ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG
Vai trò, trách nhiệm trong nêu gương của các cấp ủy ở Hà Tĩnh được thể hiện rõ nhất trong việc chỉ đạo chào cờ đầu tháng, kết hợp đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các quy định của tỉnh về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; biểu dương (Chỉ thị 05) các tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất, đạo đức; cung cấp thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên. Nội dung này được thực hiện từ tỉnh đến cơ sở từ 2 nhiệm kỳ trước; đến trong giai đoạn này được Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo để đạt hiệu quả cao và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng chọn những nội dung cốt lõi, trọng tâm của địa phương, đơn vị, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, nhất là người đứng đầu để kiểm điểm tự phê bình và phê bình; chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm; nguyên nhân và trách nhiệm tập thể, cá nhân; đặc biệt bàn giải pháp để khắc phục. Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, định kỳ báo cáo kết quả đến tận đảng viên.
13/17 đơn vị cấp huyện, hơn 300 chi bộ, đảng bộ cơ sở đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh”. Thông qua tọa đàm, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong cuộc sống; đồng thời, nhân rộng các mô hình, những cách làm hay trong toàn Đảng bộ.
Nêu gương thông qua việc học Bác về phong cách làm việc khoa học hiệu quả, Hà Tĩnh tập trung thực hiện cải cách hành chính đồng bộ trên tất cả các nội dung theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông từng bước giảm bớt thủ tục, đầu mối, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân dân, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và các lãnh đạo, cán bộ, công chức được tăng cường.
THỰC HÀNH DÂN CHỦ, KỶ CƯƠNG
Việc thực hành dân chủ được thể hiện trong mối quan hệ giải quyết công việc giữa người đứng đầu với cấp dưới; tiếp thu ý kiến nhiều chiều; thường xuyên tổ chức đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nhất là việc giải quyết, xử lý những vấn đề bức xúc, các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Các cấp chính quyền của tỉnh đã tập trung cao công tác “dân vận chính quyền”, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Phát huy dân chủ, kỷ cương đã được Hà Tĩnh cụ thể hóa trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, tập trung bố trí, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với mục tiêu theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đảm bảo đúng quy trình, chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng pháp luật.
Công tác cán bộ cũng được thực hiện dân chủ. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo hướng đa chiều, thường xuyên; thực hiện quy trình về đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy trình 5 bước, không có hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”. Tiến hành lấy phiếu đánh giá, nhận xét của cán bộ theo phân cấp quản lý đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; ban hành Quy định lấy phiếu đánh giá, nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Hà Tĩnh đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Quy định về phân cấp quản lý cán bộ; Quy định về một số chính sách đối với cán bộ, đảng viên; Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó, quy định cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phải có chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học phù hợp với vị trí công tác.
Việc thực hành dân chủ, kỷ cương trong Đảng, trong nhân dân đã góp phần giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm nhân dân quan tâm. Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 322 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp. Những vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm trên một số lĩnh vực: đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách người có công... được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thấu tình đạt lý, có tính giáo dục cao, đã góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, tình hình an ninh trật tự cơ bản đảm bảo.
GẮN VỚI TRIỂN KHAI CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hà Tĩnh đã chỉ đạo việc học tập và làm theo Bác gắn với triển khai các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giảm nghèo; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; đấu tranh ngăn chặn sự xuống cấp một số mặt đạo đức xã hội.
Tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nỗ lực phấn đấu thi đua tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Việc thực hiện Chỉ thị 27 gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần quan trọng tạo sự phát triển nhanh, toàn diện và có tính đột phá về kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Sau 3 năm chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển, kinh tế toàn tỉnh Hà Tĩnh đã phục hồi. Năm 2018 tốc độ tăng trưởng đạt 20,8%, thu ngân sách đạt 12.784 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Hiện toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; có 1.270 dự án đầu tư, trong đó có 1.192 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 107 nghìn tỷ đồng và 78 dự án đầu tư nước ngoài có số vốn đăng ký trên 13 tỷ USD, đã tạo việc làm cho trên 21 ngàn lao động.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 1 huyện và 158 xã (69% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới góp phần thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thành phố Hà Tĩnh được công nhận đô thị loại 2. Đặc biệt, Hà Tĩnh triển khai thực hiện tiêu chí thứ 20 về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 283 thôn và 3.380 vườn mẫu đạt chuẩn; có trên 1.200 vườn mẫu doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên; trong đó, có trên 260 vườn doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều khu dân cư trở thành vùng quê “trù phú - an lành”.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh tăng 22 bậc trong 3 năm từ năm 2016 - 2018. Hà Tĩnh thuộc nhóm 5 tỉnh có sự cải thiện tốt nhất chất lượng điều hành, thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu về phát triển chính phủ điện tử (năm 2017). Năm 2018, Hà Tĩnh xếp thứ 7 toàn quốc về chỉ số PAPI (tăng 5 bậc so với năm 2017).
|
Phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm nghèo được cấp ủy các cấp quan tâm, xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Các cấp ủy đã chỉ đạo xây dựng, ban hành các quy chế: làm việc của cấp ủy, quản lý tài chính, quản lý, sử dụng tài sản công, chi tiêu nội bộ... Tập trung triển khai thực hiện đề án giảm nghèo bền vững gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2016 - 2018, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh tập trung nỗ lực trong triển khai đề án giảm nghèo bền vững gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% (đầu năm 2016) xuống 6,92% (năm 2018), hộ cận nghèo giảm từ 8,4% xuống 6,57%. Hà Tĩnh hiện không còn huyện nghèo. Các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, y tế… và các chương trình, dự án đặc thù được triển khai hiệu quả.
Giai đoạn 2019 - 2020, Hà Tĩnh xác định việc nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hàng đầu, phấn đấu duy trì, hoàn thành kết quả 9 chỉ tiêu giảm nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; giải quyết cơ bản về hạ tầng kinh tế - xã hội ở xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, Hà Tĩnh tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đề cao vai trò trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu các ngành, các cấp. Tổ chức tốt các hội nghị tọa đàm “Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thứ hai, bám sát nội dung học tập chuyên đề năm 2019 của Trung ương “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các địa phương, đơn vị xác định nội dung đột phá, xây dựng chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 phù hợp với tình hình của đơn vị mình.
Chỉ đạo đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, tiếp tục thực hiện tốt việc đưa nội dung các chuyên đề hằng năm vào sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, các đoàn thể, các tổ chức hội và cơ quan, đơn vị, nhất là nội dung chuyên đề năm 2019 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Thứ ba, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và các tổ chức hệ thống chính trị của các ngành, địa phương, đơn vị. Cấp ủy các cấp lựa chọn các nội dung công việc trọng tâm, kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm, nhất là những vấn đề lệch lạc về quan điểm, đường lối và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có kế hoạch, biện pháp khắc phục cụ thể, phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nghiêm túc thực hiện nội dung đưa chương trình giảng dạy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở Trường Chính trị Trần Phú, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Thứ tư, phát huy vai trò giám sát, phản biện và góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian tới.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05, tiếp tục đưa việc thực hiện nội dung cam kết học tập và làm theo Bác vào kiểm điểm sinh hoạt đảng hằng tháng, cuối năm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu xây dựng thang điểm đánh giá tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cơ sở để kiểm tra, xếp loại tập thể, cán bộ, đảng viên vào cuối năm.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc học tập và làm theo Bác; chú trọng biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay. Công tác tuyên truyền gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.../.
Nguyễn Thị Hà Tân
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh