Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 17/10/2012 19:38'(GMT+7)

Cần sự phối hợp liên ngành để ổn định kinh tế vĩ mô

Tiềm ẩn nhiều khó khăn, mất ổn định

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, kinh tế của Việt Nam trong năm 2012; đặc biệt nửa đầu năm và từ tháng 9 trở về trước là một năm khó khăn nhất trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có sự suy giảm toàn cầu rất đậm và hầu hết cả khối EU đều tăng trưởng âm nên Việt Nam cũng không thoát khỏi tình hình chung đó. Những khó khăn đang bộc lộ rõ nhất trong thời gian qua là một khối lượng các doanh nghiệp (DN) tiếp tục dừng hoạt động; mà nguyên nhân không chỉ là do thiếu vốn mà do thị trường tiêu thụ, lãi suất ngân hàng cao, hướng tổ chức sản xuất kinh doanh của các DN kém và sự bắt đầu của cơ chế mới nhưng chưa rõ ràng.

Thời gian qua, vấn đề nổi cộm nhất là lãi suất ngân hàng đang trở thành một điều vô lý. Lãi suất huy động lại cao hơn so với mức lạm phát. Như vậy, nguyên tắc thực dương không đúng, lãi suất huy động và cho vay lại càng cao, một ăn đôi, ví dụ huy động 9% nhưng cho vay là 15-18%, điều đó dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng cao. Không những thế, thông tin của các ngân hàng chưa rõ ràng, minh bạch. Đây được coi là một “điểm đen” rất nguy hiểm, được coi là một “cục máu đông” . Hiện, một số ngân hàng không hoạt động vì nền kinh tế mà đang hoạt động vì lợi ích ngân hàng. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn của nền kinh tế là thu ngân sách giảm chỉ đạt khoảng 60% trong khi chi ngân sách lại tăng bằng khoảng 90%.

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm đen”, kinh tế Việt Nam cũng có những “điểm sáng” bất ngờ như: tốc độ tăng trưởng GDP cao dần; lạm phát giảm mạnh, nhập siêu thấp… Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm có xu hướng cải thiện sau từng quý, quý sau cao hơn quý trước (GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng 5,35%). Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo chiều hướng giảm, thậm chí tháng 6 và 7 là âm, kết quả 9 tháng năm 2012 đã vượt mức 5% so với tháng 12/2011. Một trong những điểm sáng nữa là xuất khẩu tăng cao, đến nay tăng khoảng 18,9% và tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. GS Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu và xuất siêu cũng góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước. Tuy nhiên, với những con số tăng trưởng trên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, còn tiềm ẩn những dấu hiệu tiếp tục của sự khó khăn, mất ổn định trong khi phương hướng chưa rõ ràng; bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế xã hội theo đúng mục tiêu là ổn định hài hòa chưa thật rõ ràng.

Cần sự phối hợp liên ngành

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, sự tăng trưởng thấp không phải là sự bộc lộ nguy hiểm nhất vì điều này đã được dự đoán từ năm trước. Do đó, năm 2012, Chính phủ không coi tốc độ tăng trưởng là ưu tiên nhất mà coi chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô mới là quan trọng. Để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, trước mắt, cần sự phối hợp giữa tài chính, tiền tệ, sự phối hợp của các liên ngành và các chính quyền địa phương. Những sự phối này đều nhằm giảm tải 3 gánh nặng rất cơ bản cho doanh nghiệp đó là: giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, tăng cho vay những lĩnh vực cần thiết; tiếp đến là giảm thuế, giãn thuế, miễn thuế, giảm chi phí sử dụng đất cộng với các chi phí khác; giảm gánh nặng thủ tục hành chính, chi phí hành chính…

Theo TS Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trước mắt, chúng ta cần tập trung xử lý những vấn đề ngắn hạn và bắt tay vào việc thay đổi cách thức phát triển nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, có thể thêm các chính sách khác như khơi dòng tín dụng tốt hơn; đồng thời thực hiện kế hoạch đầu tư công cho hiệu quả và thêm những giải pháp cho cả bên "cung" lẫn bên "cầu" hỗ trợ cho doanh nghiệp. Còn theo ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, năm 2012, tăng trưởng bao nhiêu không quan trọng, điều quan trọng là cần phải ổn định được kinh tế vĩ mô, muốn vậy cần phải đẩy nhanh, mạnh và thực chất quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, một trong những cái khó hiện nay là do chưa áp đặt lãi suất cho vay của ngân hàng, nếu làm được sẽ kiểm soát được nguồn huy động, kiểm soát được lợi ích nhóm của ngân hàng, khiến các DN dễ thở hơn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các DN cần chú ý đến việc vượt qua hàng rào kỹ thuật thương mại. Các DN cần cập nhật các hàng rào đó và có giải pháp để chủ động vượt qua đừng để tình trạng hàng xuất đi mà phải trả về; đồng thời, cần khai thác tốt hơn hệ thống phân phối của Việt Nam ở nước ngoài qua cộng đồng người Việt Nam, qua các Trung tâm bán buôn, trung tâm thương mại, qua hiệp định xuất khẩu… nhằm tạo ra dòng hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau nhiều hơn qua hiệp hội hoặc qua ngành nghề để có tiếng nói lên các cơ quan chức năng, hỗ trợ nhau trong bối cảnh vốn khó với nhiều hình thức như: ghi nợ, ghi nợ chéo nhằm giảm bớt lượng tiền mặt cần sử dụng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục thông tin một cách minh bạch, chính xác hóa hơn; nhất là những thông tin về chính sách, về quan điểm, thông tin về các tình hình, kể cả nợ tốt, nợ xấu đều phải rõ để DN có sự chủ động, đối phó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật, trong sản xuất, kinh doanh. /.

(Theo TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất