Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 16/10/2008 17:42'(GMT+7)

Bắc Giang: Hướng đột phá KNCN trong nông nghiệp và công nghiệp

Trong giai đoạn 5 năm (2004- 2008), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu thực hiện 93 đề tài, dự án trên các lĩnh vực: Nông nghiệp và PHNT, Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp, Y tế, Giáo dục đào tạo, văn hoá- xã hội, an ninh quốc phòng và các lĩnh vực khác.

Trong số các đề tài, lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT có 31 đề tài, dự án, chiếm 33,3%; lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có 18 đề tài, dự án, chiếm 19,4%. Điều này phần nào phản ánh nhu cầu thực tại của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế- xã hội của một tỉnh mà nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng lớn.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn. Để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng cải tiến công nghệ, kỹ thuật trong công nghiệp hiện nay cần một nguồn tài chính không nhỏ. Trong khi đó, vốn ngân sách sự nghiệp hàng năm không lớn. Ở Bắc Giang hiện nay cũng không có những cơ sở nghiên cứu có đủ năng lực để nghiên cứu tìm ra những công nghệ kỹ thuật mới nên các đề tài, dự án chỉ dừng lại ở việc ứng dụng, thử nghiệm các kết quả nghiên cứu, các công nghệ, kỹ thuật đã có vào thực tế sản xuất công nghiệp tại địa phương. Toàn tỉnh hiện nay có khoảng 1.400 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên các lĩnh vực song thực chất chỉ khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.Tuy nhiên ở các doanh nghiệp này còn chậm đổi mới công nghệ sản xuất, tỷ trọng dao động thủ công nhiều nên chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm hàng hoá thiếu sức cạnh tranh.

Khó khăn lớn nhất là nguồn lực KHCN vừa thiếu, vừa yếu. Nguồn nhân lực KHCN chưa đủ mạnh lại thiếu môi trường làm việc chuyên môn nên khó có điều kiện phát triển năng lực; số cán bộ KHCN có tâm huyết không nhiều. Mặc dù tỉnh đã có những chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn song nhìn chung điều kiện học tập, tiếp xúc với các kỹ thuật mới, đặc biệt là các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài của cán bộ KHCN còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành KHCN vừa thiếu, vừa nghèo, thiếu các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ cho nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm. Thông tin KHCN chưa được cập nhật thường xuyên, thiếu thông tin chuyên sâu phục vụ cho công tác nghiên cứu ứng dụng. . .

Việc ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhìn chung hiệu quả còn thấp, chưa tạo được những đột phá trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Để khắc phục những hạn chế trên đây, ngành KHCN Bắc Giang xác định hướng đột phá của hoạt động KHCN là tiếp tục đầu tư KHCN vào hai ngành kinh tế chính của tỉnh là nông nghiệp và công nghiệp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết là đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giống cây, con mới, các kỹ thuật canh tác tổng hợp, bón phân tổng hợp vi sinh, bảo vệ thực vật, công tác thú y phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ cầm; biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nhằm đưa năng suất tăng từ 30% - 40%. Thúc đẩy xây dựng cơ cấu nông nghiệp sản xuất hàng hoá trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, định hướng lựa chọn sản xuất các mặt hàng nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng yêu cầu thị trường. Ưu tiên nghiên cứu để tạo các vùng sản xuất các mặt hàng nông nghiệp đặc sản của địa phương có giá trị, chất lượng cao, nhằm tăng năng suất từ 30%-50% đối với vải thiều, gà đồi, mật ong xuất khẩu... Xây dựng các quy trình sản xuất và giám sát chất lượng các mặt hàng này đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương. Ngành KHCN phối hợp với các ngành để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và thế giới.

Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản địa phương, nhằm tăng 20%-30% giá trị sản phẩm.

Ngoài ra ngành cũng tập trung vào định hướng, hỗ trợ cải tiến công nghệ, kỹ thuật cho các doanh nghiệp trên địa bàn để hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đầu tư khoa học - công nghệ vào phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng với định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá và giải quyết vấn đề môi trường làng nghề.

Bên cạnh đó, để góp phần phát triển ngành kinh tế sạch: du lịch, dịch vụ của tỉnh nhà, ngành KHCN sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hoá, . . . phục dựng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các điểm du lịch sinh thái- văn hoá mang tính đặc trưng của Bắc Giang.

Để khắc phục những khó khăn và tạo những bước đột phá trong KHCN, Bắc Giang thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể là:

Thứ nhất, phát triển nguồn lực khoa học công nghệ trên tất cả các mặt: nhân lực, vật lực, trí lực, tài lực, trong đó lấy nhân lực làm hướng ưu tiên. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Khuyến khích cán bộ khoa học kỹ thuật nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động của địa phương.

Thứ hai, đổi mới tư duy. Đổi mới cơ chế quản lý KHCN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đơn vị KHCN; kiện toàn bộ máy KHCN từ tỉnh đến các ngành, địa phương theo Thông tư liên bộ Khoa học và công nghệ - Nội vụ.

Thứ ba, đầu tư phát triển xây dựng cơ sở vật chất từ 30 tỷ lên 50 tỷ hàng năm, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, Trung tâm khuyến công, trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa, . . . để các trung tâm này trở thành đầu mối chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới phục vụ sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các trung tâm xây dựng, tổ chức các dịch vụ KHCN, thành lập công ty KHCN.

Thứ tư, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Chiến lược phát (triển KHCN, chương trình KHCN trọng điểm của tỉnh giai đoạn 10 năm, 5 năm và cho từng năm. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình phát triển KHCN của từng ngành, địa phương, trên từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ năm, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển KHCN ngày càng phù hợp với thực tiễn để khuyến khích nông dân, trang trại, doanh nghiệp, . . . áp dụng thành tựu KHCN, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình thử nghiệm có hiệu quả cao . . . Khuyến khích các dự án có quy mô lớn trên 1.000 ha hoặc 1.000 con gia súc, gia cầm, sản xuất các sản phẩm hàng hoá có giá trị, có chu trình khép kín từ tạo vùng nguyên liệu- sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. . . Tổng kết mở rộng và phát triển mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp.

Thứ sáu, phẩm triển thị trường công nghệ, tổ chức các dịch vụ môi giới, mua bán, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ để tạo được mối liên hệ mật thiết giữa khoa học công nghệ với sản xuất và thị trường trong nước và quốc tế.

Vũ Vọng
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất