Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN) giai đoạn 2011-2020. Chiến lược được hy vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản trong hoạt động KH và CN, để KH và CN cùng với giáo dục và đào tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là chiến lược) là một văn bản có tính chất tổng quan từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ và các biện pháp bảo đảm phát triển KH và CN của nước ta đến năm 2020. Ở nghĩa rộng, chiến lược có thể hiểu là tổng quan triết lý, quan điểm, chủ trương và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo thế và lực mới, những chuyển biến căn bản, thay đổi cục diện và đạt được những mục tiêu lớn, có tính chất quyết định, lâu dài.
Theo Thứ trưởng Bộ KH và CN, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011 - 2020 được xây dựng trên cơ sở những bài học qua quá trình thực hiện Chiến lược phát triển KH và CN Việt Nam đến năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003. Trình độ KH và CN của đất nước cũng đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Chiến lược lần này, bên cạnh việc khắc phục những hạn chế trong giai đoạn trước, đã có được tầm nhìn mới, giải pháp mới phù hợp bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới; xác định được khâu then chốt, tháo gỡ căn bản những nút thắt để phát triển KH và CN phục vụ CNH, HÐH.
Chiến lược mới đã đặt ra nhiều mục tiêu cũng như định hướng phát triển KH và CN. Trong đó, có ba nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa đột phá để phát triển KH và CN trong thời gian tới. Thứ nhất, đổi mới căn bản và toàn diện tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH và CN. Theo chiến lược, ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư cho những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và phục vụ mục đích công ích. Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp ưu đãi để huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ toàn bộ hoạt động KH và CN. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được coi là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Thứ hai, nâng cao năng lực KH và CN quốc gia, bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở KH và CN (các trung tâm nghiên cứu, trang thiết bị nghiên cứu, ứng dụng) và đào tạo nguồn nhân lực KH và CN. Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng; gắn nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, vùng và địa phương.
Thực tế hoạt động KH và CN cho thấy, có ba yếu tố cơ bản liên quan chặt chẽ, tác động lẫn nhau để KH và CN phát triển nhanh và bền vững là hạ tầng KH và CN , nhân lực KH và CN và thực hiện nhiệm vụ KH và CN. Nếu một trong ba khâu này yếu thì không thể bảo đảm hiệu quả đầu tư phát triển KH và CN.
Việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân lực, nhất là nhân tài KH và CN cũng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược. Nhà khoa học được coi là chủ thể, trung tâm của phát triển. Cụ thể, trong Chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011 - 2020 có nêu: "Ðổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ theo hướng tạo động lực và lợi ích thiết thực để giải phóng và phát huy sức sáng tạo của cán bộ khoa học. Áp dụng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Bảo đảm lợi ích chính đáng của các tác giả có phát minh, sáng chế".
Chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những mục tiêu, định hướng và giải pháp cụ thể để phát triển KH và CN. Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu đề ra, cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ban, ngành, địa phương, để phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo thật sự "là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững" như quan điểm phát triển KH và CN đã đưa ra trong chiến lược.
Theo Nhân Dân