền thống, quan hệ hợp tác song phương giữa Malaysia và Việt Nam ngày càng gắn kết và phát triển; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển nhanh chóng; hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành cũng như hoạt động giao lưu nhân dân được tiến hành thường xuyên.
Gần đây nhất, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 7-8/8/2015. Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng có chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 4/2014. Chuyến thăm này đã góp phần tăng cường hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa các nhà lãnh đạo hai nước, đồng thời cũng khẳng định Malaysia rất coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, nông nghiệp, quốc phòng-an ninh và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm…
Lãnh đạo hai bên cũng đã nhất trí nâng cấp quan hệ Malaysia-Việt Nam lên mức đối tác chiến lược.
-Thưa Đại sứ, trong năm 2015, phương hướng tham gia hợp tác ASEAN của Malaysia sẽ tập trung vào các trọng tâm ưu tiên nào để Cộng đồng ASEAN phát triển thực chất và đi vào chiều sâu?
Đại sứ Dato ' Azmil Mohd Zabidi: Hiến chương ASEAN năm 2008 quy định, ASEAN cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai, coi việc đảm bảo đời sống hạnh phúc và lợi ích của người dân là trung tâm của việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 cũng như quá trình phát triển tiếp theo.
Malaysia sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được quy định theo Hiến chương ASEAN, trong đó bao gồm cả việc xây dựng ba cộng đồng trụ cột của ASEAN gồm: Cộng đồng An ninh-Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Điều này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, không có đói nghèo, đảm bảo sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, nước sạch, năng lượng và bảo vệ môi trường… như những nội dung đã đề ra tại Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 vừa được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9/2015 vừa qua./.
TTXVN