Trong 5 năm tới (2015-2020), Đảng bộ tỉnh An Giang xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển.
Chiều 22/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, đã bế mạc sau 3 ngày làm việc.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X gồm 53 người; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII gồm 18 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.
Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa X đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 người, bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 người. Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy khóa IX, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy An Giang khóa X.
Trong 5 năm tới (2015-2020), Đảng bộ tỉnh An Giang xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển.
Phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định biên giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
An Giang là tỉnh nông nghiệp và có thế mạnh về thương mại, do đó, nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế được xác định theo thứ tự ưu tiên: “nông nghiệp, thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng," trong đó, nông nghiệp và du lịch là hai mũi nhọn, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh tạo nền tảng để phát triển thương mại-dịch vụ, công nghiệp chế biến và xây dựng.
Kết hợp tốt giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với quá trình đô thị hóa, mở rộng các khu đô thị, các khu công nghiệp, dịch vụ năng động; đảm bảo cho mọi người dân có cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của sự phát triển.
Tỉnh phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển và thực thi chính sách. Cơ cấu lại vốn đầu tư theo hướng giảm vốn nhà nước, tăng vốn xã hội; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ phù hợp, từng bước hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; chuyển các dịch vụ công sang tư nhân ở lĩnh vực mà hoạt động tư nhân có hiệu quả.
Phát triển kinh tế-xã hội của An Giang được đặt trong sự tương tác với các nước, vùng miền và nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu nhằm tạo thế liên hoàn và chủ động hội nhập quốc tế là một nhu cầu tất yếu để phát triển bền vững.
Tỉnh An Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm trở lên. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 48,3 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm đạt khoảng 148.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 6,05 tỷ USD; thu ngân sách 5 năm đạt 31.985 tỷ đồng.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2020 đạt 65%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm.
An Giang phấn đấu đến năm 2020, lĩnh vực giáo dục-đào tạo của tỉnh đạt tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi mẫu giáo là 70%, tiểuhọc đạt 100%, trung học cơ sở đạt 80%, trung học phổ thông và tương đương đạt 50%. Trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt 50%. Trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 là 50%.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững.
Trong 5 năm tới Đảng bộ tỉnh An Giang xác định 3 khâu đột phá gồm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đổi mới mạnh mẽ khâu tuyển chọn, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung khâu giảm thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư; Đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Tỉnh An Giang thực hiện Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Để nông nghiệp đáp ứng hội nhập thành công, yêu cầu sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh.
Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo phương châm “Lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, lấy ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ làm khâu đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu.”
Chuyển từ tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, từ đó, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh.
An Giang phối hợp với các địa phương trong vùng thực hiện có hiệu quả Đề án “Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân;" tập trung 4 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh là gạo, cá, rau màu và cây dược liệu, trong đó, cấu trúc lại cây lúa, con cá.
Đảng bộ tỉnh tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đổi mới việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết , khắc phục tình trạng sao chép, rập khuôn, tập trung cho khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hoạt động tự phê bình, phê bình và chất vấn trong các kỳ họp.
Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng thực hiện tốt cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài./.
Theo TTXVN