Ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phong trào xây dựng “gia đình văn hóa” được cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể chú trọng, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tác động tích cực lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một phong trào lớn được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, có tác động to lớn đến phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Trong đó, xây dựng “gia đình văn hóa” là một nội dung quan trọng của phong trào. Tiêu chuẩn danh hiệu “gia đình văn hóa” cũng được xác định rõ với ba nội dung chủ yếu: Một là, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Hai là, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Ba là, tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phong trào xây dựng “gia đình văn hóa” được cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể chú trọng, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tác động tích cực lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Các tiêu chuẩn để phấn đấu đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” là những nội dung mang tính toàn diện, hỗ trợ, liên kết tương tác lẫn nhau, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và là cơ sở để đánh giá chất lượng đảng viên, chi bộ và cơ sở Đảng vững mạnh; cơ quan, đơn vị, trường học, đơn vị… văn hóa. Công tác đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa” được các địa phương quán triệt và triển khai thực hiện ở từng tổ dân cư mà vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện là Ban công tác Mặt trận ở cơ sở. Các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục đề nghị UBND cấp xã công nhận “gia đình văn hóa”được thực hiện công bằng, dân chủ trên nguyên tắc công khai, gắn với các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trên cơ sở tiêu chuẩn xây dựng “gia đình văn hóa” đã được các gia đình đăng ký, Ban vận động các địc phương tổ chức tuyên truyền, vận động để từng hộ gia đình phấn đấu thực hiện. Công tác tổ chức bình xét , công nhận “gia đình văn hóa” đã được Ban vận động thôn, ấp, khu phố hướng dẫn thực hiện theo đúng quy chế và phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, địa bàn dân cư. Song song với công tác bình xét, công nhận nhằm bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”, các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc thu hồi danh hiệu đã được công nhận nếu có vi phạm xảy ra.
Qua thực hiện phong trào, nhìn chung phần lớn các hộ gia đình biết chăm lo làm ăn, nhiều hộ đã phấn đấu vượt khó thoát nghèo, làm giàu chính đáng; sản xuất, kinh doanh giỏi; nêu cao ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 214.923/222.312 hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 93,38%. Để phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” phát triển có chiều sâu, nâng lên về chất, cần đánh giá đúng thực chất, không chạy theo bệnh thành tích, bình xét, đánh giá, công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa” theo tiêu chí đề ra./.
Theo cinet.gov.vn