(TG)-Ba mươi năm qua chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới theo sự lựa chọn và quyết định tất yếu và đúng đắn của Đảng. Trong ba mươi năm đó, đất nước của chúng ta thay da đổi thịt từng ngày, ước vọng của người Việt đã cũng đã thay đổi rất nhiều từ những điều giản dị là được sống bình yên không tiếng súng, từ thiếu đói đến được ăn no, mặc ấm rồi ăn ngon, mặc đẹp và ngày nay, nói rộng hơn là mục tiêu cao cả mà Đảng ta đã đề ra và quyết tâm thực hiện là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước cùng với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng từ nhiều năm nay đang đòi hỏi chúng ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải cách thể chế mà vấn đề mấu chốt hàng đầu là phải có sự đột phá về tư duy, làm cơ sở lý luận, nhận thức để cải cách thể chế và đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.
Trước hết, là tư duy về mục tiêu phát triển, đó chính là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tiễn cho thấy mục tiêu này đúng với kỳ vọng của Nhân dân ta, có sức tập hợp, động viên sức mạnh của toàn dân tộc đấu tranh cho sự phát triển bền vững của đất nước, cho ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân. Để hoàn thiện được nội hàm của mục tiêu to lớn đó, chúng ta đã phải mất một thời kỳ phôi thai, đấu tranh, từng bước hoàn thiện lý luận cùng với sự chiêm nghiệm, khẳng định từ thực tiễn. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như hiện nay là rõ ràng, ngắn gọn, đầy đủ, phù hợp với quy luật khách quan. Nói như GS.TSKH Vũ Minh Giang trên Báo quân đội nhân dân cuối tuần, số 1077, tháng 8/2016: “Thành tựu của sự nghiệp đổi mới là sự tiếp nối thành công từ Cách mạng tháng Tám”, “nhắc đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta không nhắc để gặm nhấm ánh hào quang của quá khứ mà chúng ta hiểu đó mới chỉ là sự khởi đầu trong một trang sử mới của dân tộc” nên mục tiêu to lớn nêu trên là sự tiếp nối mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Chính phủ ta đã đề ra ngay từ khi nắm chính quyền. Chính vì thế, mọi chủ trương, chính sách, mọi quy định của pháp luật đều phải nhằm đúng mục tiêu này, thể hiện rõ tư duy về một xã hội dân chủ, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc, của người dân lên trên hết; về một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, vững vàng trong hội nhập quốc tế.
Thứ hai, là tư duy về nhà nước pháp quyền. Đó là việc bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và các chuẩn mực, bảo vệ các giá trị xã hội khác đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, không để cho bất cứ một quyền nào của dân bị hạn chế trái với Hiến pháp. Tổ chức quyền lực nhà nước cần được giám sát để tránh cửa quyền, lạm quyền. Chính phủ thực hiện đúng vai trò của mình là “kiến tạo phát triển”, tạo cơ hội cho mọi người dân có điều kiện thuận lợi góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh chứ không thể nghĩ mình có quyền “quản lý” và có quyền quyết định để can thiệp tùy tiện vào đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thể chế hành chính phải công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp. Việc xét xử của Tòa án phải theo đúng luật pháp và không bị tác động bởi bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào.
Khái niệm nhà nước pháp quyền cần phải được nhận thức đúng đắn chứ không thể chỉ được nhắc đến như một tiêu đề sáo rỗng, còn nội hàm và tinh thần của nó không được nhận thức rõ ràng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhà nước pháp quyền không phải là bản chất riêng có của hình thái nhà nước nào mà là một mô thức tổ chức quyền lực nhà nước mà ở đó pháp luật là tối thượng, đảm bảo cho mọi chủ thể trong xã hội không những được đối xử công bằng trước pháp luật mà họ còn có thể “sử dụng” pháp luật như “giá trị” hữu hiệu nhất để có được sự bảo vệ tối ưu cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Với ý nghĩa đó, nội hàm của khái niệm “pháp chế” mà một thời kỳ khá dài chúng ta sử dụng, đã bị vượt qua rất xa, thậm chí ở một khía cạch nào đó, dường như còn là sự phát triển theo chiều hướng đối lập. Bởi khi nhắc đến pháp chế, người ta luôn hiểu nó là sự tồn tại của một hệ thống pháp luật và sự “tuân thủ” pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội, kể cả nhà nước, nhưng lại có một điều cũng dường như tồn tại hiển nhiên là “nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật”, vì vậy mà vô hình chung, pháp luật chỉ được xem như là một công cụ trong tay nhà nước, còn người dân và tổ chức khác trong xã hội nhiều lúc bị xem như đối tượng của pháp luật. Thật tiếc là, tư duy “pháp chế” đã in hằn khá sâu trong ý thức của đội ngũ cán bộ, nên trong thời đại ngày nay, thời đại của dân chủ, pháp quyền, mà nhiều cán bộ khi thi hành công vụ cũng chỉ nhắc đến được hai từ “pháp chế” hoặc cả cụm từ “pháp chế xã hội chủ nghĩa” mà chưa hiểu rõ, thậm chí chưa tiếp cận được khái niệm nhà nước pháp quyền.
Thứ ba, là tư duy về nền kinh tế thị trường hiện đại, vận hành theo đúng các quy luật phổ biến của thị trường. Bảo đảm các quyền của công dân trong thị trường: quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; quyền bình đẳng và tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các loại thị trường cần có chính sách, luật pháp để phát triển đồng bộ. Tạo môi trường cho khoa học, công nghệ có tác động vào sản xuất, coi khoa học, công nghệ là nhân tố chủ yếu quyết định nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, là tư duy về các tổ chức xã hội. Khuyến khích hình thành và hoạt động có hiệu quả các tổ chức xã hội, bao gồm các đoàn thể nhân dân, các hội, hiệp hội, trung tâm, câu lạc bộ, v.v… Cần coi đây là khu vực do dân tự nguyện lập ra, đại diện cho các nhóm xã hội khác nhau, có tác dụng khỏa lấp những khiếm khuyết, lệch lạc của thị trường, đồng thời góp phần cùng với Nhà nước trong những dịch vụ cho cộng đồng. Khuyến khích hơn nữa các tổ chức xã hội trong công tác chăm lo đời sống, tạo việc làm cho nhóm người yếu thế (phụ nữ cô đơn, người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ…), bảo vệ môi trường, v.v… Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các tổ chức xã hội đóng góp xây dựng thể chế chính sách, đã đến lúc cần tôn trọng đúng mực đối với ý kiến phản biện tâm huyết vì sự phát triển của đất nước.
CNXH mà chúng ta đang xây dựng dựa trên nền tảng công bằng, trong mục tiêu khái quát hiện nay, công bằng cũng là một nội dung được đặt đúng vị trí của nó. Tuy nhiên, có một thời kỳ chúng ta quan niệm không đúng về công bằng hoặc đưa ra mục tiêu công bằng nhưng không gắn liền với những tiền đề tất yếu của nó, thậm chí có lúc chúng ta xem công bằng chỉ như là sự cào bằng trong xã hội; xem mọi người đều như nhau, ai cũng phải làm việc như nhau, không hơn và không kém. Nhưng thực tế là gì? Hãy quan sát, mọi người xung quanh có như nhau không? Hoàn toàn không. Mỗi cá nhân trong xã hội đều khác nhau. Tôi thích làm việc 12 tiếng 1 ngày, người kia thích làm việc 8 tiếng. Người kia thích mạo hiểm kinh doanh, người kia thì thích ăn lương tháng. Người kia muốn làm trong ngành dầu khí, trong khi người nọ thích làm nhạc sĩ. Mỗi người đều khác nhau hoàn toàn và không thể gom chung lại với nhau. Vì mỗi người khác nhau nên giá trị lao động cũng khác nhau, đồng nghĩa với việc lương mỗi người cũng khác nhau. Thị trường quyết định giá trị của từng người chứ không phải là chính phủ. Xin dẫn câu nói của Milton Friedman: “Một xã hội ưu tiên sự công bằng trước tự do sẽ không có công bằng và tự do. Nhưng một xã hội mà ưu tiên tự do trước sự công bằng sẽ có được một mức độ cao của cả hai.”. Đây có lẽ chính là lý do cốt yếu để khẳng định vị trí của “dân chủ” trước từ “công bằng” trong mục tiêu khái quát mà Đảng ta xác định và theo đuổi.
Đạt được những đột phá nêu trên là một công việc không hề đơn giản. Chính vì thế, thiết nghĩ mọi cá nhân và tổ chức, nhất là đối với những người có vị trí quyết định và có trách nhiệm đối với việc hình thành thể chế, cần vượt lên chính mình, vì lợi ích của dân tộc mà mạnh dạn rũ bỏ những tư duy lỗi thời, không còn phù hợp với cuộc sống, những tư duy đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.
Nhìn ra thế giới chúng ta có thể thấy, đã có những trường hợp rất đáng để chúng ta tham khảo, ngay cả ở những quốc gia rất tương đồng với chúng ta. Ví dụ, Giáo sư Trần Văn Thọ - một chuyên gia kinh tế có uy tín đã nêu lên trường hợp của Trung Quốc (trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 8 và 9 tháng 2/2015), nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua; so với Việt Nam, năm 1984, GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam độ 30%, nhưng đến năm 2013, khoảng cách đó tăng lên đến 3,5 lần. Yếu tố quan trọng nhất của thành công đó là do Trung Quốc đã dứt khoát theo “chủ nghĩa phát triển”, không để ý thức hệ kìm hãm khả năng phát triển. Có lẽ cần xem đó cũng là một trường hợp thành công do có đột phá về tư duy!
Vì mục tiêu phát triển của đất nước, quyền lợi của dân tộc thiêng liêng, cao cả, nhất thiết chúng ta phải từ bỏ loại tư duy lỗi thời đã theo đuổi và tôn sùng, để tiếp cận tư duy mới của thời đại, dù rằng đây là một cuộc chiến đấu gay go, vì sẽ gặp phải rất nhiều lực cản. Lịch sử sẽ ghi công những người dũng cảm tham gia mở đường cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới…
Nguyễn Văn Đổng
Tòa án quân sự Quân khu 4