Thứ Ba, 8/10/2024
Thể thao
Thứ Năm, 4/2/2010 20:21'(GMT+7)

ASIAD 16: Dồn sức cho khát vọng vươn tầm

Tiềm năng lớn

Năm 2009 khép lại trong thành công của TTVN. Từ AIG 3 đến SEA Games 25, đã đánh dấu bước trưởng thành rõ rệt của thể thao nước nhà; đặc biệt ở những môn nằm trong hệ thống thi đấu của ASIAD và Olympic như điền kinh, bơi, bắn súng, Judo, teakwondo, karatedo, quyền Anh...

Theo ông Hoàng Vĩnh Giang – TTK Ủy ban Olympic Việt Nam: “Bước đột phá tại SEA Games 25 có thể coi là tiền đề tốt, cho thấy tiềm năng cạnh tranh của chúng ta tại ASIAD 16 là rất lớn. Chỉ tính riêng 17 môn cơ bản mà TTVN tham gia tại SEA Games 25, chúng ta đã giành tổng cộng 46 HCV, xếp sau Thái Lan, nhưng hơn Indonesia 13HCV, hơn Singapore 17HCV và hơn Malaysia 18HCV”.

Đặc biệt, điền kinh tuy chỉ giành 7 HCV, nhưng ông Giang khẳng định: “Những gương mặt xuất sắc như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện đã để lại dấu ấn đậm nét và hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh huy chương tại ASIAD”. Với bơi lội, thông số thành tích của Nguyễn Hữu Việt hiện đã nằm trong nhóm cạnh tranh huy chương. Chưa kể, các môn võ đối kháng cũng xuất hiện nhiều nhà vô địch ở đẳng cấp thế giới như Văn Ngọc Tú, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thị Như Ý (judo), Nguyễn Thị Hải Yến, Vũ Thị Nguyệt Ánh (karatedo)...

Những tài năng đó sẽ là “nguồn lực” quý giá cho TTVN lấy làm điểm tựa chuẩn bị cho ASIAD 16, kì đại hội mà ngành thể thao đã xác định như “cơ hội vàng” để thay đổi vị thế của mình. Tấm bản đồ thể thao châu lục phải được “vẽ lại”. Và trong đó, Việt Nam ít nhất phải vượt qua thành tích nghèo nàn 2 HCV tại ASIAD 15, xếp trên Indonesia, Malaysia, Singapore, những đối thủ vẫn luôn xếp sau chúng ta tại các kì Đại hội thể thao khu vực gần đây nhất.
 
Hoàng Anh Tuấn được đặt chỉ tiêu HCB tại ASIAD 16.

Giữ “đôi chân trên mặt đất”

Xác định ASIAD là mục tiêu chiến lược, Tổng cục TDTT đã lên kế hoạch tập trung đầu tư lớn cho các đội tuyển. Những môn có khả năng cạnh tranh tại đấu trường quan trọng này, hầu hết đều đã và đang được duyệt chi kinh phí hoạt động lớn hơn trước. Cá biệt như điền kinh, kinh phí hoạt động rót xuống tăng gần gấp đôi.

Thêm kinh phí hoạt động, các bộ môn sẽ dư dả hơn để có thêm nhiều kế hoạch tập huấn, thi đấu trong nước và nước ngoài nhằm thiết thực nâng cao trình độ chuẩn bị cho ASIAD 16. Chưa kể, các phụ phí khác (nhưng rất thiết yếu) như trang thiết bị, thuốc men, chăm sóc đặc biệt cho VĐV, quá trình điều trị, hồi phục chấn thương cũng sẽ được nâng lên mức mới, tốt hơn hẳn.

Điều kiện chuẩn bị như vậy có thể coi là tiền đề tích cực cho các đội tuyển. Tuy nhiên, chính ông Hoàng Vĩnh Giang cũng cảnh báo: “Các đội tuyển cần phải hết sức chính xác, cẩn trọng với kế hoạch tập huấn, thi đấu của mình. Bên cạnh đó, việc đặt mục tiêu cho VĐV chủ lực thế nào, giúp họ tránh được áp lực ra sao cũng phải tính toán kĩ, tránh lặp lại bài học thất bại như tại ASIAD 15”.

Ông Giang có lý khi nhắc đến điều này. Người hâm mộ hẳn chưa thể quên, Hoàng Anh Tuấn từng được đầu tư tiền tỷ tập huấn tại Bulgaria cùng chuyên gia ngoại Topurov trước ASIAD 15. Đến Doha, ai cũng nghĩ HCV sẽ cầm chắc. Để rồi kết cục, Tuấn thất bại trước Long Quing (Trung Quốc). Bao công sức đầu tư thế là “đổ sông, đổ biển”, chỉ vì chúng ta tự đặt mục tiêu quá cao và bản thân VĐV cũng không giữ được sự tỉnh táo cần thiết trước áp lực.

Hướng đến ASIAD 16, vẫn còn Hoàng Anh Tuấn trong đội hình, nhưng đội tuyển cử tạ chỉ đăng kí HCB. Nhiều đội tuyển khác cũng không vội vàng đặt chỉ tiêu quá cao, để giữ cho các VĐV khỏi trạng thái tự tin thái quá, hoặc ngợp trước áp lực. Sự “rút kinh nghiệm” này liệu có giúp những khoản đầu tư lớn từ lãnh đạo ngành phát huy tối đa tiềm năng của các đội tuyển? Câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng ít nhất, sự bài bản ấy cũng mang lại những hy vọng, rằng thất bại thảm hại từ Doha 4 năm về trước sẽ không lặp lại một lần nữa./.

Minh Tâm - Giadinh.net
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất