Với sự có mặt và tiếp sức của Binh đoàn 15, trong những năm qua bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của các tỉnh Tây Nguyên đổi thay rõ rệt với cơ sở hạ tầng, "điện, đường, trường, trạm" ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện để bà con đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu trên làng quê của mình, trở thành những "tỷ phú" của vùng đất đỏ Bazan.
Xây dựng nông thôn mới
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15, Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động cho chúng tôi biết: Ngay từ khi mới thành lập, Binh đoàn 15 đã được Ðảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ đơn vị được giao, đặc biệt là nhiệm vụ quân đội chung sức "Xây dựng nông thôn mới" (NTM), Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình "Quân đội chung sức xây dựng NTM" và chỉ đạo các đơn vị thành lập tiểu ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới. Ðến nay 100% đầu mối các đơn vị đã tổ chức phát động phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng NTM" với sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, công nhân và người lao động, tạo nên một khí thế sôi nổi, rộng khắp, có sức lan tỏa rất nhanh trong khắp Binh đoàn. Các đơn vị đã tập trung thực hiện tốt năm nhóm nội dung được Bộ Quốc phòng xác định; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo xây dựng NTM của các địa phương khảo sát địa bàn, xác định nội dung, chương trình tham gia cụ thể, thiết thực, gắn với công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn đóng quân.
Ðến nay, các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đã có mặt tại 220 thôn, làng thuộc 33 xã, phường, thị trấn của 12 huyện thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Attapeu (Lào) và Rattanakiri (Cam-pu-chia). Ðã thu hút hơn 20.000 lao động, hàng chục nghìn nhân khẩu được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư dọc tuyến biên giới, được hưởng lợi từ những dự án phát triển kinh tế - xã hội của Binh đoàn. Trong số đó, có hơn 4.000 hộ với hơn 6.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, có thu nhập trên bảy triệu đồng/người/tháng. Tích cực mở rộng diện tích vườn cây, giải quyết việc làm cho người lao động là chủ trương xuyên suốt của Binh đoàn 15. Do đó, mặc dù còn khó khăn về quỹ đất, giống cây và nguồn vốn, song Binh đoàn đã phát triển được hơn 40.000 ha cao-su, gần 100.000 ha cà-phê, 90 ha lúa nước; thực hiện mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dự án, các công trình vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh đã được chú trọng đầu tư như hệ thống hồ đập chứa nước, nhà máy thủy điện, nhà rông văn hóa... Binh đoàn đã cùng với địa phương xây dựng hệ thống lưới điện cao thế, trạm biến áp đến các buôn làng; sửa chữa hơn 1.000 km đường giao thông liên thôn, liên xã; xây dựng một trường trung cấp nghề, tám trường tiểu học và THCS với 93 phòng học, 10 trường mầm non với 130 điểm trường, nuôi dạy hơn 5.000 cháu; xây dựng năm nhà máy chế biến mủ cao-su, một nhà máy chế biến cà-phê xuất khẩu, một nhà máy chế biến phân bón vi sinh; tốc độ tăng trưởng kinh tế của Binh đoàn hằng năm đều đạt trung bình 15%. Riêng năm 2011, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Binh đoàn vẫn đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng - đứng thứ hai trong các công ty kinh tế toàn quân... Mục tiêu hướng đến của Binh đoàn 15 là mỗi Công ty, đơn vị phải giúp từ một đến hai xã trên địa bàn đóng quân xây dựng NTM, mỗi xã có một đến hai công trình có giá trị và hiệu quả thiết thực, cùng hàng loạt các mục tiêu cụ thể khác mà mục đích cuối cùng là góp sức xây dựng nông thôn vùng sâu, vùng xa các tỉnh Tây Nguyên ngày một khởi sắc, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày càng có cuộc sống ấm no hơn, xích gần với miền xuôi hơn, củng cố và giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh trên vùng biên giới. Với những kết quả có được, Binh đoàn 15 thực sự là "bà đỡ" cho bà con vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa dân tộc...
Phát triển kinh tế vùng biên giới
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở nơi đâu, địa bàn nông thôn nào có Binh đoàn 15 đứng chân và tiếp sức, thì nơi đó đời sống bà con đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển nhanh chóng. Trước năm 2000, dân làng Chan, làng Bong ở huyện Ðức Cơ, làng Chung Trúc huyện Ia Grai và nhiều bản làng khác... thiếu ăn, nghe lời xúi giục của kẻ xấu, một số người đã vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia, một số tụ tập gây rối, vi phạm pháp luật... Không để cho bà con bị kẻ xấu lôi kéo, Binh đoàn 15 đã chỉ đạo cho Công ty 72, Công ty 74, 78 và 715 kiên quyết bám dân, vừa vận động bà con vào làm công nhân, vừa hỗ trợ bà con lương thực, thực phẩm, cây giống, phân bón... hướng dẫn bà con cách trồng cà-phê, cao-su, hồ tiêu... Ðến nay những ngôi làng trên đã trở thành làng "tỷ phú", không còn hộ đói nghèo, hàng nghìn hộ gia đình làm giàu từ cây cao-su, cây lúa nước. Người ốm được khám, điều trị miễn phí ở bệnh xá, trẻ em đến tuổi đều được đi học. Hiện nhiều lao động có thu nhập bình quân mỗi năm từ 300 đến 900 triệu đồng như gia đình ông Brao, gia đình chị H’Phí (Công ty 75), Ksor Găn (Công ty 72), Kpui Deo (Công ty 74) và Rơ Châm Ðinh (Công ty 715)... Ngoài ra, hằng năm Binh đoàn 15 còn hỗ trợ hàng trăm tấn gạo cho người dân vùng biên giới mùa giáp hạt; khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát động quyên góp ủng hộ quỹ "Trái tim cho em", "Ngày vì người nghèo"... Chính điều này đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; củng cố thêm lòng tin của dân với Ðảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền địa phương.
Không giấu được niềm vui, "tỷ phú" Brao bộc bạch: "Kinh tế vùng biên giới phát triển, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng như hôm nay là nhờ sự đầu tư của Ðảng, Nhà nước, sự tiếp sức có hiệu quả của Binh đoàn 15. Người Giơra, Ba Na, Giẻ Triêng... biết trồng cây cao-su, lúa nước, cà-phê... biết trồng rau trong vườn nhà, biết gửi tiền tiết kiệm, biết tích lũy tiền bạc để đầu tư cho sản xuất, cho con cái ăn học, xây nhà to đẹp để ở, mua xe máy, xe ô-tô để đi làm... Binh đoàn 15 đã giúp bà con mình có được những thứ mà trước đây bao thế hệ đi qua có mơ cũng không thấy được.
Trong quá trình đầu tư sản xuất, xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ chung sức xây dựng NTM, Binh đoàn 15 đã tạo ra nhiều cách làm hay, nhiều mô hình mới hiệu quả như "Vận động người lao động dân tộc thiểu số gửi tiền tiết kiệm"; "Xanh hóa vườn cây"... đặc biệt là mô hình "Gắn kết hộ" đã góp phần quan trọng củng cố tình đoàn kết quân dân, giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu trên những làng quê của mình. "Ðối với bà con dân tộc thiểu số, cái quý nhất là tính chân thành, chân thực, tôn trọng người già, thương yêu bọn trẻ, không phô trương và tuyệt đối phải công bằng. Nói đi đôi với làm, đã hứa với bà con thì khó khăn mấy cũng phải làm cho bằng được. Thắt chặt mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng phối hợp và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án... Ðó chính là những kinh nghiệm quý giá mà chúng tôi rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển Binh đoàn 15 ngày càng vững mạnh", Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ, Chính ủy Binh đoàn 15 khẳng định với chúng tôi.
Theo Nhân Dân