Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 15/6/2010 16:49'(GMT+7)

Ba Vì chỉ là quỹ đất dự trữ trong quy hoạch dài hạn

Trục Thăng Long trong đồ án quy hoạch thủ đô

Trục Thăng Long trong đồ án quy hoạch thủ đô

 

Sáng 15/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trước khi cho ý kiến về Đồ án này, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày Báo cáo bổ sung ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại cuộc thảo luận tổ hôm 3/6 và làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội có ý kiến.

Ba Vì chỉ là quỹ đất dự trữ

Về ý kiến cho là “Trung tâm hành chính Quốc gia chuyển lên Ba Vì”, báo cáo bổ sung của Bộ Xây dựng nêu rõ, Ba Vì trong ý tưởng Quy hoạch chung lần này chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050. Trụ sở các Bộ, ngành ở Mỹ Đình không nhất thiết sau này cũng phải chuyển đi nếu không có nhu cầu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng nhấn mạnh, việc dành quỹ đất dự trữ là cần thiết, tương tự như việc quy hoạch dành đất cho các công trình công cộng, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ… phải được nêu trong quy hoạch dài hạn. Đây là đề xuất về tầm nhìn, cần phải có trong một đồ án quy hoạch chung.

Về trục Thăng Long, trục cảnh quan được đề xuất kết nối khu vực nội đô với Hòa Lạc, báo cáo của Bộ Xây dựng cho rằng, một số ý kiến gọi trục Thăng Long “là trục tâm linh hay trục hoàng đạo” là không đúng với ý tưởng của đồ án. Trục Thăng Long bên cạnh chức năng giải quyết các vấn đề về giao thông và hành lang hạ tầng kỹ thuật là hết sức cần thiết, còn tạo đặc trưng và điểm nhấn về không gian kiến trúc mới cho thủ đô Hà Nội (đoạn mở rộng dài khoảng 3,5km tại khu vực từ vành đai 3 đến vành đai 4 để bố trí các công trình kiến trúc văn hóa) và ý tưởng của tư vấn là thể hiện không gian kiến trúc cảnh quan kết nối văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài.

Dọc trục Thăng Long sẽ được xây dựng và kiểm soát quỹ đất hai bên đường để tạo dựng nên quần thể kiến trúc đô thị hiện đại cho Thủ đô. Các dự án nơi có trục Thăng Long đi qua sẽ được quy hoạch lại để phù hợp với mục tiêu phát triển chung của thành phố. Trục Thăng Long sẽ được phát triển theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với nhu cầu phát triển. Trước mắt, cần phải kiểm soát bảo vệ quỹ đất và hành lang cho phát triển tuyến đường này trong tương lai, tránh để cho các dự án đầu tư không đúng mục đích sẽ ảnh hưởng tới công tác di dời, giải phóng mặt bằng trong tương lai.

Về tài chính và lộ trình thực hiện, Báo cáo bổ sung nêu rõ, vấn đề tài chính trong Quy hoạch chung xây dựng được hiểu là khái toán vốn đầu tư xây dựng, khác với tổng mức đầu tư trong Dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án đầu tư phải được tính toán càng chính xác càng tốt để thấy được hiệu quả đầu tư và xác định ngay được nguồn tài chính ở đâu để thực hiện dự án. Do đặc tính của quy hoạch là dự báo cho khoảng thời gian dài 10 năm, 20 năm, tầm nhìn 30 năm hoặc 40 năm, nên khái toán vốn đầu tư xây dựng trong Quy hoạch chung là để biết được nhu cầu về tài chính để thực hiện được mục tiêu và tầm nhìn đặt ra trong quy hoạch. Từ đó xây dựng các giải pháp và cơ chế chính sách phù hợp để tạo ra nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Xây dựng trục Thăng Long: liệu đã cần thiết

Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn nữa nhiều vấn đề trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Một số đại biểu nhất trí với báo cáo bổ sung của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân là không có việc dời Thủ đô đi vị trí khác mà việc xem xét xây dựng một số cơ quan nhà nước tại vị trí mới là nằm trong quy hoạch mở rộng thủ đô do tại các vị trí hiện nay không thể xây dựng mới các công trình kiến trúc lớn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt khi Hà Nội có số dân ngày càng tăng. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) kiến nghị, Ba Vì được quy hoạch là quỹ đất cho tương lai 20-30 năm nữa, vì thế không cần phải đề cập trong thời điểm hiện tại để tránh tình trạng biến động giá đất, sốt đất làm lợi cho một nhóm đối tượng đầu cơ. Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng chỉ nên đầu tư xây dựng Ba Vì thành một điểm sinh thái, trở thành lá phổi của thủ đô là tốt nhất.

Măc dù đã có giải trình bổ sung của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân về trục Thăng Long, nhưng nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ hơn chức năng của các trung giao thông chính như trục Thăng Long, trục quốc lộ 6, quốc lộ 3, trục Láng - Hòa Lạc, đặc biệt trục Thăng Long do việc xây dựng trục này gắn kết chặt chẽ với việc dành quỹ đất để xây dựng một số trụ sở cơ quan hành chính sau này tại Ba Vì. Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, trục Thăng Long ngoài mục đích tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc mới cho thủ đô Hà Nội, nó còn là con đường kết nối trung tâm hành chính mới ở Ba Vì với khu vực nội đô. Nếu không có ý định chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì thì không cần thiết phải xây dựng con đường này bởi lãng phí rất lớn. Trong khi để thiết lập một trục kết nối văn hóa thì trục Bắc Nam mới là điểm có giá trị kết nối văn hóa, lịch sử mạnh. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cũng kiến nghị cần cân nhắc việc xây dựng trục Thăng Long, bởi theo đại biểu lý do xây dựng con đường này như Đồ án đưa ra là không thuyết phục. Nếu chỉ để tạo điểm nhấn mà làm thì không nên. Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (đoàn Hải Dương) đề nghị cần làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn khi chọn trục Thăng Long hướng thẳng đến Ba Vì. Đại biểu cũng đồng tình với ý kiến một số đại biểu đề nghị nên có trục hướng tâm lớn là trục Bắc Nam.

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (đoàn Bình Định) nhất trí với việc phát triển hàng loạt đô thị vệ tinh và cho rằng, các tuyến đường liên kết giữa các đô thị này cần tính toán cho phù hợp để giao thông đi lại được hiệu quả, nhất là việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh với hệ thống giao thông hạ tầng phải đồng bộ, tối ưu.

Một số ý kiến cho rằng, cần xem xét lại các tiêu chí ưu tiên khi xây dựng chuỗi đô thị và các trục đường như tiêu chí “xanh” được coi trọng nhất cần xem xét lại và cần chú trọng hơn tiêu chí “hiện đại” đang đứng vị trí thứ 4 khi xây dựng các công trình kiến trúc, các công trình giao thông, hạ tầng… trong Đồ án.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) cho rằng, mô hình phát triển trong Đồ án với Đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn khác thuộc khu vực nông thôn là phù hợp do chuỗi đô thị mới này sẽ góp phần thu hút rất lớn dân số từ nội đô hiện nay ra ngoài, triển khai hàng trăm dự án mới, giảm áp lực dân số cũng như giao thông đang trong tình trạng báo động hiện nay, phù hợp sự phát triển chung của thời đại.

Một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ và nhận thức đúng đắn về định hướng của Đồ án, tránh sự xáo trộn về tâm lý, tránh việc lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, gây tâm lý bất ổn và đảm bảo quyền lợi của nông dân. Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (đoàn Hải Dương) kiến nghị: Cần tuyên truyền để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, không được lấy tiêu chí xây dựng phân khu làm ảnh hưởng tiêu chí xây dựng ở mức vĩ mô, tổng thể. Giai đoạn trước mắt, nên phát triển khu vực giữa trục Hòa Lạc và trục Quốc lộ 32, tạo điểm nhấn đầu tiên cho Hà Nội. Phát triển đúng theo Đồ án và cần chú ý bảo vệ đất nông nghiệp, đất trồng trọt.

Kết luận phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hôi Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, nhìn chung ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất nhiều nội dung của Quy hoạch chung nhằm xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng với vị thế Thủ đô của cả nước, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước cũng như phục vụ tốt yêu cầu mở rộng và sử dụng hợp lý các khu vực của Thủ đô Hà Nội, tránh tình trạng tập trung mật độ lớn tại một số ít khu vực trong khi nhiều khu vực khác bị bỏ trống hoặc sử dụng không hết hiệu quả của quỹ đất được quy hoạch.

Chiều 15/6, theo chương trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Viên chức./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất