Do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều tỉnh, thành phía Bắc như
Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lào Cai,
Hà Giang... đã có mưa to đến rất to, gió giật mạnh gây thiệt hại về người và tài
sản.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương
này, tính đến chiều 4/8, mưa bão đã làm 4 người chết tại Hòa Bình và Bắc Kạn; 7
người bị thương tại Điện Biên, Quảng Ninh và Bắc Giang; hơn 1.000 ngôi nhà bị
sập đổ, tốc mái và ngập úng; hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại;
nhiều cột điện, cột ăng ten viễn thông bị đổ; một số lồng bè nuôi trồng thủy sản
bị vỡ; nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc.
Theo báo cáo nhanh từ Ban
chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, bão số 5 đã làm 3
người thiệt mạng. Các nạn nhân là Nguyễn Đăng Huấn (sinh năm 1978) cán bộ kiểm
lâm huyện Đà Bắc, bị lũ cuốn trôi vào khoảng 19 giờ ngày 3/8, khi đi làm nhiệm
vụ về qua đoạn suối Trầm, xã Tân Minh và đã tìm thấy thi thể lúc 9 giờ ngày 4/8;
hai vợ chồng Bùi Văn Nhân (1983) và Ngô Thị Mai (1981) bị lũ cuốn trôi vào
khoảng 15 giờ, đã tìm thấy thi thể lúc 7 giờ ngày 4/8.
Hiện, thi thể các
nạn nhân đã được gia đình và chính quyền địa phương tổ chức an táng. Một số nơi
trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại như: xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình sạt lở
khoảng 100m3 đất ở khu vực Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, 2 nhà
dân bị đất đồi sạt vào nhà; 150ha lúa ở xã Phú Cường, huyện Kỳ Sơn bị ngập; ngập
úng khoảng 500 nhà dân.
Tại Bắc Kạn, mưa lũ làm 1 người chết, nạn nhân là
anh Hoàng Nguyên Tài, sinh năm 1949, trú tại thôn Làng Giao, xã Yên Đĩnh, huyện
Chợ Mới; trên 70 nhà bị sập, hư hại; trên 180 ha lúa mới cấy của bà con cũng bị
ảnh hưởng nặng. Nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc do sạt lở đất, đá.
Tuyến Quốc lộ 3, đoạn từ Thác Giềng đi Chợ Mới có 3 điểm sạt lở nghiêm
trọng ở Km 118, 129, 130 với khối lượng sạt lở trên 20.000 m3 gây tắc đường theo
hướng từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, sau thời gian nỗ lực khắc phục đến nay cơ bản
đã thông xe. Tuyến tỉnh lộ 254, 255, 258, 257, 279 đang trong giai đoạn khắc
phục sạt lở ở trận mưa trước thì nay cũng bị sạt lở nặng.
Tại một số địa
phương của tỉnh Điện Biên đã xảy ra mưa rất to kèm theo gió giật. Hậu quả thiên
tai đã làm 3 người bị thương, một số gia đình bị ngập úng, nhà bị tốc mái. Quốc
lộ 279 đoạn từ thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang đã tê liệt từ 20
giờ ngày 3/8 đến 11 giờ ngày 4/8.
Tại Lào Cai, mưa đều khắp khiến các
sông suối trong toàn tỉnh tái xuất hiện một đợt lũ cao. Tại sông Chảy, vào lúc 8
giờ sáng 4/8, mực nước đã dâng vượt cấp báo động 1 là 66cm (đến 71,66m), biên độ
lũ đạt mức 3,04m và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước sông lên nhanh khiến hồ thủy
điện Cốc Ly (Bắc Hà) lần thứ 2 phải xả lũ trong vòng chưa đầy một tuần, làm ngập
hầu hết diện tích rau màu phía hạ lưu.
Trên sông Hồng và sông Nậm Thi,
đoạn chảy qua thành phố Lào Cai mực nước cũng lên cao 78,81m; biên độ lũ là
1,47; Ngòi Nhù (Văn Bàn) mực nước lên tới 87,70m, tái diễn lũ cao với biên độ
trên 2,5m. Chưa có thống kê chính thức về thiệt hại, nhưng đã có ít nhất hàng
chục ha lúa mới cấy ven các con suối ở các huyện Văn Bàn, Bát Xát, Sa Pa, Bảo
Yên và nhiều diện tích hoa màu của người dân ven sông Hồng và sông Chảy bị vùi
lấp.
Tại Hà Giang, đã có 1 nhà dân ở thôn Bản Phùng, xã Lao Chải (huyện
Vị Xuyên) bị sập hoàn toàn; 2 điểm trường và nhiều nhà của bà con dân tộc thiểu
số ở thôn Thèn Ván 1, Thèn Ván 2 xã Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ) bị tốc mái. Mưa
lớn cũng đã gây nước dâng làm ngập lụt cục bộ tại một số thôn bản của xã Nghĩa
Thuận (huyện Quản Bạ) và cuốn trôi 1 cây cầu ở xã Lao Chải (huyện Vị
Xuyên).
Mưa lớn từ trưa ngày 3/8 đến rạng sáng 4/8 đã làm một sạt lở một
lượng lớn đất đá ven taluy dương dọc Quốc lộ 4, đoạn km 390 từ Cửa khẩu Thanh
Thủy đi xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên) bị ách tắc giao thông. Mưa lớn cũng đã làm
sạt lở gây ách tắc giao thông hoàn toàn tại tuyến đường từ huyện Xín Mần đi Mốc
5 - Cửa khẩu Xín Mần (huyện Xín Mần).
Theo Ban Chỉ huy phòng chống, lũ
bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, đã có 1
nhà dân ở huyện Đình Lập bị sập, 105 nhà bị tốc mái; trong đó riêng huyện Đình
Lập có 42 nhà, cột tiếp sóng truyền hình của huyện cũng bị đổ, một số cây xanh
bị đổ gãy trên một số tuyến đường của huyện Đình Lập và Lộc Bình đang được chính
quyền chỉ đạo xử lý, khắc phục. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 2 tỷ
đồng.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có trận mưa lớn kéo dài từ 14 giờ đến
15 giờ ngày 3/8. Tại thành phố Sơn La, có 5 điểm bị ách tắc giao thông, có đoạn
đường ngập khoảng 50cm; hàng chục ha hoa màu, ruộng lúa mới cấy của bà con vừa
khôi phục xong do những trận mưa cuối tháng 7 vừa qua nay lại tiếp tục bị ngập
sâu trong nước. Các tuyến tỉnh lộ 110, 101, 112 đi 8 xã vùng cao của huyện Mộc
Châu và các xã vùng ven hồ thủy điện Hòa Bình vừa mới khôi phục tạm cho xe máy
đi qua nay tiếp tục bị sạt lở cả 2 phía ta luy âm, dương làm ách tắc giao
thông.
Tỉnh Quảng Ninh có 3 người bị thương nhẹ đã được cấp cứu kịp thời,
đổ 2 cột ăng ten viễn thông cao 42m tại huyện Hải Hà và Đầm Hà, đổ 6 nhà cấp 4,
tốc mái gần 332 nhà cấp 4 và 796 công trình phụ, đổ 14 cột điện hạ thế, vỡ 5 ô
lồng bè nuôi trồng thủy sản, đổ 3ha cây keo cùng nhiều cành cây xanh, vùi lấp
một số diện tích lúa muộn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ
đồng.
Thành phố Hải Phòng có 1 nhà bị cháy do chập điện, sập 1 nhà mái
tôn, sập 100m2 mái tôn Trụ sở văn phòng, tốc mái 3 nhà, xưởng; ảnh hưởng tới
năng suất của 50ha rau màu, vỡ 1 bè nuôi thủy sản; đứt 3 phao dẫn luồng khu vực
bến Bèo (Cát Bà), sạt 35m đường 356 (Cát Bà), đổ gãy 35 cây xanh; đứt đường dây
35KV tại xã Phù Long và đường hạ thế tại xã Hiền Hào, Cát Hải.
Tỉnh Bắc
Giang có 1 người bị thương, hơn 1.500ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Tỉnh Bắc
Ninh cũng có 745ha hoa màu các loại bị hư hại.
Ban chỉ huy Phòng chống
lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương các
huyện, xã, thị trấn đang khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện để khắc
phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân
dân./.
(TTXVN)