Thứ Tư, 27/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 17/10/2012 15:57'(GMT+7)

Hội nghị thường niên IMF: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn diễn biến dai dẳng, ảnh hưởng đến tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trong khu vực và tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác trên thế giới.

Các bộ trưởng tài chính 188 nước thành viên IMF dự hội nghị đã kêu gọi thế giới hành động nhanh và hiệu quả để có thể vượt qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế trì trệ hiện nay và xây dựng lại lòng tin đang bị lung lay.

Thông cáo sau hội nghị nêu rõ hành động tập thể mang tính quyết định vào thời điểm này là cần thiết để đưa kinh tế toàn cầu trở lại tăng trưởng bền vững và cân bằng.

Quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương khác đã phát huy hiệu quả, song điều quan trọng là các kế hoạch củng cố tài chính trong trung hạn cũng cần được triển khai đồng thời.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nói việc hy sinh tăng trưởng cho các biện pháp khắc khổ có thể đặt toàn bộ nền kinh tế thế giới vào tình cảnh hiểm nghèo. Các quốc gia ngập trong nợ nần tại châu Âu cần thêm thời gian để giảm thâm hụt ngân sách bởi nếu quá trình này được tiến hành quá nhanh sẽ phản tác dụng, gây tác động tiêu cực đến các nền kinh tế.

Bà Lagarde kêu gọi hành động trong trung hạn để hạ các mức nợ cũng như những thực hiện cải cách cơ cấu dài hạn để ổn định tăng trưởng. Bà nhấn mạnh mục tiêu giảm nợ công sẽ khó đạt được nếu kinh tế không tăng trưởng và ngược lại, nợ cao cũng sẽ khiến tăng trưởng gặp trở ngại. Bà Lagarde cho rằng sẽ phải thực thi những chính sách tiền tệ khuyến khích các ngân hàng cho vay và việc điều chỉnh chi tiêu cần được thực hiện với một tốc độ hợp lý.

IMF vốn bị chỉ trích vì đã kê một toa thuốc đắng khi yêu cầu các nước phải hạ thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, bà Lagarde đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc gia hạn thêm hai năm cho Hy Lạp để thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu, nhằm đạt được những mục tiêu của ngân sách khắc khổ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble nói không có gì thay thế cho việc phải hạ thâm hụt ngân sách đối với các nước đã chấp nhận nó như điều kiện để nhận được hàng tỷ euro cứu trợ như Hy Lạp. Là quốc gia chủ nợ lớn nhất châu Âu, Đức cho rằng sự chậm trễ trong quá trình giảm thâm hụt ngân sách sẽ chỉ làm yếu đi lòng tin của thị trường.

IMF đã hối thúc Mỹ và châu Âu có những hành động chính sách nhanh chóng hơn để loại bỏ tình trạng không chắc chắn ở các nền kinh tế này và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang chậm chạp. Bà Lagarde nhận định Eurozone đã đạt được những tiến bộ nhất định, song cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp phối hợp. IMF kêu gọi các nước châu Âu cần thúc đẩy cải cách kinh tế đạt được nhiều kết quả hơn nữa nhằm thiết lập một liên minh tài chính và ngân hàng chặt chẽ hơn.

Đối với Mỹ, IMF cảnh báo về nguy cơ "vách đá tài chính," tức việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế tự động dự kiến có hiệu lực vào đầu năm tới, nếu Quốc hội nước này không sớm đạt được sự đồng thuận trong vấn đề ngân sách. IMF nhấn mạnh dự báo mới nhất về kinh tế toàn cầu có thể vẫn là quá lạc quan nếu Mỹ và châu Âu không giải quyết được các vấn đề nội tại.

IMF cũng kêu gọi các nước giàu hành động mạnh mẽ và nhanh chóng hơn trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi Mỹ và Nhật Bản chưa làm được nhiều trong việc giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách.

IMF tỏ ý thất vọng trước sự ứng phó chưa đủ nhanh và mạnh của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng và cảnh báo chương trình ngăn chặn chi phí vay mượn tăng cao tại các nước nặng nợ như Tây Ban Nha có thể sẽ "chết yểu," trừ phi lãnh đạo Eurozone đưa ra được một kế hoạch đáng tin cậy và toàn diện.

Trong khi đó, đề xuất thành lập một hệ thống giám sát ngân hàng châu Âu đã vấp phải nhiều khó khăn khi Đức muốn có thêm thời gian để lên kế hoạch chi tiết trước khi ECB thực hiện chức năng giám sát các ngân hàng.

Mặc dù vậy, bà Largarde đã đề cao những bước đi gần đây nhằm củng cố hệ thống tài chính của châu Âu vốn đang chịu gánh nặng nợ công cao và hoạt động yếu kém của các ngân hàng ở các nước như Hy Lạp và Tây Ban Nha. ECB đã quyết định mua với số lượng không hạn chế trái phiếu chính phủ nhằm giúp hạ chi phí đi vay thông qua chương trình Giao dịch tiền tệ trực tiếp.

Bên cạnh đó, Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của khu vực với quy mô 500 tỷ euro, cũng đã được khởi động. Các chính phủ châu Âu cũng có nhiều động thái nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Tại hội nghị, bà Largarde cũng đề cập việc nới lỏng chính sách là tốt cho các nước phát triển, song sẽ gây nguy cơ tăng trưởng nóng và bong bóng tài sản cho các nền kinh tế mới nổi. Các biện pháp nới lỏng, đặc biệt là ở Mỹ, được coi như yếu tố có đóng góp quan trọng cho sự ổn định về kinh tế ở các nước phát triển, nhưng đã làm giảm giá đồng USD và khơi dòng chảy vốn ồ ạt vào các nền kinh tế mới nổi.

Các nền kinh tế phát triển được khuyến nghị tiến hành những cải cách cơ cấu cần thiết và các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy, các nền kinh tế mới nổi nên duy trì hoặc sử dụng các chính sách linh hoạt nhằm đối phó với những cú sốc bất lợi và thúc đẩy tăng trưởng.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới công bố, IMF đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,3% trong năm nay - mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009; và từ 3,9% xuống còn 3,6% trong năm tới. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng các nước đang phát triển ở châu Á trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Mỹ giảm tốc và cảnh báo những nỗ lực thúc đẩy kinh tế trong nước của Trung Quốc chưa hiệu quả./.

Lê Minh - TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất